Trong năm 2020, FPT Retail dự tính doanh thu đạt 15.320 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 220 tỷ đồng, tương đương giảm 8% và 21% so với con số thực hiện năm 2019.
Công ty cho biết sẽ nâng cao hiệu quả kinh doanh trên cửa hàng bằng cách tăng doanh thu của hệ thống theo hình thức shop – in – shop, định hướng phát triển ngành bán lẻ dược phẩm bằng cách mở rộng chuỗi nhà thuốc long Châu.
Bên cạnh đó, FRT sẽ đầu tư vào công nghệ như xây dựng Platform bán lẻ chuẩn, làm tiền đề để đẩy nhanh các hướng kinh doanh mới tại đà tăng trưởng trong tương lai.
Trong quý 1 vừa rồi, mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu khiến FPT Retail báo lãi lao dốc 37%. Cụ thể, doanh thu thuần quý 1 tăng nhẹ 2% lên 4.093 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ 11,9% lên 13,8% tương ứng lợi nhuận gộp 564 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.
Nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay nên doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh 146% lên hơn 23 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính cũng tăng 49% lên 52 tỷ đồng chủ yếu là chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá.
Chi phí bán hàng cùng chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 25% và 55% so với cùng kỳ, lần lượt chiếm 391 tỷ đồng và 102 tỷ đồng khiến lãi ròng mà FPT Retail giảm 43%, đạt 37 tỷ đồng.
Trong 3 năm tới, FPT Retail đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của tất cả các mảng kinh doanh và tiến tới trở thành công ty bán lẻ đa ngành hàng đầu Việt Nam.
Trong đó, FPT Shop sẽ tối ưu lợi nhuận thông qua việc tập trung phát triển một số dòng sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao, đồng thời tối ưu mặt bằng kinh doanh, bán chéo các sản phẩm phụ như đồng hồ, kính mát,…; đầu tư trang thiết bị và nâng cao chất lượng nhân sự.
Mảng dược phẩm là động lực tăng trưởng của FPT Retail trong tương lai. Sau khi tìm ra công thức thành công, chuỗi dự kiến tăng số lượng cửa hàng lên 3 lần so với năm 2019, từ 70 lên 220 cửa hàng ngay trong năm nay, doanh thu cũng sẽ tăng lên gấp 3 lần từ 500 tỷ trong năm 2019 lên 1.500 tỷ trong năm 2020.
|
Cửa hàng FPT Retail. |
Đại hội dự kiến đưa ra thảo luận việc bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT độc lập thay thế ông Hoàng Trung Kiên. Người được đề cử là ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, sinh ngày 4/8/1974.
Từ ngày 6/3, ông Nguyễn Thế Phương thôi chức vụ Thành viên HĐQT tại FPT Retail và ông Hoàng Trung Kiên – thành viên độc lập HĐQT được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng giám đốc. Sau khi thay đổi nhân sự, HĐQT FPT Retail còn 4 thành viên gồm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bạch Diệp, 2 thành viên HĐQT kiêm Điều hành Trịnh Hoa Giang, Hoàng Trung Kiên và Thành viên độc lập HĐQT Lê Hồng Việt.
Một điểm đáng chú ý tại tài liệu lần này là về thù lao Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát trong năm 2019 và kế hoạch thù lao trong năm 2020. Theo đó, Công ty đề xuất không chi thù lao cho các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát, Thành viên Ban kiểm soát, Người phụ trách quản trị Công ty, Thư ký Công ty trong năm 2019 và cả năm 2020.
Về phương án phân phối lợi nhuận trong năm 2019, FRT dự kiến sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10%, tương ứng với việc chi ra gần 80 tỷ đồng. Công ty dự kiến chi trả cho cổ đông vào quý 3/2020 sau khi được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt.