Cụ thể, trong BCTC kiểm toán 2020, đơn vị kiểm toán đã nhấn mạnh về việc TTF đang chịu khoản lỗ lũy kế hơn 3.000 tỷ đồng và tổng nợ phải trả đã vượt tổng tài sản gần 585 tỷ đồng – tức vốn chủ sở hữu bị âm số tiền tương ứng.
Bên cạnh đó, Công ty còn đang có khoản vay ngân hàng và bên thứ ba đã quá hạn với tổng số tiền hơn 124 tỷ đồng. Từ những yếu tố trên, khả năng hoạt động liên tục của TTF cũng đã bị nghi ngờ đáng kể.
Theo giải trình, ban lãnh đạo TTF cho biết ưu tiên sẽ cải thiện hoạt động kinh doanh. Theo chia sẻ, tình hình sản xuất của Công ty đang có những dấu hiệu tích cực khi nhà máy Tủ Bếp giúp Công ty thu về bình quân khoảng 50 tỷ đồng/tháng; nhà máy SOFA 1 và SOFA 2 cũng có doanh số bình quân 40 tỷ đồng/tháng. Các nhà máy này đều đã nhận đủ đơn hàng để thực hiện đến hết năm 2021.
Ngoài ra, Công ty đang đầu tư xây dựng nhà máy Ván Ép với công suất 9,000 m3/tháng và đẩy mạnh thương hiệu gỗ Casadora trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
|
TTF làm gì để khắc phục tình trạng âm vốn chủ và thoát lỗ? |
Tiếp theo, TTF cho biết đã xây dựng kế hoạch chuyển nhượng vốn tại các công ty con hoạt động kém hiệu quả trong năm 2021. Cụ thể, TTF dự định rút vốn khỏi 4 công ty con với tổng giá trị tài sản thuần đạt gần 203 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ tiến hành thanh lý hơn 486 ha rừng tại Phước An, Đắk Lắk.
Phương án khắc phục tiếp theo được Gỗ Trường Thành đưa ra là việc công ty đã được thông qua phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu ưu đãi để tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ lên gần 4.112 tỷ đồng.
Nguồn tiền huy động sẽ được dùng để trả nợ Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) hơn 123 tỷ và bổ sung vốn lưu động. Sau khi trả nợ DongA Bank xong công ty có thể vay thương mại tại ngân hàng bình thường lại. Doanh nghiệp cũng cho biết dự kiến quý III hoặc đầu quý IV năm nay sẽ hoàn tất đợt phát hành.
Nói thêm, sau khi hoàn tất tăng vốn cùng hoạt động kinh doanh tốt lên thì công ty cho rằng sẽ khắc phục dứt điểm được tình trạng âm vốn chủ sở hữu.