Cụ thể, doanh thu thuần sụt giảm gần 10% về 2.909 tỷ đồng. Giá vốn xấp xỉ cùng kỳ với 2.568 tỷ đồng nên lãi gộp sụt giảm tới 48%, về mức 341 tỷ đồng.
Đáng nói, chi phí lãi vay vẫn là gánh nặng của Đạm Hà Bắc ngốn tới 840 tỷ đồng, tăng gần 14% so năm 2018.
Chính điều này đã khiến Đạm Hà Bắc báo lỗ nặng 637 tỷ đồng trong năm 2019, trong khi năm 2018 chỉ lỗ 320 tỷ đồng. Riêng quý 4/2019 đóng góp mức lỗ tới 218 tỷ đồng, cũng gấp 3 lần cùng kỳ.
Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp Đạm Hà Bắc chìm trong thua lỗ. Chính khoản lỗ này đã khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Đạm Hà Bắc âm 3.285 tỷ đồng, kéo vốn chủ sở hữu âm 516 tỷ đồng. Tương ứng tổng nguồn vốn suy giảm gần 3% xuống mức 9.343 tỷ đồng.
Theo giải trình của Đạm Hà Bắc, công ty phát sinh thua lỗ do chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng 30% trong tổng doanh thu. Đạm Hà Bắc đang vay nợ tài chính ngắn hạn là 1.203 tỷ đồng, tăng gần 5% so đầu kỳ; còn dài hạn tới 6.283 tỷ đồng, giảm nhẹ 4%. Tức tổng mức vay nợ tài chính hớn 7.000 tỷ đồng.
Hiện Đạm Hà Bắc vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam với lãi suất bình quân là 10,78%/năm (các khoản dư nợ đang áp dụng lãi suất từ 8,55%/năm đến 12%/năm).
Do công ty không thể cân đối được dòng tiền trả nợ đúng hạn gốc, lãi và phải chịu lãi phạt trên số tiền chậm trả (lãi phạt trên số tiền chậm trả là 150% lãi suất trong hạn, có khoản vay với lãi phạt lên đến 18%/năm).
Về hoạt động kinh doanh, than và điện là nguyên nhiên liệu sản xuất chủ yếu liên tục tăng giá. Cụ thể, giá than 4a tăng 2,7%, giá than 5a tăng 7,8%, giá điện bình quân tăng 7% so với quý 4/2018.
Ngoài ra, thị trường phân bón ure cuối năm 2019 giảm sâu làm cho giá bán các sản phẩm của công ty giảm mạnh so với năm 2018 dẫn đến lợi nhuận gộp giảm.
Từ đó, giá bán sản phẩm không đủ bù đắp chi phí cố định tăng cao như khấu hao tài sản và lãi vay đầu tư.
Một vấn đề nữa là luật thuế đưa sản phẩm phân bón thành đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng gây bất lợi kép cho công ty do vừa không được hoàn thuế đầu vào vừa giảm sức cạnh tranh so với hàng nhậu khẩu.