Điều đặc biệt ở nơi lưu giữ kỷ niệm vô giá về thầy giáo Nguyễn Tất Thành
(VietnamDaily) - Tháng 2/1911, nhà giáo Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh để vào Sài Gòn thực hiện chí lớn. Các em học trò đã nhòa lệ trên đôi mắt khi nghe đọc bức thư thầy để lại...
Lúc sinh thời, Bác Hồ đã dành nhiều tâm huyết để phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước. Bản thân Người cũng đã từng là một nhà giáo trực tiếp đứng trên giảng đường. Trường Dục Thanh ở Phan Thiết (Bình Thuận) chính là nơi ghi dấu quãng thời gian đặc biệt này của Người. Ảnh: Cổng khu di tích lịch sử cấp quốc gia trường Dục Thanh.
Ngược dòng thời gian, trường Dục Thanh được các sĩ phu yêu nước Phan Thiết thành lập năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân. Tháng 8/1910, người thanh niên Nguyễn Tất Thành được ông nghè Trương Gia Mô - bạn đồng liêu của phụ thân - giới thiệu đến dạy học tại trường Dục Thanh. Ảnh: Một góc khuôn viên trường Dục Thanh.
Trong thư gửi cho chị Thanh và anh cả Khiêm, Nguyễn Tất Thành tâm sự: “...Em nhận dạy chữ Tây cho lớp nhì, dạy sử ký, địa dư cho lớp nhất… Trường Dục Thanh là một cung trên con đường em đi… Em sẽ ở lại đây một thời gian để rồi đi tiếp vô Sài Gòn”. Ảnh: Khu lớp học được phục dựng theo mô tả của các cựu học trò thời Bác Hồ dạy học ở đây.
Mặc dù đã xác định ngay từ đầu rằng trường Dục Thanh không phải là nơi dừng chân lâu dài của mình, nhưng nhà giáo Nguyễn Tất Thành vẫn cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục cao cả của ngôi trường này. Ảnh: Nhà Ngọa Du Sào phía sau khu lớp học, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường đến đọc sách.
Không chỉ dạy cho học trò kiến thức văn hóa phổ quát, thầy Thành còn gieo vào tâm trí các học trò về ý thức nguồn cội, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu nước, yêu đồng bào và nỗi niềm trăn trở của người dân mất nước qua mỗi bài giảng. Ảnh: Khung cảnh bên trong phòng học.
Thầy Thành không chỉ là người thầy giáo mà còn là người bạn tin cậy, quan tâm đến cuộc sống của các trò, giúp đỡ, động viên cả về vật chất và tinh thần. Cuộc sống không đủ đầy, song thầy sẵn sàng dùng tiền công của mình để giúp đỡ gia đình học trò đang gặp khó khăn. Ảnh: Bàn gỗ trong lớp học với rãnh để bút và mực, phục dựng theo lời kể của cựu học trò.
Thầy luôn căn dặn những học trò thân yêu rằng: “Chữ là mắt. Người không có chữ coi như bị mù vậy”. Thầy cũng tâm sự: “Thầy nghĩ chúng ta học cái chữ để biết được điều hay lẽ phải trên đời và theo thầy, trước hết là học để biết và làm được những việc ích nước lợi dân”. Ảnh: Bên trong nhà Ngọa Du Sào.
Tháng 2/1911, thầy Thành rời trường để vào Sài Gòn thực hiện chí lớn. Các trò đã nhòa lệ khi nghe đọc bức thư thầy để lại: “...Thầy ra đi nhưng lòng vẫn hằng mong các em là những trò giỏi của trường, con ngoan của gia đình, ra đường biết kính người già, nhường em nhỏ, yêu quý mọi người...”. Ảnh: Giếng nước trăm tuổi thầy Thành từng dùng lấy nước.
Dù chỉ dạy ở trường Dục Thanh một thời gian ngắn, thầy Nguyễn Tất Thành đã làm tròn trọng trách người thầy, được đồng nghiệp, học trò và người dân yêu mến. Ngành giáo dục Việt Nam tự hào vì có một nhà giáo mang tên Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Hoa súng nở trong vườn trường. (Bài có sử dụng tư liệu của TTĐT Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh).
(VietnamDaily) - Từ bến Nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville để ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5/6/1911. Cùng xem những hình ảnh lịch sử về địa danh này.
Khu vực bến Nhà Rồng, Sài Gòn năm 1866, một trong những hình ảnh xưa nhất về Sài Gòn. Khu Nhà Rồng được Công ty vận tải đường biển Pháp xây dựng từ năm 1863 để làm nơi ở cho viên Tổng quản lý và nơi bán vé tàu.
Những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời cụ Nguyễn Sinh Sắc qua mô hình đặc biệt
(VietnamDaily) - Cùng ôn lại những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh - qua những mô hình trực quan tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Nguyễn Sinh Sắc ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Khung cảnh xã Kim Liên, quê hương cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với làng Sen ở trung tâm. Thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời tại miền quê này năm 1862.
Bồn bồn, đặc sản dân dã miền Tây cực tốt cho sức khỏe
(VietnamDaily) - Bồn bồn được xem là đặc sản của một số tỉnh miền Tây được người dân chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn. Có dịp du lịch miền Tây bạn nhớ thưởng thức các món ăn từ bồn bồn vừa dân dã vừa tốt cho sức khỏe.
Bồn bồn hay thủy hương một loại cây thuộc họ lau sậy, thường mọc trên mặt nước nhiều phèn mặn, rễ thả nổi như rau muống và lá dài giống sả. Là cây mọc hoang và có phần ảnh hưởng đến việc đồng áng nhưng người dân nơi đây lại biết cách tận dụng bồn bồn để làm thức ăn cho bữa cơm gia đình.
Bồn bồn gốc trắng lá xanh là một loại thức ăn rất lành vì dù mọc hoang hay được trồng đại trà thì nó vẫn là loài cây không cần chăm sóc, bón phân, chỉ lớn lên nhờ những dưỡng chất mỡ màu từ đất nên nó rất an toàn.
Mùa bồn bồn thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Vào khoảng thời gian này, trên các cánh đồng chua, những vạt bồn bồn đua nhau phủ lên một màu xanh mướt.
Người nông dân chỉ cần kéo lấy những ngọn bồn bồn trên mặt nước, giữ lại từ gốc lên khoảng 30cm rồi tách lấy lõi non bên trong là có ngay nguyên liệu để chế biến nhiều món ngon cho gia đình. Đơn giản mà chẳng phải cầu kỳ.
Bồn bồn mang về sẽ được rửa sạch để chế biến thành nhiều món khác nhau. Nhanh nhất là lấy thân bồn bồn tươi, phần non và trắng cắt khúc vừa ăn đem nấu canh dừa. Khi đun chín tới cho phần lá bồn bồn đã sơ chế vào cùng gia vị vừa ăn. Sau cùng mới đổ nước cốt dừa đậm đặc vào đảo đều và múc ra bát. Bát canh thơm mùi dừa có vị béo ngọt cùng cái giòn tan của bồn bồn quả thật khó có thể quê
Bồn bồn có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau như tôm khô, thịt bò, thịt heo… để làm nên món xào dùng trong các bữa cơm gia đình. Tùy vào nguyên liệu và cách xắt sợi ngắn dài, dày mỏng khác nhau mà mỗi món có vị ngon riêng.
Trong số các món ăn từ bồn bồn, ngon nhất có lẽ là bồn bồn xào tép bạc. Đây là món dễ chế biến nhất và cũng là món giữ được vị ngọt đặc trưng của bồn bồn vì chỉ cần dùng rất ít, thậm chí không cần gia vị.
Món ăn hoàn thiện với tép bạc thân căng tròn, đỏ au xen lẫn với màu trắng ngà, bóng mượt của những sợi bồn bồn thật quyến rũ. Vị ngọt đậm đà của tép bạc hòa quyện với vị ngọt thanh của bồn bồn khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi.
Một món ăn luôn được nhiều người nhắc đến đó là gỏi bồn bồn đầy đủ chua, cay, mặn, ngọt, phù hợp khẩu vị của người miền Nam. Có người trộn gỏi bằng loại bồn bồn đã làm chua để món ăn có nhiều hương vị nhưng những người sành ăn lại thích dùng bồn bồn tươi để thưởng thức trọn vẹn vị thơm ngọt của bồn bồn: phần gốc hơi giòn nhưng không cứng, phần lá non mềm nhưng không bở, tan ngay trong miệng.
Gỏi bồn bồn thường được trộn với tôm sú và ít thịt luộc, thường là những lát thịt ba rọi mềm và béo. Gỏi bồn bồn thường được dọn lên cùng với bánh phồng tôm làm món khai vị trong những bữa tiệc tại gia thân mật hoặc trong các tiệc cưới.
Món ăn phổ biến nhất, thường xuất hiện trong những gia đình người dân miền Tây Nam Bộ là dưa bồn bồn muối chua. Cách làm cũng khá đơn giản, bồn bồn chọn lấy phần non và trắng nhất sau đó dùng dao chẻ làm đôi hoặc tư rồi sắp vào hũ nước gạo có pha chút muối, đậy nắp kín, giữ khoảng vài ngày là được.
Bồn bồn muối chua có mùi thơm đặc trưng của ruộng đồng, khi ăn có vị giòn, mềm, vừa giống măng vừa giống ngó sen. Nhiều người sáng tạo còn cho thêm đường, bột ngọt và tỏi ớt giã nhỏ khiến món dưa bồn bồn trở nên lạ miệng, dễ đưa cơm, hấp dẫn.
Dưa bồn bồn muối chua còn có thể biến tấu thành món xào, bổ sung vào thực đơn phong phú. Chỉ cần đem dưa rửa sạch rồi xào nóng trên bếp lửa, thêm gia vị vừa ăn là có ngay một món ngon mà thời gian chuẩn bị không quá phức tạp và cầu kỳ. Ảnh: Internet.