Chủ tịch Quốc hội: Cần đánh giá kỹ về chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK
Về chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là chủ trương đúng, tuy nhiên cũng cần phải đánh giá kỹ cách hiểu về vấn đề này theo Nghị quyết 88.
Chiều 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận nội dung giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ hơn về chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Ảnh: QH.
Theo Bộ trưởngNguyễn Kim Sơn, dường như đang còn tồn tại những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của SGK trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới. Nhà nước (Bộ GD&ĐT) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn SGK là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không đồng tình quan điểm này. Theo Chủ tịch Quốc hội, cần phải tiếp tục xem xét, đánh giá kỹ vai trò của SGK, không chỉ là học liệu đơn thuần.
"Đương nhiên SGK có tốt đến mấy cũng không thể thay được cho người thầy, nhưng từ chương trình mới ra SGK... Bộ SGK quy định về nội dung, thể chế cái cốt lõi nhất của chương trình", ông Vương Đình Huệ cho hay.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đánh giá kỹ hơn về chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai.
Về vấn đề chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là chủ trương đúng, tuy nhiên cũng cần phải đánh giá kỹ cách hiểu về vấn đề này theo Nghị quyết 88.
Chủ tịch Quốc hội làm rõ, Nghị quyết 29 yêu cầu trong phát triển giáo dục và đào tạo phải “bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa”, “chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường”. Luật Giáo dục năm 2019 quy định về xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục là “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục”.
Theo tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT phải tổ chức biên soạn một bộ SGK đầy đủ (từ lớp 1 đến lớp 12, gồm 137 đầu sách). Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn SGK, một hoặc một số đầu sách theo khả năng, không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ SGK.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ cơ bản đồng tình cơ bản với đề nghị của Đoàn giám sát. Theo đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT các bộ, các ngành và địa phương nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm về các tồn tại, hạn chế trong quá trình quản lý, tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những kiến nghị được nêu trong báo cáo giám sát.
Liên quan đến xây dựng bộ SGK, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, tại các cấp học, môn học đã có một số bộ SGK được xã hội hóa. Vấn đề này cần có đánh giá cụ thể kết quả thực hiện khi Nghị quyết giám sát được ban hành, từ đó có báo cáo đầy đủ, chính xác hơn.
Phó Thủ tướng khẳng định, Nhà nước phải luôn đóng vai trò chủ đạo, có trách nhiệm từ khâu xây dựng chương trình, thẩm định, lựa chọn SGK theo đúng tinh thần của Nghị quyết 88. Mặc dù lựa chọn phương án xã hội hóa để thu hút các chuyên gia, nhà giáo dục, các thầy cô giáo tham gia xây dựng các bộ SGK nhưng Bộ GD&ĐT phải có trách nhiệm kiểm soát chất lượng bộ SGK này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian tới Chính phủ sẽ nghiêm túc đánh giá toàn diện hơn, đánh giá đầy đủ hơn về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
"Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ SGK - tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không? Trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ SGK nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không?", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm. Bộ trưởng đề nghị Đoàn giám sát Quốc hội cân nhắc bỏ đề xuất giao Bộ biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.
Mời quý độc giả xem video: Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi về ChatGPT. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Toán học “cần một phen đổi mới”
Phát biểu tại Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X, năm 2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Toán học vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng nhưng “cần một phen đổi mới”.
Ngày 8/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự và phát biểu tại Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X, năm 2023. Đây là hoạt động lớn nhất của cộng đồng Toán học Việt Nam được tổ chức 5 năm một lần.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự và phát biểu tại Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X, năm 2023. Ảnh: MOET.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi tới cộng đồng các nhà toán học, các thành viên của Hội Toán học Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) lời cảm ơn, sự ghi nhận và đánh giá cao về những đóng góp đối với nền giáo dục và đào tạo của nước nhà trong suốt thời gian qua.
Phải làm sao để học sinh không thấy sợ Toán
Khẳng định Toán học, giáo dục Toán học là một hợp phần hết sức quan trọng của nền giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: "Trong những năm tháng đất nước khó khăn, các điều kiện cho giáo dục còn rất hạn chế nhưng giáo dục Việt Nam, từ giáo dục phổ thông, đến khoa học cơ bản vẫn đạt tới chất lượng khá trên bản đồ giáo dục thế giới. Một phần quan trọng chính là sự đóng góp của các thầy cô giáo, các nhà giáo hoạt động trong lĩnh vực toán học".
Theo Bộ trưởng, ngày nay khi các điều kiện của giáo dục tốt hơn, nền giáo dục hướng đến toàn diện; để cải thiện, tạo ra chất lượng giáo dục cần rất nhiều yếu tố, tuy nhiên vai trò của toán học vẫn là một trụ đỡ hết sức quan trọng và lâu dài.
Trao đổi với các nhà Toán học về mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đang được triển khai thực hiện, Bộ trưởng nhấn mạnh: Giáo dục Việt Nam đang chuyển mạnh từ nền giáo dục thiên về trang bị kiến thức sang hướng đến phát triển con người.
Có rất nhiều việc phải làm, cần một sự đổi mới có tầm vĩ mô. Đổi mới ở triết lí và định hướng chương trình nhưng rất cần đổi mới từng phần, từng nội dung của giáo dục. Trong đó, Toán học vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng nhưng toán học, giáo dục toán học “cần một phen đổi mới”.
“Các môn học từ Tiếng Việt, Ngữ văn, Lịch sử đều cần đổi mới. Riêng Toán học cần tích cực đổi mới theo hướng phát triển tư duy cho người học, hướng học sinh đem tư duy toán học để giải quyết các vấn đề cuộc sống, giải quyết những vấn đề phát sinh để phát triển tư duy. Phát triển con người cần hai trụ đỡ quan trọng là tư duy logic và thái độ, tình cảm trong phương diện con người xã hội, con người cá nhân.
Cho đến nay, giáo dục Toán học trong đời thường vẫn đang làm tốt nhưng phải làm tốt hơn. Làm sao để học sinh không thấy sợ Toán, học sinh cảm thấy yêu thích môn Toán, làm sao để học sinh cảm thấy môn Toán là hữu ích cho mình và cần phải học”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Khoa học cơ bản đứng trước nhiều thách thức
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, trong thời kỳ chuyển đổi của giáo dục đại học và trong giai đoạn thực hiện tự chủ, khoa học cơ bản đứng trước nhiều thách thức rất lớn; đặc biệt là các lĩnh vực Toán học, Vật lý, Hóa học nhưng các nhà khoa học đã khắc phục những khó khăn, vừa duy trì học thuật, vừa phát triển các công bố quốc tế, qua đó ngày càng khẳng định vị thế của giáo dục đại học Việt Nam theo định hướng khoa học trên bản đồ thế giới.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X, năm 2023. Ảnh: MOET.
“Đây là một cố gắng lớn. Về phía Bộ GD&ĐT, chúng tôi sẽ tiếp tục có những kiến nghị chính sách nhằm phát triển được các lĩnh vực khoa học cơ bản. Lấy khoa học cơ bản làm bệ đỡ cho các lĩnh vực khoa học khác, đặc biệt là cho khoa học giáo dục”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng dành lời cảm ơn và đánh giá cao đội ngũ các nhà Toán học trong các trường đại học. Đồng thời gửi lời cảm ơn tới các nhà khoa học giáo dục trong suốt thời gian vừa qua đã tham gia vào các hoạt động giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, tham gia vào biên soạn sách giáo khoa, chuẩn bị các hoạt động đổi mới giáo dục…
Với yêu cầu đổi mới của giáo dục Toán học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn, trong các nội dung được các nhà Toán học thảo luận tại hội nghị lần này sẽ có nội dung trao đổi làm thế nào để tiến lên một bước đổi mới giáo dục Toán học trong nhà trường.
Hội nghị Toán học toàn quốc là hoạt động lớn nhất của cộng đồng Toán học Việt Nam được tổ chức 5 năm một lần. Hội nghị là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, ứng dụng và giáo dục Toán học trên cả nước trình bày những thành tựu khoa học của mình trong 5 năm gần đây. Đây cũng là dịp để cộng đồng Toán học Việt Nam tham gia, trao đổi về những vấn đề thời sự, cấp thiết đối với sự phát triển Toán học của đất nước.
Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X, năm 2023 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng với 2 nội dung chính là Hội nghị khoa học và Đại hội đại biểu Hội Toán học Việt Nam, thu hút sự tham dự của gần 1.000 nhà Toán học Việt Nam đang làm việc trong và ngoài nước; trong đó có các giáo sư Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, Đinh Tiến Cường, Phan Thành Nam…
Mời quý độc giả xem video: Chàng trai “vàng” Toán học Ngô Quý Đăng, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ về niềm đam mê với Toán học. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Đề xuất những quyết sách phát triển ngành Toán học
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, TSKH. Phan Xuân Dũng khẳng định, Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X - 2023 mang tính thời đại, đề xuất được những quyết sách phát triển ngành Toán học và KHCN nước nhà.
Những thành công đáng tự hào
Ngày 8/8, Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X - 2023 đã diễn ra tại Đà Nẵng. Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam), Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, TSKH. Phan Xuân Dũng hoan nghênh nỗ lực của Hội Toán học Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị khoa học này.