CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (BecamexTDC, HoSE: TDC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 với doanh thu thuần chỉ vỏn vẹn 134 tỷ đồng, lao dốc gần 80% so cùng kỳ 2022.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng bất động sản chỉ vỏn vẹn 52 tỷ đồng và bán thành phẩm cũng giảm mạnh xuống 156 tỷ đồng...
|
Cơ cấu doanh thu quý 2/2023 của TDC |
Giá vốn chiếm 99 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của TDC về mức 35,6 tỷ đồng, cũng suy giảm mạnh 73% so cùng kỳ.
Trong khi chi phí tài chính lên tới 64 tỷ đồng, chi phí bán hàng 16 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 14 tỷ đồng. Thu không đủ bù chi khiến TDC lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tới gần 57 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi thầun 50 tỷ đồng.
Thêm vào đó, kỳ này TDC ghi nhận lỗ khác nặng tới 224 tỷ đồng do lỗ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định (105 tỷ) và bị phạt do vi phạm hợp đồng (128 tỷ đồng).
|
Thu nhập và chi phí khác của TDC |
Do đó, sau cùng TDC lỗ ròng gần 282 tỷ đồng trong quý 2/2023, bi thảm hơn so mức lãi lớn 131 tỷ của cùng kỳ 2022.
Tính chung 6 tháng, doanh thu thuần của TDC cũng giảm 70% so cùng kỳ về còn 238,7 tỷ đồng. Thu không đủ bù chi nên TDC lỗ ròng 322 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi gần 22 tỷ đồng.
Theo giải trình của TDC, sở dĩ kỳ này kinh doanh thua lỗ do hoạt động kinh doanh bất động sản giảm mạnh ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của công ty, đồng thời trong kỳ có nhiều hàng hoá bất động sản bị trả lại.
Kỳ này, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của TDC âm gần 61 tỷ đồng chủ yếu do giảm các khoản phải thu... Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng trở âm gần 14 tỷ. Còn lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 68 tỷ đồng. Sau cùng, dòng tiền thuần trong kỳ của TDC âm 6,5 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của TDC xấp xỉ đầu kỳ với 3.840 tỷ đồng, trong đó tiền mặt và gửi ngân hàng vẫn chiếm 192 tỷ đồng; Các khoản phải thu ngắn hạn giảm mạnh 35% về mức 584 tỷ đồng; Hàng tồn kho giảm nhẹ xuống 398 tỷ đồng.
Đặc biệt, phải trả ngắn hạn khác của TDC tăng vọt gấp 5,5 lần cùng kỳ lên 355 tỷ đồng do phát sinh lãi trả chậm tiền mua hàng hóa dịch vụ của Tổng CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Becamex (128 tỷ đồng); Tạm ứng vốn góp dự án Bắc Sông Cấm (50 tỷ); Tiền chi thanh lý thu hồi đất Chơn Thành (80 tỷ)...
Về tình hình nợ phải trả (2.964 tỷ đồng), TDC đang vay nợ tài chính ngắn hạn 1.092 tỷ đồng và dài hạn là 690 tỷ đồng, đều xấp xỉ đầu kỳ.
Trong cơ cấu vay ngắn hạn, khoản nợ tại BIDV lớn nhất với 734 tỷ đồng, VietinBank 318 tỷ đồng, Vietcombank 37 tỷ đồng...
Còn vay dài hạn, TDC vay trái phiếu 681 tỷ đồng, đây là lượng trái phiếu TDC phát hành năm 2020 và đáo hạn tháng 11/2025. Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất tại phường Hoà Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thuộc sở hữu của Becamex. Số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu TDC đã sử dụng để chi trả cổ tức, lãi chậm trả trả cổ tức cho công ty mẹ Becamex, trả nợ vay và lãi vay cho các ngân hàng.
Trước đó, hồi tháng 2, TDC phải thanh toán tổng lãi 23,8 tỷ đồng lô trái phiếu mã TDC.Bond.2020.700, mệnh giá 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty chỉ thanh toán được 7 tỷ đồng lãi trái phiếu, còn 16,82 tỷ đồng lãi trái phiếu chưa thanh toán được, lý do được đưa ra do tình hình thị trường kinh doanh bất động sản thời gian qua rất chậm đã ảnh hưởng tới dòng tiền sản xuất kinh doanh của Công ty.
TDC cho biết dự kiến sẽ thanh toán trước ngày 23/3 số lãi còn lại và tiền phạt lãi chậm tính đến ngày thanh toán, tức ước tính trễ 1 tháng so với thời gian quy định.
Tại báo cáo này, TDC cũng lưu ý các sai sót, theo biên bản Kiểm toán Nhà nước, TDC xác định chưa đúng chi phí lãi vay được trừ của doanh nghiệp có giao dịch liên kết, trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho không đúng quý định, hạch toán giảm giá hàng bán không đúng quý định, hạch toán tài sản thiếu chờ xử lý không đúng quy định, chưa loại trừ khoản hoá đơn trên 20 triệu đồng thanh toán không dùng tiền mặt, hạch toán giá vốn và chi phí khoản lãi chậm bàn giao Giấy chứng nhận cho khách hàng chưa có đầy đủ chứng từ.