Trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin về Công ty TNHH Giày Huê Phong đã giải thể vì bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19. Khi liên hệ với Công ty, đại diện bộ phận nhân sự cho biết hiện giờ chưa thể trả lời về các câu hỏi liên quan.
|
Công ty TNHH Giày Huê Phong. |
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Giày Huê Phong có địa chỉ tại 225 Phạm Văn Chiêu, P.14, Gò Vấp, TP HCM, mã số thuế là 0301451616. Công ty được thành lập từ ngày 19/10/1992, sản xuất chủ yếu là giày da xuất khẩu đi các nước Châu Âu, Mỹ.
Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Giày Huê Phong có vốn điều lệ 216 tỷ đồng với 5 cổ đông sáng lập với tỷ lệ góp vốn bằng nhau là 20%.
Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty và cũng là người đại diện pháp luật chính là bà Trần Minh Tú, sinh năm 1979 là người Hoa, quốc tịch Việt Nam.
Trước ngày 11/2/2020, ông Hsu Chi – Tsang sinh năm 1972 là người Trung Quốc cũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty, được biết ông Hsu Chi – Tsang đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc của Giày Huê Phong.
|
Nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. |
Trong suốt hành trình hoạt động của mình, Giày Huê Phong "nhẵn mặt" với cơ quan chức năng bởi hàng loạt vụ tranh chấp lao động tập thể, hầu hết cuộc tranh chấp đều liên quan đến lương, thưởng và cách đối xử với công nhân.
Trong năm 2008, hơn 4.000 công nhân Công ty đã đình công và thời gian kéo dài trong hai tuần vì phản đối cách tính lương thưởng.
Theo Tuoitre, tháng 9/1997, nhân viên kỹ thuật người Đài Loan tên Liu Tien Kuang bắt 120 công nhân phơi nắng dẫn đến cuộc đình công của toàn thể Công nhân.
Năm 2000, tại công ty xảy ra nhiều cuộc đình công với qui mô hàng ngàn người tham gia. Lý do: công ty trả lương thấp, buộc công nhân làm việc quá sức, phạt tiền vô tội vạ. Công ty còn áp dụng nhiều chính sách rất nghiệt ngã: lao động nữ khi vào công ty phải cam kết không được sinh con, công nhân nữ nào có thai bị sa thải và không được trợ cấp…
Tháng 10/2000, 12 công nhân đã tuyệt thực phơi nắng để phản ứng về cách đối xử của lãnh đạo công ty. Năm 2005, hàng ngàn lao động đã phản ứng dữ dội, đập phá tan hoang căng tin, văn phòng của công ty.
Giữa tháng 2/2006, công nhân đình công phản đối cách tính lương thưởng. Năm 2007, cơ quan bảo hiểm xã hội cho biết công ty nợ bảo hiểm đến 5,2 tỷ đồng.