CTCP Cảng Đồng Nai (HoSE: PDN) mới đây đã công bố thông tin về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 và tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024.
Theo đó, ngày 10/3 tới đây là ngày đăng ký cuối cùng cho cổ đông để tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 bằng tiền và Tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Thời gian tổ chức ĐHĐCĐ dự kiến vào ngày 24/4, về địa điểm và nội dung họp công ty sẽ thông báo sau.
Còn về kế hoạch chia cổ tức, PDN dự kiến chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20% ( tương đương 01 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng). Ngày thanh toán dự kiến vào 01/4/2025.
Với hơn 37 triệu cp đang lưu hành, PDN sẽ chi hơn 74 tỷ đồng để trả cổ tức. Hiện Tổng CTCP Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi, UPCoM: SNZ) đang là cổ đông lớn nhất đồng thời cũng là công ty mẹ PDN, sở hữu trực tiếp 51% vốn, ước tính thu về hơn 37,7 tỷ đồng cổ tức.
Cảng Đồng Nai là doanh nghiệp có chính sách chia cổ tức đều đặn, thường xuyên duy trì ở mức trên 30% bằng tiền mặt.
Cụ thể, năm tài chính 2023, công ty chi trả cổ tức với tỷ lệ 35%; năm 2022 là 50%; năm 2021 đạt 40%; và năm 2020 là 35%. Chính sách này không chỉ phản ánh sức khỏe tài chính ổn định mà còn khẳng định cam kết mang lại giá trị bền vững cho cổ đông.
Chính sách cổ tức hấp dẫn của Cảng Đồng Nai được hỗ trợ rất lớn từ kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng của doanh nghiệp cảng biển này.
 |
Ảnh minh họa |
Về kết quả kinh doanh năm 2024, doanh thu và lợi nhuận của Cảng Đồng Nai lần lượt tăng vượt mốc 1.300 tỷ đồng và 347 tỷ đồng, vượt 10% và 17% so với chỉ tiêu đã đề ra. Không những là mức kỷ lục, đây đã là năm thứ 15 liên tiếp công ty ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận.
Giải trình về kết quả tăng trưởng này, Cảng Đồng Nai cho biết doanh thu hoạt động khai thác năm 2024 tăng so với cùng kỳ là do việc phát triển hoàn thiện cơ sở giao thông hạ tầng kết nổi liên tỉnh, liên vùng trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ngày càng được chú trọng; các trục đường vành đai 3 vành đai 4, hay cầu Bạch Đằng 2 v.v... tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, kết nối thuận tiện các doanh nghiệp các khu công nghiệp phía thành phố Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên của tỉnh Bình Dương đến Cảng Đồng Nai.
Ngoài ra Cảng Đồng Nai đã và đang tập trung đầu từ cơ sở hạ tầng, bến bãi trang thiết bị xếp dỡ chuyên dụng làm hàng container kip thời, giảm tình trạng tắc nghẽn hàng hóa tại Cảng nhằm đáp ứng nhu cầu sản lượng tăng cao của khách hàng cũng như tăng sự hài lòng của khách hàng khi sử dụng dịch vụ tại Cảng Đồng Nai.
Bên cạnh đó nguồn hàng truyền thống như hàng alumin, gỗ viên nén và đơn vị thuê bãi kinh doanh thương mại loại hàng hóa chất, than đá phục vụ cho nhà máy sản xuất sản lượng ổn định so với cùng kỳ.
Đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Cảng Đồng Nai đạt gần 1.550 tỷ đồng. Tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn với 691 tỷ đồng, tương ứng 45% tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu vượt 1.200 tỷ đồng, gấp 4 lần nợ phải trả, trong đó 310 tỷ đồng là lợi nhuận chưa phân phối và 485 tỷ đồng nằm trong quỹ đầu tư phát triển.