Ngày 26/11/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Dự thảo Luật thuế Giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi. Theo đó kể từ ngày 1/7/2025, phân bón chính thức trở thành mặt hàng chịu thuế VAT đầu ra với thuế suất 5%.
Trước đó, theo Luật sửa đổi các Luật về thuế số 71/2014/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, phân bón là mặt hàng không chịu thuế VAT đầu ra.
Kể từ khi được áp dụng, Luật Thuế 71 đã cho thấy nhiều hạn chế, do phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VAT đầu ra trong khi các nguyên liệu đầu vào vẫn chịu thuế VAT từ 5% đến 10%, dẫn đến việc các doanh nghiệp trong nước không được khấu trừ thuế VAT đầu vào và phải tăng giá bán để phản ánh phần chi phí trên.
Trong báo cáo mới nhất về ngành phân bón, MBS Research đánh giá việc phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VAT đầu ra thời gian qua vừa ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, vừa tạo áp lực đến người tiêu dùng cuối cùng mà chủ yếu là nông dân, khiến họ chuyển sang sử dụng phân bón nhập khẩu với giá thành rẻ hơn.
Hầu hết các loại phân bón nhập khẩu vào Việt Nam đều đã được khấu trừ thuế VAT tại quốc gia xuất khẩu trước đó, dẫn đến ngay cả khi chịu thuế nhập khẩu 5% (phân ure, phân lân), mặt bằng chung giá phân bón xuất khẩu vẫn thấp hơn giá phân bón tự sản xuất trong nước.
Chứng khoán MBS đánh giá việc áp dụng thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón sẽ cho phép các doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, từ đó hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Chi phí nguyên vật liệu đầu vào thường chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón, dao động từ 50% đến 80%. Các nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất phân bón tương đối đa dạng, và chịu mức thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 5% - 10%.
Do đó, MBS Research đánh giá việc áp dụng thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón sẽ cho phép các doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, từ đó hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Cụ thể, khi mặt hàng phân bón không phải chịu thuế VAT đầu ra, giá trị VAT của các nguyên vật liệu đầu vào sẽ không được khấu trừ mà phải trích lập vào chi phí sản xuất kinh doanh, khiến doanh nghiệp sản xuất phải tăng giá bán để phản ánh các phần chi phí này và khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Ngược lại, khi mặt hàng phân bón chịu thuế VAT đầu ra là 5%, các khoản thuế VAT đầu vào sẽ được hoàn thuế và doanh nghiệp sẽ hưởng lợi do ghi nhận giảm chi phí so với các năm trước.
|
Ảnh minh họa |
Về lý thuyết, MBS cho rằng áp thuế GTGT sẽ khiến giá bán phân bón tăng, nhưng việc lợi nhuận được hỗ trợ sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước giảm giá bán, từ đó tăng cạnh tranh với các sản phẩm phân bón nhập khẩu – vốn trước đây có lợi thế về giá thành so với phân bón sản xuất trong nước, và người tiêu dùng cuối cùng vẫn hưởng lợi.
Theo cách nghĩ thông thường, ví dụ giá phân bón hiện đang bán trên thị trường là 107 đồng, nếu áp thuế GTGT 5% thì phải cộng thêm 5% này vào giá bán, tức là giá sẽ giá tăng lên 5,35 đồng thành 112,35 đồng.
Nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy, không phải cứ chuyển từ không chịu thuế GTGT sang chịu thuế GTGT là giá bán đương nhiên sẽ tăng.
Tiếp tục với ví dụ trên, với giá bán 107 đồng, gọi là không chịu thuế GTGT nhưng thực ra giá bán này đã bao gồm khoản thuế GTGT đầu vào, thường là 10%. Có nghĩa là, giá thực chất của phân bón lúc này chỉ có 100 đồng (là phần của doanh nghiệp, trong đó khoảng 70 đồng là chi phí sản xuất chịu thuế GTGT đầu vào) cộng với 7 đồng là thuế GTGT 10% đầu vào mà doanh nghiệp đã ứng nộp cho Nhà nước trước đó khi mua nguyên - nhiên liệu, vật tư máy móc, thiết bị để sản xuất phân bón.
Sở dĩ phải cộng 10% thuế GTGT này vào là do Luật Thuế 71 quy định phân bón là mặt hàng không chịu thuế GTGT đầu ra, mà không có thuế GTGT đầu ra nên phần thuế GTGT đầu vào kia không được khấu trừ. Mà khoản thuế này Nhà nước đã thu của doanh nghiệp nên doanh nghiệp phải cộng vào giá bán ra thị trường, cuối cùng nông dân là người phải gánh khoản thuế này.
Khi áp thuế GTGT phân bón 5%, phần thuế GTGT đầu vào 10% kia của doanh nghiệp sẽ được khấu trừ và giá bán ra thị trường lúc này là: 100 đồng (phần của doanh nghiệp) cộng thuế GTGT 5% là 5 đồng. Như vậy, giá lúc này chỉ còn 105 đồng, thấp hơn giá khi không chịu thuế GTGT 107 đồng.
Đồng thời cần lưu ý rằng các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón không bị ảnh hưởng lớn bởi thay đổi luật thuế này do thuế suất đầu vào và đầu ra đều là 5%, lợi nhuận không thay đổi.
Trên cơ sở những phân tích trên, MBS Research chỉ ra một số doanh nghiệp sản xuất phân đơn (ure, lân) và phân DAP như Đạm Cà Mau (DCM), Đạm Phú Mỹ (DPM), DAP-Vinachem (DDV), Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao (LAS) sẽ hưởng lợi từ thay đổi này do được hoàn thuế VAT cho nguyên liệu đầu vào.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất phân NPK gần như không hưởng lợi do các nguyên liệu đầu vào chính là phân đơn, và việc áp thuế VAT cho phân bón có khá ít ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp.
“Trước bối cảnh công suất trong nước đã chững lại và giá phân bón không có nhiều động lực tăng rõ ràng trong năm tới, chúng tôi cho rằng việc áp thuế VAT đầu ra này sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong năm 2025”, nhóm phân tích của MBS nhận định.
Đồng quan điểm với MBS, SSI Research cũng chung nhận định việc thay đổi từ “không chịu thuế VAT” sang “chịu thuế VAT 5%” chủ yếu sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất ure và DAP vì những doanh nghiệp này sản xuất phân bón từ nguyên liệu tự nhiên khí đốt tự nhiên, than, quặng phốt phát.
Và tác động đến các nhà sản xuất NPK là không đáng kể. Do nguyên liệu sản xuất NPK chủ yếu là phân bón đơn (ure, phốt phát đơn và kali), nên việc không chịu thuế VAT hay chịu 5% thuế VAT đều không ảnh hưởng nhiều tới chi phí sản xuất NPK.
SSI Research dự báo DPM và DCM sẽ là các cổ phiếu được hưởng lợi từ sự thay đổi này. Sự thay đổi quy định về thuế VAT sẽ giúp DPM và DCM tăng thêm lợi nhuận lần lượt là 259 tỷ đồng và 200 tỷ đồng trong năm tới.
Trước bối cảnh công suất trong nước đã chững lại và giá phân bón không có nhiều động lực tăng rõ ràng trong năm tới, MBS cho rằng việc áp thuế VAT đầu ra này sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong năm 2025.