Cổ phiếu DQC 'hứng trọn combo' cảnh báo và kiểm soát

HoSE vừa có quyết định đưa cổ phiếu DQC của Tập đoàn Điện Quang vào diện cảnh báo và kiểm soát kể từ ngày 17/4/2025.
Ngày 10/4/2025, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) vừa có thông báo liên quan đến việc xử lý vi phạm đối với cổ phiếu DQC của Công ty CP Tập đoàn Điện Quang (HoSE:DQC).
Cụ thể, HoSE quyết định đưa cổ phiếu DQC vào diện cảnh báo và kiểm soát kể từ ngày 17/4/2025.
Theo HoSE, cổ phiếu DQC bị đưa vào diện cảnh báo do tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024. Đồng thời, do công ty lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2024 ghi nhận số âm, theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024.
Lý do đưa cổ phiếu DQC vào diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 và 2024 đều ghi nhận âm.
Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2024, Tập đoàn Điện Quang ghi nhận doanh thu đạt 813 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước. Khấu trừ chi phí, Công ty lỗ sau thuế gần 121 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2023 chỉ lỗ 33 tỷ đồng. Trong khi lỗ ròng gần 123 tỷ đồng. Đánh dấu năm thứ hai liên tiếp thua lỗ, đồng thời cũng là năm có mức lỗ cao nhất từ trước đến nay của tập đoàn.
Nguyên nhân thua lỗ được DQC giải trình do công ty phải trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi (hơn 105 tỷ đồng), dự phòng hàng tồn kho (gần 6 tỷ đồng) và dự phòng đầu tư tài chính (hơn 17 tỷ đồng).
Tính đến ngày 31/12/2024, lỗ lũy kế của Tập đoàn Điện Quang đã tăng lên 85,8 tỷ đồng.
Không những ngập trong thua lỗ, công ty còn nhận được ý kiến ngoại trừ từ đơn vị kiểm toán liên quan đến các khoản trích lập dự phòng và xử lý tổn thất của công ty liên quan đến các khoản trả trước nhà cung cấp và công nợ phải thu khó đòi.
Giải trình vấn đề này, công ty cho biết từ năm 2022 đến nay thị trường kinh tế liên tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19 và khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. Do đó công ty không thể lường trước được việc nhà cung cấp hay khách hàng ngưng hoạt động trong tương lai. Vì vậy, khi quá hạn thu hồi công nợ theo quy định, công ty phải thực hiện trích lập dự phòng và xử lý tổn thất.
Co phieu DQC 'hung tron combo' canh bao va kiem soat
 Ảnh minh họa
DQC có tiền thân là Xí nghiệp Bóng đèn Điện Quang, được thành lập năm 1979 trên cơ sở sáp nhập các xí nghiệp nhỏ tại Biên Hòa và Tp.HCM. Năm 2008, Công ty niêm yết trên HoSE.
DQC từng là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bóng đèn truyền thống với thị phần chiếm khoảng 60%, gắn liền với khẩu hiệu "Ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang".
Tuy nhiên, công ty sau đó gặp thách thức khi các sản phẩm truyền thống như huỳnh quang, compact, đèn tròn... mất chỗ đứng nghiêm trọng, và việc chuyển đổi sang đèn LED chưa đủ bù đắp. Công ty tiếp tục chịu áp lực sản xuất từ sau đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng bởi các khách hàng bất động sản. Thị trường địa ốc năm 2023 rơi vào trạng thái đóng băng làm sức tiêu thụ của công ty chậm lại, tồn kho tăng cao và công nợ bị kéo dài.
Từ năm 2022, DQC chuyển hướng sang giải pháp chiếu sáng, giải pháp thông minh cho căn hộ và có nhiều dự án, song chỉ số kinh doanh vẫn không hiệu quả.
Từ năm 2019 đến nay, hoạt động kinh doanh của công ty liên tục sụt giảm. Không chỉ doanh thu rơi xuống dưới mốc 1.000 tỷ đồng, mà lợi nhuận cũng lao dốc mạnh, chỉ còn khoảng 20 tỷ đồng/năm. Công ty bắt đầu thua lỗ từ quý 3/2023. Cả năm 2023, DQC lỗ trước thuế 31 tỷ đồng, nguyên nhân theo ban bãnh đạo do sụt giảm doanh số, tăng chi phí khuyến mãi, trích lập dự phòng…
Trên thị trường, DQC cũng liên tục giảm theo chiều sa sút của kinh doanh. Hiện, cổ phiếu DQC giao dịch ở mức 9.390 đồng/cp tại kết phiên ngày 11/4.
Minh Vy

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN