Khi đề cập đến vụ em bé Syria ba tuổi chết đuối, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói đã đến lúc phải hành động giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn.
![]() |
Hình ảnh thảm thương của bé ba tuổi người Syria bị chết đuối dạt vào một bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. |
Hơn 350.000 di dân đổ vào Châu Âu trong năm nay
Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) cho hay hơn 350.000 di dân đã liều mình vượt Địa Trung Hải trong năm nay, chạy trốn tình trạng hỗn loạn nghèo đói ở Trung Đông và Châu Phi, tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn tại Châu Âu. Đây là một trong những làn sóng di dân lớn nhất ở Châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ II đến nay.
![]() |
Hơn 350.000 di dân đổ vào Châu Âu trong năm nay. |
Khoảng 2.600 người đã thiệt mạng, thường là bị chết đuối khi những chiếc tàu ọp ẹp, quá tải do các tay buôn người lèo lái bị chìm.
Hungary là một trong những cửa khẩu chính của di dân để bước vào Liên minh Châu Âu, hơn 156.000 di dân đã vào nước này trong năm nay. Chính quyền Hungary đóng cửa rồi sau đó cho mở lại nhà ga xe lửa chính của Budapest, nhưng vẫn cấm không cho di dân nhập cảnh.
![]() |
Chính quyền Hungary đóng cửa rồi sau đó cho mở lại nhà ga xe lửa chính của Budapest. |
Hungary đang dựng một hàng rào dài ở biên giới phía nam với Serbia. Bộ trưởng Quốc phòng Csaba Hende cho các nhà lập pháp biết 3.500 binh sĩ có thể sẽ được điều động tới đường biên giới để đương đầu với cuộc khủng hoảng nhưng sẽ không cho phép dùng vũ lực chết người.
Khoảng 2.000 di dân đã đến thành phố Munich của Đức và các nhóm người tị nạn vẫn tiếp tục đổ bộ xuống ga xe lửa của thành phố này. Đức tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Châu Âu, tổng số có thể lên tới 800.000 người vào cuối năm nay.
Trong những tuần sắp tới, dự kiến có thêm hàng ngàn di dân nữa cập bến Châu Âu. Liên minh Châu Âu gồm 28 nước thành viên dự định tổ chức các cuộc họp khẩn cấp bàn về vấn đề nhập cư vào ngày 14/9 tới.
Thổ Nhĩ Kỳ lên án EU về khủng hoảng tị nạn
Thổ Nhĩ Kỳ - nơi xuất phát nhiều người tị nạn hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới - đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo EU về tình trạng hỗn loạn và nói rằng các quốc gia Châu Âu đã làm ngơ trước nhiều lời cảnh báo.
![]() |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan hôm 3/8 đã lên án các nước Châu Âu “biến Địa Trung Hải thành một nấm mồ”. |
Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp nhận trên 2 triệu người tị nạn Iraq và Syria, với tổn phí trên 6 tỷ USD. Tổng thống Erdogan đã nhiều lần chỉ trích Brussels là thất bại trong việc chia sẻ công bằng gánh nặng người tị nạn hay tổn phí, điều mà ông đã nêu ra trong một cuộc điện đàm ngày 3/9 với Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Ông Ahmet Icduygu, một chuyên gia về di trú của trường Đại học Koc ở Istanbul, nói EU đã làm ngơ trước những lời cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ và những lời kêu gọi giúp đỡ về vụ khủng hoảng người tị nạn ngày càng nghiêm trọng.
![]() |
Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp nhận trên 2 triệu người tị nạn Iraq và Syria, với tổn phí trên 6 tỷ USD. |
Nhà bình luận chính trị Semih Idiz của nhật báo Cumhuriyet của Thổ Nhĩ Kỳ và trang web Al Monitor cảnh báo: “Tình hình hết sức cấp bách…Những người tị nạn ở rải rác khắp nước và gây ra những vấn đề xã hội bên trong Thổ Nhĩ Kỳ giữa các cộng đồng”.
Trong khi cuộc xung đột Syria không cho thấy dấu hiệu nào sắp kết thúc, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng rằng cuối cùng cộng đồng quốc tế cũng sẽ chia sẻ một cách công bằng gánh nặng của cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay.