
Chị B cảm thấy mình không có chỗ đứng trong gia đình.
Trong chương trình Người thứ 3 phát sóng tuần này, chị B (27 tuổi, quận 2, TP.HCM) chia sẻ câu chuyện gia đình khiến nhiều khán giả lặng người. Làm dâu trong một gia đình "tam đại đồng đường", chị từng tin rằng sự hòa thuận sẽ giúp mọi người sống chung thuận hòa. Nhưng không, khác biệt về hoàn cảnh kinh tế lại trở thành ngòi nổ cho những xung đột kéo dài.
Chị B kết hôn với chồng sau 5 năm yêu nhau. Tuy nhiên, em dâu tên Ngọc (hơn chị 3 tuổi), lại về nhà chồng trước một năm. Ngọc là người có học thức, công việc thu nhập cao, xuất thân trong gia đình khá giả. Trong khi đó, chị B thừa nhận mình không giỏi kiếm tiền, nghề nghiệp bấp bênh hơn.
Không san sẻ việc nhà, em dâu Ngọc nhiều lần buông lời chê bai, coi thường chị B vì "không làm gì ra tiền". Những lời nói tưởng như vô tình lại khơi dậy mặc cảm trong lòng người phụ nữ trẻ.
Gia đình chồng chị B gồm cha mẹ, hai người con trai, cùng hai nàng dâu và ba đứa cháu nhỏ, mỗi gia đình ở một tầng, dùng chung bếp và phòng khách. Dù không thường xuyên chạm mặt nhưng mâu thuẫn vẫn dễ dàng nảy sinh từ lời ăn tiếng nói, đến cả ánh mắt thờ ơ.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi em dâu lớn tiếng vu khống chị B lấy cắp nhẫn cưới. Cả nhà nhìn chị bằng ánh mắt nghi ngờ. Chỉ đến khi người quen tìm lại được chiếc nhẫn, chị mới được minh oan. Nhưng vết nứt trong lòng thì không dễ lành.
Không chỉ đau lòng vì bị hiểu lầm, chị B còn cảm thấy mình không có chỗ đứng trong gia đình. Trong một buổi họp mặt họ hàng, mẹ chồng chị không ngần ngại nói trước mặt mọi người: “Con trai tôi học hành đàng hoàng, lương cao, mà lại lấy con dâu nghèo, còn không đẻ được con trai”.
Dù là người thường xuyên chăm lo cơm nước, đưa mẹ chồng đi chợ, nấu ăn, an ủi những lúc bà buồn tủi... nhưng tất cả nỗ lực của chị B đều bị nhà chồng coi thường. “Tôi từng nghĩ nếu mình tốt với họ, họ sẽ thương lại. Nhưng có vẻ tôi đã sai”, chị nghẹn ngào nói.
Trong căn nhà đông người nhưng chị lại thấy lạc lõng và người chị B nói chuyện nhiều nhất lại là em trai chồng (chồng của Ngọc). Còn chồng chị thì gần như vắng mặt trong mọi mâu thuẫn. Là quản lý nhân sự của một công ty truyền thông, anh thường xuyên bận rộn, chọn cách im lặng với tất cả xung đột trong nhà.
Lắng nghe chia sẻ của chị B, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A khẳng định: “Bận chưa bao giờ là một lý do thuyết phục. Vấn đề là người ta có muốn quan tâm hay không”.
Chính sự thờ ơ và thiếu hiện diện của chồng là nguyên nhân sâu xa khiến chị B cảm thấy lạc lõng và mất phương hướng. Chị không xác định rõ vai vế với em dâu, lúc gọi “chị”, lúc gọi tên. Điều này, theo tiến sĩ Tô Nhi A là phản ánh một sự mất niềm tin vào chính mình.
Trước áp lực và tổn thương kéo dài, chị B bày tỏ mong muốn được ra ở riêng để tìm lại sự bình yên. Nhưng ba mẹ chồng lại phản đối kịch liệt cho rằng, đó là hành động “chối bỏ gia đình”.
Tuy nhiên, tiến sĩ Tô Nhi A cảnh báo: “Nếu em không có một niềm tin vững chắc vào bản thân thì ngay cả khi ra riêng, em vẫn mang theo tất cả những tổn thương đó đi”.
Khép lại chương trình, khi được mời bật đèn (một nghi thức thể hiện mong muốn thay đổi cuộc sống), chị B đã từ chối. Không phải vì tuyệt vọng, mà là vì không muốn gây ồn ào, không muốn làm phiền ai thêm nữa.
Khoảng thời gian sắp tới, chị nói sẽ tập trung nhìn lại chính mình, không phải để thay đổi người khác, mà để củng cố nội lực, lấy lại giá trị bản thân trong chính ngôi nhà mà chị từng nghĩ là mái ấm.