Chiều 30/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2023.
Theo đó, cơ quan thường trực của Quốc hội đồng ý giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn... so với mức trần biểu khung thuế.
Như vậy, mức thuế môi trường với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng một lít; dầu diesel, dầu nhờn, dầu mazut và mỡ nhờn là 1.000 đồng/lít, kg; dầu hoả 600 đồng/lít.
Riêng thuế với nhiên liệu bay, hiện vẫn còn khó khăn do tác động của dịch COVID-19 nên đề nghị áp mức sàn trong biểu thuế là 1.000 đồng/lít. Thời hạn áp dụng từ 1/1/2023 đến hết 31/12/2023.
Mức thuế được "chốt" là phương án Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê duyệt sau nhiều cân nhắc và thẩm tra đề xuất của Chính phủ.
Từ đầu năm 2024, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn sẽ trở lại mức trần của biểu khung thuế, tức xăng là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.
Trước đó, Chính phủ đề nghị vẫn giữ mức sàn thuế với các mặt hàng nhiên liệu trong năm 2023. Tương tự mức đang áp dụng từ tháng 7 đến nay.
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho biết, cơ quan này nhất trí cần tiếp tục giảm thuế môi trường với xăng dầu trong năm 2023 để tạo điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng bối cảnh giá dầu thô cuối năm 2022 đã hạ nhiệt, dự báo giá dầu năm sau cũng thấp hơn mức bình quân năm 2022 khoảng 10%, thì việc duy trì mức thuế sàn như đề xuất của Chính phủ là chưa thuyết phục, chưa phù hợp với bản chất và mục tiêu của loại thuế này. Việc này cũng có thể ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam trong thực hiện các giải pháp nhằm giảm tác động có hại đến môi trường.
Ngoài ra, Chính phủ cũng chưa tổng kết, đánh giá toàn diện và đầy đủ tác động của giảm thuế bảo vệ môi trường trong năm 2022, nhất là tác động tiêu cực, dẫn tới chưa đủ căn cứ, thông tin để xem xét, quyết định việc tiếp tục áp mức sàn của biểu khung thuế trong năm sau. Chưa kể, theo tính toán thì nếu duy trì mức sàn thuế này trong năm sau sẽ khiến ngân sách giảm thu khá lớn, gần 56.000 tỷ đồng.
Vì thế, Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ bổ sung thông tin, số liệu, báo cáo để làm rõ sự cần thiết phải áp dụng mức sàn trong biểu khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu trong năm 2023. Để phù hợp với diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới, không làm ảnh hưởng quá lớn tới nguồn thu ngân sách..., cơ quan thẩm tra trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết theo hướng chỉ giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ ethanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; và giảm 70% thuế với dầu hoả so với mức trần của biểu khung thuế.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình ký trong ngày 31/12, để Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện các quy định để quản lý, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá thế giới; có đủ các giải pháp đảm bảo giá bán xăng dầu hợp lý.
Chính phủ cũng cần điều chỉnh phù hợp các khoản thuế, phí, các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức chi phí, cũng như nâng cao năng lực dự trữ quốc gia và sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bình ổn thị trường.