“Chó chui gầm chạn” và khí phách đàn ông

- Việc một người đàn ông phải về nhà vợ ở do muôn vàn lý do, nhưng hầu như đều chung nhau một cuộc chiến: Vượt qua định kiến "chó chui gầm chạn". Người thắng, kẻ thua, người mỉm cười ung dung, kẻ "ngậm bồ hòn làm ngọt". Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, thua hay thắng đều do ở mình cả, phụ thuộc vào việc có làm chủ được bản thân hay không chứ không phải do hoàn cảnh.

Người khóc, kẻ cười

[links(left)]Thời gian qua, tòa soạn khởi đăng loạt bài ở rể, đem đến cho độc giả nhiều câu chuyện thú vị về cuộc sống gia đình của những chàng ở rể. Trong đó, dù lý do các chàng rể đến với cuộc đời ở rể khác nhau, nhưng họ đều chung một cuộc chiến: Vượt qua định kiến "chó chui gầm chạn" đầy khắc nghiệt.

Nhiều người không vượt qua được dư luận hoặc mặc cảm trong suy nghĩ của chính mình. Như anh Huy Hoàng mặc dù nghĩ rất "thông" mới "theo vợ" về sống chung với ông bà ngoại, bình thường thì thấy rất thoải mái nhưng trong cuộc rượu, nghe bạn bè khích bác thì thấy "nhục, nhục lắm". Anh Chinh lại thấy bị mất hết thể diện, nghĩ mình bị nhà vợ coi khinh, khi mẹ vợ bênh con gái, sỉ vả chàng rể. Còn anh Kiên thấy cuộc sống ở rể chẳng khác nhà tù, nhưng nghĩ mọi thứ đều là nhờ vợ mà chẳng dám hé răng.

Tuy nhiên, cũng có người chẳng hề quan tâm người ngoài nói gì, chỉ cần sống được theo ý mình, thấy thoải mái là được. Anh Phong chia sẻ, anh không bao giờ phải phiền lòng vì chuyện dị nghị này khác của thiên hạ. Hoặc BS Cơ coi bố mẹ vợ như bố mẹ đẻ và không hề mặc cảm vì chuyện phải về nhà vợ ở. Anh Sinh thậm chí bỏ cả sự nghiệp chuyên nấu cơm rửa bát cho vợ cũng vẫn vui vẻ. Hay anh Hà còn muốn ở rể suốt đời vì... sướng.

Hầu hết những chàng rể có được sự thoải mái đó đều có những quan niệm rất khác về "bản lĩnh đàn ông". Theo họ, chí khí nam nhi không thể hiện ở việc sống ở nhà nội hay ngoại, mà là có làm cho vợ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, tốt cho cuộc sống hay không. Nhưng quan trọng, người đàn ông phải tự chủ, không bị phụ thuộc kinh tế.

BS Cơ vui vẻ với cuộc sống cùng nhà vợ.
BS Cơ vui vẻ với cuộc sống cùng nhà vợ.

Xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Minh Tâm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, quan niệm ở rể tựa như "chó chui gầm chạn" xuất phát từ tư tưởng trọng nam, khinh nữ thời xưa. Trong xã hội cũ, đàn ông đi liền với quyền nối dõi tông đường, lập bát hương thờ cúng tổ tiên, trong khi người phụ nữ không được coi trọng, chỉ như cái bóng của chồng. Bản thân người phụ nữ trong gia đình đã bị khinh rẻ, mà lại "rước" thêm chồng mình về sống thì tất nhiên, chàng rể đó sẽ chẳng được coi trọng, không có quyền hành gì.

Xã hội giờ đã thay đổi, nam nữ đã tiến đến bình quyền, quan niệm đó lẽ ra phải bị coi là lỗi thời, lạc hậu nhưng rất tiếc, với nhiều người, nó vẫn ăn sâu vào nếp nghĩ, lối sống. Thử đặt ra câu hỏi, người phụ nữ có thể theo chồng về làm dâu, phụng dưỡng bố mẹ chồng, thì vì sao người đàn ông lại không thể đến ở rể, chăm sóc bố mẹ vợ? Nếu câu trả lời là không thì vì lý do gì? Hay chính là bởi những định kiến đã gắn chặt vào suy nghĩ của chúng ta chưa thoát ra được?

Còn chuyên gia tâm lý Minh Công, Trung tâm Tâm lý học Ứng dụng Sông phố cho rằng, ở rể hay làm dâu cũng đều giống nhau ở việc phải học cách sống chung. Việc hạnh phúc hay khổ sở phụ thuộc nhiều vào việc người trong cuộc ứng xử thế nào, có làm chủ được bản thân hay không. Nếu người con rể hiếu nghĩa với bố mẹ vợ, sống có trách nhiệm với gia đình, người vợ khéo léo, không "ỷ thế" nhà mình khiến chồng chạm tự ái... thì việc ở rể sẽ rất thuận lợi.

"Tất nhiên, sống cũng cần quan tâm tới dư luận. Nhưng chúng ta cần phải nhìn xem dư luận đó thuộc bộ phận tiến bộ hay lạc hậu trong xã hội. Nếu đó là tiến bộ thì nên suy nghĩ. Nhưng là lạc hậu, cổ hủ thì không cần phải để ý làm gì, làm ảnh hưởng tới cuộc sống. Ví dụ như bây giờ mà vẫn lấn cấn chuyện ở rể ảnh hưởng tới khí phách đàn ông thì là lỗi thời", chuyên gia Minh Công chia sẻ.
Mai Loan