Là một xã thuần nông của huyện Thiệu Hóa, Thiệu Long hiện có 8 thôn, mỗi thôn có những giá trị văn hóa, lịch sử riêng, trong đó phải kể đến làng Tiên Nông – nơi có ngọn núi Tiên Nông (núi Nuông) chứa đựng nhiều điều huyền bí, huyễn hoặc, thách thức các nhà khoa học, giới nghiên cứu.
Nằm tách biệt so với các thôn còn lại, làng Tiên Nông hiện lên như một bức tranh dân dã, bình dị, người dân sinh cơ lập nghiệp, xây nhà dưới chân ngọn núi Tiên Nông. Không biết khi nào, tự bao giờ, tại đây luôn lưu truyền những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn xung quanh ngọn núi này.
![]() |
Ngọn núi Tiên Nông xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa nhìn từ xa. |
Ông Lê Nhật Thành (79 tuổi, làng Tiên Nông) cho biết, nhiều năm qua câu chuyện một số người dân địa phương có nhặt được vàng, đồng quanh khu vực núi là có thật, trước đây núi Tiên Nông thuộc 4 xã: Thiệu Long, Thiệu Giang (Thiệu Hóa); Định Hòa, Định Thành (Yên Định).
“Cách đây vài năm, có nhiều gia đình may mắn tìm được nhiều đồ vật quý như tiền xu, đồ đồng cổ, vàng… khi đào ao, trồng cây, cày ruộng tại ngọn núi này, họ đem bán, làm nhà, cuộc sống đỡ khó khăn, vất vả hơn. Ông Thành kể.
Theo các cụ cao niên trong làng, trước đây có nhiều đoàn khảo cổ, dân săn cổ vật thường xuyên lưu tại đây, họ mang theo máy dò kim loại, đồ nghề để tìm kiếm, đào bới khắp ngọn núi.
Theo lời anh Vũ Đình Bình (SN 1971, làng Tiên Nông), khoảng hơn chục năm trước, có 2 người không biết từ đâu tới, họ mang máy dò về khu vực trại Cai Hải thuộc làng Tiên Nông dò đồ cổ, phát hiện một đôi chuông đồng, một tách trà men xanh.
Trong làng có anh Vũ Văn Lam, may mắn tìm được một bức tượng trăm tay nghìn mắt bằng ngọc, tượng này tuy nhỏ nhưng có ánh sáng lạ, đẹp mắt, sau đó gia đình đem bán.
Cách đây 5 năm, cũng tại nhà anh Vũ Văn Lam, dân đồ cổ còn phát hiện một bộ xương có hình hài một cô gái, theo trí nhớ của nhiều người trong làng, bộ xương lớn, dài có đường kính khoảng 3m. Người dân sau đó mang đi chôn cất.
![]() |
Nhiều vết đào bới, hố sâu do tìm kiếm cổ vật xuất hiện nham nhở xung quanh ngọn núi. |
![]() |
Nhiều vết đào bới, hố sâu do tìm kiếm cổ vật xuất hiện nham nhở xung quanh ngọn núi. |
Ngoài những câu chuyện dệt thêu về “kho báu”, quanh núi Tiên Nông còn chứa đựng nhiều câu chuyện huyền bí, trong đó không thể không nhắc đến bàn cờ tiên trên đỉnh núi Nuông.
Một số hộ dân sinh sống lâu năm tại làng cho hay, theo truyền thuyết, trên đỉnh núi có một bàn cờ tiên, cứ đến trăng rằm có 2 cô Tiên thường xuyên bay xuống chơi cờ, có một ngày, họ đang say sưa chơi cờ, bất ngờ bị phát hiện, thế rồi hai nàng Tiên biến mất, hòn đá có bàn cờ cô Tiên hay đánh tự dưng nứt toác, chia thành hai tảng đá lớn.
Chị Trịnh Thị Bình (làng Tiên Nông) bộc bạch: “Bàn cờ trên phiến đá không biết có từ khi nào, có một đường kẻ chéo trên mặt đá lớn, đến nay mặc dù vẫn còn nhưng đã mờ, hồi nhỏ tôi thường lên đây chăn bò, giờ có tuổi cũng ngại lên, thi thoảng lên đây lấy ít củi.”
Chị Bình cho biết, khu vực núi Tiên Nông còn thường hay xuất hiện trăn, rắn với kích thước lớn. Cách đây gần chục năm, người dân trong làng có bắt một con trăn lớn, khoảng 40kg, anh Đỗ Văn Hồ là người bị con trăn cuốn vào chân, sau đó họ truy bắt, đem nấu cao. Nửa năm trước, anh Vũ Văn Trường (người trong làng) cũng bắt được một con trăn trên núi, nặng hơn 10kg.
Ngọn núi cây cối rậm rạp, trong làng thường phát hiện nhiều trăn, rắn, thậm chí ổ trăn với hàng chục con. Không một ai dám bắt vì sợ trăn chúa trả thù…
Xung quanh núi Nuông là cả những câu chuyện tâm linh huyền bí được người dân “dệt thêu” truyền miệng nhau từ đời này sang đời khác. Ngay cả thanh niên trong làng cũng thuộc lòng từng câu chuyện, truyền thuyết.
Tuy không có bằng chứng xác thực về sự tồn tại bàn cờ tiên, ổ trăn lớn… nhưng có một điều rất nhiều người họ tận mắt chứng kiến, hoặc sở hữu rất nhiều đồ vật có giá trị tại núi Tiên Nông. Nhiều bậc cao niên sống gần khu vực núi Nuông xác nhận sự việc trên là đúng.
![]() |
Nhiều người dân tại đây đang tìm kiếm cổ vật quanh khu vực núi. |
Theo “Địa chí huyện Thiệu Hóa”, xưa kia từ thửa khai thiên lập địa, có ông thần nông khai phá vùng đất Thiệu Thọ, dân gian hay gọi là Tiên Nông. Ông Tiên Nông trú chân ở núi Muông (Thiệu Long ngày nay), cứ đêm đến người ta thấy bóng ông to lớn khổng lồ, lừng lững trên cánh đồng, lưng cúi xuống làm không biết mệt mỏi… Một ngày nọ, đang lúc chuẩn bị cỗ xôi cúng mẹ nhà Trời, do mải chăm chỉ làm việc, đến nỗi gà gáy lúc nào không hay. Thành ra cỗ xôi biến thành hòn núi Mục ở Lam Kinh, còn con gà hóa thành núi Trẩu trên vùng đất Thọ Xuân. Ngọn núi mà ông thần nông trú chân làm ruộng nay có tên gọi là núi Tiên Nông, xã Thiệu Long, Thiệu Hóa.