Chất vấn Quốc hội 2017: Bộ trưởng nào "thật thà" nhất?

(Kiến Thức) - "Là Bộ trưởng, tôi xin nhận trách nhiệm người đứng đầu đối với những sự việc đó", câu trả lời thẳng thắn của Bộ trưởng VHTT&DL trong trả lời chất vấn Quốc hội 2017.

Trong các phiên chất vấn Quốc hội năm 2017, bên cạnh những câu trả lời thẳng thắn, nhận trách nhiệm trước các Đại biểu, trước nhân dân thì cũng có Bộ trưởng lại "vòng vo tam quốc".
Trả lời thẳng thắn, có trách nhiệm nhất
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử…
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thẳng thắn cho biết, công tác quản lý nhà nước của ngành vẫn tồn tại nhiều hạn chế và bất cập, chưa đáp ứng kỳ vọng và mong đợi của nhân dân và cử tri cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.
 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.
Trước QH, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nhận trách nhiệm với những vụ việc xảy ra tại Cục Nghệ thuật biểu diễn và Tổng cục Du lịch.
Phát biểu 3 phút trước khi các ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, những sự việc xảy ra gần đây liên quan đến công tác quản lý nhà nước tại Cục Nghệ thuật biểu diễn và Tổng cục Du lịch cho dù bất cứ nguyên nhân và lý do gì cũng thực sự đáng tiếc.
“Đây là bài học sâu sắc với công tác quản lý nhà nước, ngành. Là Bộ trưởng, tôi xin nhận trách nhiệm người đứng đầu đối với những sự việc đó”, Bộ trưởng nói.
Trả lời ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói: “Thực sự mà nói những sự việc xảy ra vừa rồi trước hết là do năng lực cán bộ và cũng khẳng định nếu như năng lực cán bộ tốt thì đã không xảy ra những chuyện như vậy trong quản lý. Vấn đề liên quan đến thu hồi 5 bài hát không cấp phép, tôi sẽ giải thích sau. Việc thu hồi 5 bài hát sau đó cho lưu hành lại”.
Clip Bộ trưởng Bộ VHTT&DL nhận trách nhiệm trước Quốc hội - Nguồn VTV:
Liên quan đến vấn đề cập nhật 324 bài hát lên website, Bộ trưởng thừa nhận có những cái sai, những cái sai không đáng có.
“Sai về nghiệp vụ, người ta không yêu cầu cập nhật bài hát đó thì mình lại cập nhật, cập nhật lại vào sai mục, cập nhật vào mục cấp phép, tức là sai những nghiệp vụ rất sơ đẳng của quản lý nhà nước. Những sự việc xảy ra liên quan đến Tổng cục Du lịch v.v... Những vấn đề khác thì chúng tôi cũng đã nhận trách nhiệm và chúng tôi đã đề ra các giải pháp”, Bộ trưởng nói.
Vòng vo, lẩn tránh câu hỏi
Ngày 16/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 4 – Quốc hội khóa XIV. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là “tư lênh ngành” đầu tiên mở màn phiên chất vấn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng liên tục bị Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở vì trả lời… “vòng vo”, không đúng trọng tâm câu hỏi.
Khi Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời về việc nhiều bộ quản lý một mặt hàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải ngắt lời: “Xin Bộ trưởng cho biết việc hệ trọng như thế và những hạn chế trong thông quan, những giải pháp Bộ trưởng đưa ra thì 6 tháng đầu năm từ những tháng còn lại của năm nay và 6 tháng đầu năm 2018 ngành tài chính có thể phối hợp với các bộ, ngành để khắc phục được hay không?”.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.
 Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.
Tiếp sau đó, Bộ trưởng trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Bùi Thu Hằng đoàn Hòa Bình về quản lý hóa đơn thuế, Chủ tịch Quốc hội tiếp tục phải chen ngang: “Xin Bộ trưởng trả lời thẳng câu hỏi là việc quản lý hóa đơn thuế, bán hàng không xuất hóa đơn thuế ảnh hưởng tới thất thu ngân sách chứ không phải hỏi về khoán thuế”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đưa ra hai câu hỏi về về cải cách hành chính thuế, hải quan và nợ công. Thấy Bộ trưởng chỉ trả lời tập trụng về thuế, Chủ tịch Quốc hội tiếp tục phải nhắc nhở: “Đại biểu Trần Hoàng Ngân có hỏi 2 câu, câu thứ 2 thì Bộ trưởng đã trả lời về cải cách hành chính thuế, hải quan. Đề nghị trả lời nợ công, giải pháp nào để đảm bảo an toàn nợ công mà vẫn huy động được nguồn vốn cho đầu tư phát triển”.
Trong phiên trả lời chất vấn này, Chủ tịch Quốc hội tiếp tục nhắc: “Bộ trưởng còn 1 ý chưa trả lời là vấn đề trách nhiệm của Bộ Tài chính như thế nào trong vấn đề cam kết thuế nhập khẩu 7% của dự án nhà máy Nghi Sơn. Tôi đề nghị vấn đề này Bộ trưởng trả lời bằng văn bản sau”.
Kết thúc phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: “Việc trả lời một số nội dung chưa thấy có giải pháp mới, chưa có giải pháp mang tính đột phá, nhất là liên quan đến vấn đề quản lý nợ công, công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn, mua bán hàng hóa thể hiện qua việc có nhiều đại biểu tranh luận lại”.

Danh sách các tư lệnh ngành trả lời chất vấn Quốc hội

(Kiến Thức) - Các tư lệnh ngành Tài chính, Thông tin - Truyền thông, Ngân hàng và Tòa án sẽ tham gia phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIV.

Hôm nay (8/11), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản thông báo đến các đại biểu Quốc hội kết quả xin ý kiến về việc tổ chức hoạt động chất vấn tại kỳ họp này.
Theo đó, trong 5 nhóm chất vấn được đưa ra lấy ý kiến để chọn 4 thì nhóm vấn đề tài chính nhận được "số phiếu" cao nhất với hơn 88% lựa chọn. Tiếp đó là nhóm vấn đề về lĩnh vực thông tin truyền thông (hơn 85%), nhóm lĩnh vực ngân hàng (gần 78%), nhóm vấn đề về tòa án (75,6%) và cuối cùng là nhóm vấn đề lao động thương binh xã hội (hơn 71%).

Sáng nay, “tư lệnh ngành” nào đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên?

(Kiến Thức) - Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ là vị “tư lệnh ngành” đầu tiên mở màn phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 – Quốc hội khóa XIV. 

Sáng nay (16/11), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn lãnh đạo Chính phủ, 3 Bộ trưởng, trưởng ngành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Cụ thể, theo chương trình nghị sự, đầu giờ sáng, sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.