Chạy lốt xe mất 600 triệu: Lộ người bắn tin cho Bộ trưởng Thăng?

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội trả lời báo chí rằng: chính ông Lập là người đã “bắn tin nhiễu” đến Bộ trưởng Thăng về vụ chạy lốt xe mất 600 triệu.

Ngay sau khi Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thông tin về việc có vụ chạy lốt xe mất 600 triệu ở bến xe Mỹ Đình hôm 15/10, Sở Giao thông Vận tải HN đã có nhiều động thái “phản pháo” tư lệnh ngành và sự kiện này đã gây nóng dư luận suốt 1 tuần qua.

Vụ lùm xùm được đẩy lên cao trào khi ngày 20/10, Sở GTVT tổ chức cuộc họp với đại diện Bộ GTVT, Công an và Thanh tra thành phố để tiếp tục xác minh, làm rõ nội dung Bộ trưởng Thăng nêu.  

Sau cuộc họp, PGĐ Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh khẳng định đã khoanh vùng và chỉ đích danh người có thể “bắn tin nhiễu” tới Bộ trưởng chỉ có thể là ông Nguyễn Văn Lập – GĐ Bến xe khách nước ngầm HN, bởi vì theo ông Linh, trong cuộc họp hôm 15/10, chỉ có ông Lập đưa ra ý kiến là có nghe nói vụ việc tiêu cực như trên.

Để rộng đường dư luận, ANTT.VN đã có buổi gặp gỡ ông Nguyễn Văn Lập – GĐ Bến xe khách nước ngầm HN để trao đổi về vấn đề trên.
Chay lot xe mat 600 trieu: Lo nguoi ban tin cho Bo truong Thang
 Ông Nguyễn Văn Lập - GĐ Bến xe khách nước ngầm HN (ảnh: Petrotimes)

PV: Thưa ông, trước thông tin ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội nói rằng ông chính là người phát ngôn với Bộ trưởng Thăng về vụ chạy lốt xe mất 600 triệu ở bến xe Mỹ Đình, ý kiến của ông về việc này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Lập: Tôi không nhắn tin đó cho Bộ trưởng. Tôi nghĩ chỉ có Bộ trưởng biết rõ ai là người đã nói.

PV: Nhưng ông Linh nói trong cuộc họp hôm 15/10, không ai có ý kiến về việc tiêu cực chạy lốt xe, chỉ có ông là đề cập có chuyện tiêu cực đó ở bến xe Mỹ Đình. Vậy thực hư như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lập: Trong cuộc họp đó nhiều người phát biểu và phát biểu theo chỉ định. Bến xe nước ngầm HN là đơn vị được chỉ định phát biểu cuối cùng. Hôm đó tôi nói: tôi có nghe thông tin người ta nói rằng có câu chuyện bán lốt. Thì ông Linh hỏi ngay rằng có chứng cứ không. Tôi cũng trả lời rằng tôi không có chứng cứ vì chỉ là người nghe. Tóm lại chuyện đó tôi đã giải thích rồi: tôi nói là tôi “có nghe người ta nói” chứ không phải là “tôi biết  có chuyện đó” – hai việc đó khác nhau.

Nếu quả thực tôi biết rõ và tôi cung cấp thông tin đó cho bộ trưởng Thăng, được bộ trưởng Thăng tiếp nhận như vậy thì tôi rất mừng chứ chẳng có gì mà phải chối cả.

PVÔng có thể chia sẻ kỹ hơn về nguồn tin mình được nghe không?

Ông Nguyễn Văn Lập: Rất nhiều lái xe, nhà xe qua đây người ta nói chuyện vậy, tôi có định làm gì với thông tin đó đâu mà ghi âm lại làm gì.

PVNguồn tin từ bến xe Mỹ Đình hay khuồn khác, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lập: Nguồn tin thì ở nhiều nơi. Ngay tại bến xe nước ngầm này, có nhà xe họ có xe hoạt động ở cả bến xe này và bến xe Mỹ Đình nên họ phản ánh lại.

PVTrước chủ trương của Bộ Giao thông vận tải về việc bỏ cơ chế xin – cho (chấp thuận tuyến) với các doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách, đối với những tuyến những giờ có nhiều doanh nghiệp đăng ký thì sẽ đấu thầu công khai, ông có đồng thuận với chủ trương đó không? Theo ông để áp dụng thì có gặp khó khăn, trở ngại gì hay không?

Ông Nguyễn Văn Lập: Tôi cho rằng nếu thực hiện được thì đó là chủ trương tích cực nhất trong điều tiết tuyến vận tải: công khai minh bạch, bỏ xin – cho.

Tôi cũng nghĩ rằng không khó khăn gì khi thực hiện, như bộ trưởng Thăng nói thì chỉ cần thay đổi Thông tư 63 và cái đấy hoàn toàn do Bộ quyết định. Còn về quy hoạch tuyến thì Bộ cũng đang xây dựng cơ chế đấu thầu, việc đó cũng khả thi, không khó khăn gì.

Về đấu thầu tuyến này thì tôi có nghe kết quả đấu thầu sẽ không phụ thuộc vào giá đấu thầu mà căn cứ vào chất lượng vận tải. Ví dụ anh muốn chạy xe tuyến này, chúng tôi sẽ xem xét 3 năm hay 5 năm qua nhà xe của anh có để xảy ra tai nạn hau không, có bị phạt không, xe có đảm bảo an toàn không, ý thức chấp hành của lái xe ra sao, vv… Điều này có ý nghĩa rất tích cực khi mà những yếu tố về an toàn và chất lượng dịch vụ được đặt lên hàng đầu, sẽ khiến các doanh nghiệp vận tải phải chú trọng đến tiêu chí an toàn và chất lượng phục vụ của mình.

PV: Thế nếu các doanh nghiệp có hồ sơ tốt trúng thầu, sau đó họ bán hoặc chuyển nhượng lại cho các doanh nghiệp vận tải khác, việc này sẽ quản lý như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Lập: Tôi khi lúc đó sẽ phải có “rào chắn pháp lý” để ràng buộc. Ví dụ đấu thầu phải có đặt cọc, trúng thầu xong anh không sử dụng thì sẽ mất quyền sử dụng đồng thời mất tiền đặt cọc, và không được chuyển nhượng. Cái đó là do khâu quản lý, khâu kiểm soát rào chắn.

PV: Có thông tin dư luận nói rằng mối quan hệ giữa Bến xe nước ngầm HN và Sở GTVT Hà Nội thời gian qua không được tốt lắm, có vài vụ trục trặc, vụ việc vừa rồi ông lại trả lời báo chí rằng ông Linh đang “nhắm” vào mình. Xin ông xác minh lại chuyện này là như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Lập: Không có chuyện đó. Phải nói là mối quan hệ giữa bến xe nước ngầm đối với Sở Giao thông cũng như các cơ quan quàn lý là rất tuyệt vời, không có trục trặc gì. Trước đây giám đốc Sở GTVT HN là anh Hùng, sau này là anh Viện là hai lãnh đạo rất sát sao với các chỉ đạo của UBND thành phố về điều chuyển các tuyến xe theo hướng bắc Nam Đông Tây…

Tôi nghĩ  chỉ có thể khúc mắc ở chỗ người điều hành thực hiện thôi. Cụ thể là anh Phó giám đốc (ông Nguyễn Hoàng Linh – PV), tôi nghĩ đó cũng là quyền điều hành của anh ấy thôi, có gì trục trặc đâu.

Tôi cũng không hẳn nói rằng anh Hoàng Linh: nhắm” vào tôi. Thực ra là anh Linh đã thực hiện một số điều chuyển phương tiện trái so với quy hoạch của thành phố. Lẽ ra xe này điều về bến xe nước ngầm thì anh ấy lại ‘cho sang” bến xe Mỹ Đình, ví dụ thế…

PV: Việc này là có thật chứ, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lập: Thật chứ, có bằng văn bản chứ không phải nói mồm. Từ 2007, TP Hà Nội đã quy định tất cả các tuyến xe đi Hà Tĩnh, Nghệ An từ bến xe Giáp Bát chuyển về bến xe nước ngầm, sau đó không có văn bản nào khác chỉ đạo vấn đề này nữa. Thế nhưng mà chỉ được hơn 1 tháng gì đó, anh ấy lại điều chuyển về bến xe Mỹ Đình. Việc này anh ấy phải chịu trách nhiệm trước thành phố chứ không phải trước tôi, do đó tôi và anh ấy không có trục trặc gì về cá nhân cả.

PV: Xin cảm ơn ông!


Ông Nén về nhà trong nước mắt

Trong vụ án “vườn điều” và vụ Huỳnh Văn Nén chỉ thấy tràn đầy nước mắt và có lẽ đó là nước mắt của ân tình…

Hôm qua (23-10), ông Huỳnh Văn Nén đã phải lỗi hẹn với các bác sĩ của BV An Phước (Phan Thiết) khi không có mặt theo lịch khám. Bởi suốt cả buổi sáng, hàng xóm, người quen và cả người chưa quen kéo đến thăm khiến ông không thể đi đâu.

Giấu tin mẹ mất

Bữa cơm trưa gia đình, ngồi gần người chị là bà Huỳnh Kim Ngân, thỉnh thoảng ông Nén lại quay sang hỏi nhỏ: “Má khỏe chứ chị?”. Nuốt nước mắt, cố gượng cười, bà Ngân giả lả: “Má khỏe lắm, yên tâm ăn cơm đi”. Ông Nén đâu biết người rứt ruột sinh ra mình - người chiều nào cũng ngồi ở bậc cửa ngóng tin con đã qua đời từ năm ngoái.

Trưa, thấy cha là ông Huỳnh Văn Truyện vừa đón xe từ Cà Mau lên, ông Nén nhào tới ôm cha khóc nức nở và câu hỏi đầu tiên vẫn là sức khỏe của mẹ mình. Ngớ người nhưng ông Truyện vẫn kịp hiểu khi thấy con gái ra dấu, người đàn ông 91 tuổi có cả chục năm ôm đơn kêu oan cho con nói cộc lốc nhưng giọng lạc đi như muốn khóc: “Má mày giữ nhà ở dưới quê”.

Cả nhà, thậm chí cả xóm đều không muốn cho ông Nén biết vì sợ làm gián đoạn ngày gặp mặt. “Vài bữa rồi cũng phải lựa lời mà nói cho nó biết” - bà Ngân chép miệng nói.

Ong Nen ve nha trong nuoc mat
Ông Nén cười tươi ôm chặt hai con trai khi vừa gặp mặt. Ảnh PN 

Khóc với ân nhân

Ngay trong tối 22-10, khi ông Nén vừa rời khỏi trại giam chừng vài tiếng, ai cũng bất ngờ khi thấy anh Nguyễn Phúc Thành vượt hơn 60 km từ Tân Minh ra Phan Thiết để đón. Người đàn ông 36 tuổi, to con này đã nhào tới ôm chặt ông Nén mắt rơm rớm nước. Chính anh Thành là người tạo nên “bước ngoặt” của vụ án.

Tháng 9-2000, nghe tin ông Nén bị tuyên án tử hình do giết bà Lê Thị Bông để cướp của, anh Thành lúc đó là phạm nhân đang thụ án tại trại giam Sông Cái (Ninh Thuận) đã xin gặp giám thị trại. Được cấp giấy bút, anh Thành khẳng định người giết bà Bông là Nguyễn Thọ (đã đi biệt xứ sau đó) và Hồ Văn Việt (đã chết) - hai người bạn của mình, chứ không phải ông Nén. Tuy nhiên, đơn tố giác tội phạm của anh Thành chỉ được xác minh qua loa rồi cho qua.

Gặp lại anh Thành, ông Nén cứ đưa tay lên bẹo má khen mập mạp, đẹp trai và cảm ơn liên tục rồi lại khóc. Nhìn hai người đàn ông một già, một trẻ ôm nhau nức nở mới thấy giữa cái gọi là ân nhân và người chịu ơn chẳng có chút ranh giới nào.

Vác “tù và” kêu oan

10 năm rồi, đây là lần thứ hai tôi trực tiếp chứng kiến ông Nguyễn Thận, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hàm Tân, khóc như một đứa trẻ. Lần trước vào cuối năm 2005, khi các bị án trong vụ “vườn điều” được đình chỉ bị can và xác định oan.

Ngồi tại nhà riêng, ông Thận lúc đó đang là chủ tịch xã đã gục vào vai tôi khóc nức nở. Ông khóc vì sau bao nhiêu năm theo đuổi kêu oan cho những người dân ở xã mình ông đã phải “trả giá” quá nhiều, khóc như gỡ được gánh nặng đè lên bộ ngực lép kẹp của mình nhiều năm qua.

“Ăn cơm nhà vác tù và” cho vụ án “vườn điều” xong, ông Thận lại tiếp tục gửi hồ sơ kêu oan cho ông Nén.

Chiều 22-10, ông ngồi từ sáng tới chiều ở quán cà phê rồi di chuyển đến trước trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận ôm giỏ xách chờ đợi. Ông Thận là người nhào tới ôm ông Nén đầu tiên khi ông vừa mới bước chân ra khỏi cổng trại giam và lại khóc.

Trong vụ án “vườn điều” và vụ Huỳnh Văn Nén chỉ thấy tràn đầy nước mắt và có lẽ đó là nước mắt của ân tình…

Con ông Nén lớn lên trong đói nghèo, thất học


Tháng 5-1998, khi bị bắt giam, ông Nén chỉ mới 36 tuổi, ba đứa con trai thì đứa lớn nhất mới chín tuổi còn đứa nhỏ vừa lên ba. Còn nhớ năm 2002, khi ông Nén bị kết án chung thân và đang cùng tám người gia đình vợ vướng vòng lao lý trong vụ án “vườn điều”, ông Nguyễn Thận lúc đó đang là chủ tịch UBND xã Tân Minh đã cùng chúng tôi đi gõ cửa nhiều nơi xin cứu những đứa trẻ con của các bị can, bị cáo trong vụ án.

Có lần chúng tôi chứng kiến cả đám trẻ nhỏ nấu cơm bằng củi để lửa lớn quá khiến cơm cháy dính ở đáy nồi dày lên cả khúc. Tôi vẫn nhớ thằng Lượng, đứa con thứ hai của Nén bỗng “thông minh đột xuất” khi múc cả ca nước đổ vào nồi làm cơm cháy mềm ra rồi xúc chia đều cho nhau ăn. Sau rất nhiều lần vận động, cuối cùng Làng SOS Gò Vấp (TP.HCM) đã đón nhận tám đứa nhỏ vào nuôi. Trong đó có ba đứa con của ông Nén, hai đứa con của chị Nguyễn Thị Tiến, hai con của anh Nguyễn Văn Tiền và một của Nguyễn Văn Sơn (cả ba đều là người bị kết án oan trong vụ án “vườn điều”).

Ông Thận cho biết ba năm sau, riêng ba đứa con trai của ông Nén đều được trả về cho mẹ nó vì phá như giặc khi cứ hái ổi, chọc mận trong trường. Rồi các con của ông Nén cũng vẫn lớn lên nhưng lớn trong đói nghèo, thất học bởi người mẹ chỉ có gánh bánh canh, không thể một nách nuôi nổi ba miệng ăn.

Nhỏ xíu nhưng tụi nó đã biết đi làm mướn và như những con thú hoang. Thằng con trai lớn sớm hư hỏng phải đi tù hai năm vì tệ nạn xã hội, còn thằng giữa cũng phải vào tù vì bức xúc khi có người hành hung mẹ nó nên gây thương tích cho người ta. Giờ cả hai đứa đều đã thi hành xong án phạt tù, thằng lớn đã lấy vợ, có con và chí thú làm ăn.

Kẻ cướp chết trong vườn tiêu vì bị... nạn nhân đâm chết?

(Kiến Thức) - Ngay khi dùng dao đâm tên cướp, ông Tân và vợ đến Công an trình báo và khi lực lượng chức năng tìm kiếm thì phát hiện kẻ cướp chết trong vườn tiêu.

Ngày 23/10, Công an huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận đang tạm giữ vợ chồng ông Nguyễn Minh Tân (41 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) để điều tra làm rõ nghi án đâm kẻ cướp chết trong vườn tiêu.
Ke cuop chet trong vuon tieu vi bi... nan nhan dam chet?
Hiện trường nơi Công an phát hiện thi thể nam thanh niên tên Ngọc bị đâm chết. 
Theo thông tin ban đầu, khuya ngày 22/10, ông Tân chở vợ là bà Nguyễn Thị Oanh trên xe máy qua khu vực gần vườn tiêu của người dân trên địa bàn huyện Đức Linh thì bất ngờ bị 2 đối tượng thanh niên xuất hiện khống chế để cướp xe máy và dây chuyền vàng của trên cổ bà Oanh.