Cây năng lượng mặt trời giúp sạc ôtô điện từ 510 triệu đồng

Theo CNN, công ty khởi nghiệp SolarBotanic Trees vừa hoàn thành nguyên mẫu thử nghiệm của “cây năng lượng” – mô hình trạm sạc xe điện bằng pin năng lượng mặt trời có hình dáng một cái cây.

  
Có chiều cao tổng thể 4,5 m và tán rộng 7 m, cây năng lượng của SolarBotanic Trees có thể dễ dàng lắp đặt tại các không gian công cộng. Theo nhà sản xuất, sản phẩm này sẽ hấp thụ năng lượng mặt trời thông qua các “lá” quang điện nano, sau đó lưu trữ điện năng trong cục pin đặt trong thân cây.
Tại Anh, tính đến cuối tháng 4/2023 đã có 40.000 trạm sạc xe điện được lắp đặt ở các khu vực công cộng, song vẫn không theo kịp nhu cầu. Theo ước tính của Ủy ban Biến đổi Khí hậu, nước Anh sẽ cần 325.000 điểm sạc vào năm 2032 để đáp ứng nhu cầu về xe điện đang tăng nhanh.
Cay nang luong mat troi giup sac oto dien tu 510 trieu dong
Cây năng lượng mặt trời giúp sạc xe điện. 
Chris Shelley, Giám đốc điều hành của SolarBotanic Trees cho biết: “Có sự thiếu hụt lớn về số lượng trạm sạc tại Anh, vì vậy chúng tôi đang tìm cách hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng”. Ông Shelley cho biết một số công ty đã cung cấp các trạm sạc theo mô hình nhà chờ xe buýt được trang bị các tấm pin mặt trời, nhưng đa phần chúng không đạt tiêu chuẩn về độ thẩm mỹ. Ông tin rằng cây năng lượng mặt trời – mô hình từng xuất hiện trong các công trình kiến trúc mang tính “xanh hóa” như Gardens by the Bay của Singapore hay Gian hàng bền vững tại Expo 2020 ở Dubai – chính là giải pháp cân bằng giữa tính ứng dụng và tính thẩm mĩ cho các trạm sạc năng lượng mặt trời.
Giá của cây năng lượng sạc ôtô điện có thể nằm trong khoảng 22.000 - 30.000 USD (510 - 705 triệu đồng), cao hơn đáng kể so với cấu trúc pin mặt trời truyền thống. Chúng có công suất phát điện là 5 kW, mức điển hình theo tiêu chuẩn của Energy Saving Trust (EST), một tổ chức của Anh chuyên về các giải pháp carbon thấp. Với công suất đầu ra này, thời gian để sạc một cụm pin 50 kW từ 20% lên 80% là gần 7 tiếng.
Cay nang luong mat troi giup sac oto dien tu 510 trieu dong-Hinh-2
Giá của cây năng lượng sạc ôtô điện có thể nằm trong khoảng 22.000 - 30.000 USD (510 - 705 triệu đồng). 
Mỗi cây năng lượng sẽ được trang bị một hệ thống quản lý năng lượng do AI điều khiển, có thể liên kết nhiều cây để tạo thành lưới điện nhỏ cục bộ, hoặc kết nối cây với lưới điện quốc gia để chuyển năng lượng dư thừa vào đó. Bên cạnh đó, cây cũng có thể lấy điện từ lưới điện để sạc xe vào ban đêm hoặc mùa đông. Tuy nhiên, để giảm phụ thuộc vào lưới điện, SolarBotanic Trees đang lên kế hoạch tích hợp pin trong thân cây, giúp tích trữ năng lượng dư thừa vào ban ngày để sử dụng vào ban đêm.SolarBotanic Trees đã huy động được nguồn vốn 420.000 USD (khoảng 9,87 tỷ đồng) và đang tìm kiếm thêm nguồn tài trợ để mở rộng mô hình. Công ty dự kiến đến năm 2025, mô hình cây năng lượng này đạt quy mô 1000 cây/năm. Những cây năng lượng đầu tiên được đặt ở Anh và sau đó mở rộng ra toàn châu Âu và Bắc Mỹ.Ngoài ra, SolarBotanic Trees cũng dự định thiết kế một phiên bản cây năng lượng nhỏ hơn với công suất 3,2 kW và giá thấp hơn. Phiên bản này sẽ phù hợp với những nơi như trường đại học, trung tâm mua sắm, trung tâm thị trấn nhằm phục vụ nhiều nhu cầu khác như sạc điện thoại, laptop hay cấp điện cho đèn LED của biển quảng cáo.

Brabus 930 khoảng 8,2 tỷ đồng - siêu phẩm độ mạnh nhất của Brabus

Mercedes-AMG GT63 S E Performance trở thành chiếc xe mạnh mẽ nhất được độ bởi Brabus, với khả năng tăng tốc từ 0-100 km/h chỉ trong 2,8 giây.

Brabus 930 khoang 8,2 ty dong - sieu pham do manh nhat cua Brabus

Khi Mercedes-AMG GT63 S E Performance được giới thiệu vào năm 2021, đó là mẫu xe mạnh nhất trong dòng AMG hiệu năng cao, sở hữu động cơ hybrid V8 4.0 lít có công suất 830 mã lực. Dựa trên nền tảng đó, hãng độ Brabus thực hiện hàng loạt thay đổi để xe, biến nó thành chiếc Brabus 930 siêu mạnh mẽ hơn.

Người dùng Tesla “méo mặt”, không thể sạc điện dưới thời tiết -7 độ

Một người dùng ôtô điện Tesla mới đây đã “than trời trách đất” khi chiếc Model S của anh đã không thể sạc pin do thời tiết quá lạnh.

 Theo video chia sẻ trên mạng xã hội, người này cho biết, sau khi thử cắm sạc ở nhà và không thành công, Domenick đã đưa chiếc xe điện Tesla Model S của mình đến một trạm Supercharger gần đó. Theo Domenick, nhiệt độ ngoài trời lúc đó là khoảng -7 độ C.

Mặt tối phía sau ngành công nghiệp triệu đô pin xe điện

Không chỉ môi trường mà những người lao động và người dân tại "thủ phủ niken" của Indonesia đang kêu cứu trước những tác hại khôn lường từ quá trình khai thác và tinh chế niken sử dụng trong pin xe điện.

Khi mặt trời ló rạng, từng tốp công nhân ở làng Labota bắt đầu một ngày làm việc của mình. Trong những bộ quần áo bảo hộ lao động bám đầy bụi bẩn, họ hòa mình vào dòng xe đông đúc trên con đường đầy ổ gà. Dòng người đổ về khu công nghiệp Morowwali của Indonesia, hay còn được gọi là IMIP – trung tâm sản xuất niken của thế giới.

Mat toi phia sau nganh cong nghiep trieu do pin xe dien
Công nhân nhích từng chút trên những con đường đông đúc, đầy ổ gà (Ảnh: Wired)

“Thành phố này đang bị nhiễm độc”, Sarida – một người phụ nữ ngoài 40 tuổi hé lộ trong lúc đang mua thuốc ho ở một hiệu thuốc bên đường. Khuôn mặt của cô gần như được che kín mít, chỉ còn lộ rõ đôi mắt đượm buồn. Và ở phía sau, những ống khói của nhà máy đang liên tục “nhả” ra những làn khói đen sì, tựa như muốn nuốt chửng mọi thứ xung quanh nó.

Sarida đến làm việc tại đây từ năm 2019 trong khi chồng cô nhận công việc xử lí nước thải tại một công ty niken. “Chúng tôi sẽ rời khỏi thành phố này ngay khi có thể”, Sarida vừa nói vừa ngồi lên chiếc Honda màu đỏ có phần cũ kỹ.

Từ vùng quê yên bình thành trung tâm công nghiệp “hái ra tiền”

Một thập kỷ trước, Labota hãy còn là một làng chài với những nét đơn sơ. Nhưng giờ đây, nơi này đã được hợp nhất thành một thành phố rộng lớn với trung tâm là IMIP – khu liên hợp công nghiệp rộng 3.000 ha với giá trị lên tới 15 tỷ USD. Khu công nghiệp này bao gồm các nhà máy thép, nhà máy điện than, nhà máy tinh chế niken. Thậm chí, nó còn có cả sân bay và cảng biển riêng.

IMIP được xây dựng như một liên doanh giữa các công ty công nghiệp Trung Quốc và Indonesia và được xem là trọng điểm trong chiến lược cung cấp niken- một thành phần cốt lõi của pin cho thị trường xe điện.

Mat toi phia sau nganh cong nghiep trieu do pin xe dien-Hinh-2
IMIP thành "thủ phủ luyện niken" của thế giới (Ảnh: IMIP)

Trong những năm gần đây, thị trường xe điện bùng nổ trên toàn cầu. Đi cùng với đó là sự gián đoạn nguồn cung do xung đột giữa Nga – Ukraine giúp Indonesia và IMIP trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất xe điện. Đơn cử như hãng xe điện Tesla đã ký các thỏa thuận trị giá hàng tỷ đô la đối với các công ty tại IMIP. Thậm chí, Tesla còn được cho là đang đàm phán để thành lập cơ sở sản xuất của riêng mình tại quốc gia Đông Nam Á này.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Indonesia hiện có tổng cộng 21 triệu tấn trữ lượng niken, chiếm tới ¼ dự trữ của thế giới. Quốc gia Đông Nam Á này đã khai thác được 1,4 triệu tấn niken chỉ trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 11/2022 vừa qua. Con số này giúp Indonesia bỏ xa nhà sản xuất lớn thứ hai là Philippines với sản lượng khai thác 290.000 tấn trong cùng kỳ. Bên cạnh đó, xuất khẩu niken đã qua chế biến của Indonesia cũng đã tăng lên hơn 30 tỷ USD vào năm 2022, từ khoảng 1 tỷ USD vào năm 2015.

Những hệ lụy ban đầu

Với những bước tiến thần tốc này, rõ ràng niken đang là “mỏ vàng” của Indonesia. Tuy nhiên, quốc gia này cũng đã và đang phải trả giá đắt cho hoạt động khai thác niken, nhất là về mặt xã hội và môi trường.

Các chuyên gia y tế và các nhà hoạt động vì môi trường cho biết không khí và nguồn nước tại đây cũng đang bị ô nhiễm và gây ra nhiều vấn đề về hô hấp, bệnh tật và cả tổn thương mắt.

Việc vội vàng mở rộng sản xuất niken đã vô tình phá hủy cơ sở hạ tầng của địa phương với nhiều hecta rừng bị chặt và nghề đánh bắt cá đang đứng trên bờ vực biến mất. Theo thống kê, hơn 8.700 ha rừng nhiệt đới đã bị phá hủy ở khu vực IMIP. Cây cối bị chặt phá để nhường chỗ cho các mỏ luyện kim và xây dựng cơ sở hạ tầng nhà máy, dẫn đến thiên tai (đặc biệt là xói mòn và lũ quét) diễn ra thường xuyên hơn.

Mat toi phia sau nganh cong nghiep trieu do pin xe dien-Hinh-3
Tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động tại đây (Ảnh: Rest of World)

Nước thải từ các nhà máy được xả thẳng ra biển khiến nguồn nước trở nên đen kịt. Tại Kurisa, một ngư dân cho hay: “Ở đây không còn cá nữa. Chính IMIP đã giết chết chúng”. Và ông cũng chua chát thừa nhận rằng: “Đôi khi chúng tôi đánh bắt cá chỉ mong đủ để nuôi sống bản thân nhưng sớm thôi, sẽ không còn gì để bắt”.

Khi ngày càng có nhiều hợp đồng tỷ đô được ký, dòng tiền đổ vào ngày càng nhiều thì IMIP lại càng phát triển. Những bờ biển yên bình trước kia nay đã bị khói đen bao phủ. Không khó để người ta bắt gặp những chiếc cần cẩu khổng lồ, những hàng cột điện cao tít hay những nhà kho công nghiệp rộng lớn. Và những cánh rừng xanh tươi trước kia dường như không còn để lại chút dấu vết nào ở nơi đây.

Không chỉ môi trường, con người và cuộc sống bình yên vốn có của nơi đây cũng đang dần thấm mệt mỏi. Ở Labota, nhiều cửa hàng và hộ dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất điện kéo dài nhiều ngày; mạng internet và sóng điện thoại thường xuyên bị lỗi.

Mat toi phia sau nganh cong nghiep trieu do pin xe dien-Hinh-4
Nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng (Ảnh: Rest of World)

Những công nhân sống trong các khu nhà trọ tồi tàn và được dựng lên một cách tạm bợ. Vài người chen chúc trong một căn phòng chật hẹp với nhà vệ sinh chảy thẳng ra cống lộ thiên. Một chủ nhà hàng mỳ chán nản: “Chúng tôi phải sống như những con chó xung quanh hàng đống phế liệu”.

Theo Bộ Nhân lực Indonesia, IMIP có khoảng 28.000 công nhân vào năm 2019 và tăng lên 43.000 người vào năm 2020. Với nhiều cơ hội việc làm trong các nhà máy, hàng chục nghìn người từ các vùng khác của Indonesia đã đổ về đây nhằm kiếm kế sinh nhai. Tính đên thời điểm hiện tại, con số này đã tăng lên tới khoảng 66.000 người.

Tuy nhiên, sự thật lại luôn tàn khốc. Ước mơ no đủ về cơm áo gạo tiền chưa biết đã thành hiện thực hay chưa thì nhiều người lại đang phải chôn vùi chính mình trong điều kiện làm việc độc hại với mức lương trung bình.

Chia sẻ với phóng viên của WIRED, nhiều công nhân cho hay mình làm tới 15 tiếng/ngày nhưng chỉ kiếm được chưa đến 25 đô la – thấp hơn mức lương trung bình của người dân Indonesia khoảng 30 đô la/tháng. Thậm chí, một số người còn không có lấy một ngày nghỉ nào trong suốt 3 tháng liên tục.

Điều kiện làm việc độc hại cùng cường độ làm việc cao đã khiến nhiều người mắc phải các chứng bệnh về hô hấp. Một công nhân 18 tuổi đến từ vùng Toraja thừa nhận mình thường xuyên bị khó thở. Và “mặc dù lo lắng cho sức khỏe nhưng tôi không thể làm được gì khác”, anh nói.

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Theo Trung tâm Y tế Cộng đồng Bahodopi, có tới 52% bệnh nhân tới khám tại đây bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và họ đều đến từ IMIP và những vùng lân cận đấy.

Mat toi phia sau nganh cong nghiep trieu do pin xe dien-Hinh-5
Công nhân và những người dân xung quanh khu vực IMIP bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng (Ảnh: Rest of World)

Thiết bị lao động của các công nhân cũng là vấn đề cần nói đến. Một công nhân của CSI – nơi tinh chế niken tại IMIP cho biết anh đã chứng kiến một vài người rơi khỏi các tòa nhà vì dây đai không đủ an toàn. Vào tháng 6/2022, một người lái máy ủi đã tử vong khi đất lở trong lúc anh đang làm ca đêm mà không có đèn sáng xung quanh.

Liệu có đáng để đánh đổi?

“Các quy định về sức khỏe và an toàn trở nên thật vô nghĩa tại IMIP. Họ đang đặt lợi nhuận lên trên mạng sống của những người dân”, Katsaing – người đứng đầu khu vực của Liên đoàn Công nhân Quốc gia (SPN) lên án.

Trớ trêu thay, nguồn nước, không khí lại đang chịu những hệ lụy khôn lường từ quá trình cung cấp năng lượng sạch cho môi trường - sản xuất niken dùng trong pin xe điện thân thiện với môi trường.

Bất chấp những bằng chứng cho thấy cơn sốt niken đã và đang vượt ra ngoài ranh giới của sự bền vững về xã hội và môi trường, ngành công nghiệp này vẫn đang không ngừng mở rộng tại Indonesia. Tuy nhiên, suy cho cùng, chính phủ Indonesia cần nhìn xa hơn lợi nhuận mà IMIP mang lại cũng như bắt đầu giải quyết các vấn đề về xã hội và môi trường đang gây ra bởi ngành công nghiệp niken, nếu muốn nó phát triển một cách bền vững.