Bộ trưởng GD&ĐT: Hiệu trưởng, giáo viên lúng túng khi xử lý bạo lực học đường
Chỉ ra nguyên nhân của bạo lực học đường, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, các hiệu trưởng cũng như giáo viên đã có phần lúng túng trong kỹ năng xử lý.
Chiều 7/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn các vấn đề về an sinh xã hội, giáo dục, y tế, khoa học học công nghệ.
Đại biểu Vương Quốc Thắng (Đại học Quốc gia Hà Nội) chất vấn, trong báo cáo của Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội đánh giá tình trạng bạo lực học đường diễn ra phức tạp. Vậy theo Bộ trưởng GD&ĐT, những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và hướng khắc phục căn cơ của Bộ trong thời gian tới thế nào?
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn về bạo lực học đường.
Trả lời chất vấn của đại biểu Vương Quốc Thắng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, con số thống kê cập nhật đến ngày 5/11 vừa qua, tính từ ngày 01/9/2021 cho đến ngày 05/11/2023 cả nước có xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh. Trong đó, có 854 học sinh là nữ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kím Sơn, các diễn biến của bạo lực học đường khá phức tạp. Nếu tính tỷ lệ với con số đó thì bình quân cứ khoảng 50 cơ sở giáo dục thì có xảy ra một việc bạo lực học đường và số các vụ bạo lực học đường có nhiều học sinh tham gia, xảy ra cả trong trường học lẫn ngoài trường học.
Điều đáng nói, các bạo lực có số học sinh nữ tham gia nhiều hơn. Đây là một điều khiến cho ngành giáo dục rất quan tâm, lo lắng và tìm mọi cách để cùng cả nước, cùng các địa phương để có thể xử lý vấn đề này.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường, trong đó, có nguyên nhân từ phía ngành giáo dục là trong trường học.
Có thể nói,trách nhiệm trong việc phát hiện và xử lý những tình huống dẫn đến bạo lực vẫn đang giao cho giáo viên kiêm nhiệm, và cả hiệu trưởng.
"Tuy nhiên, cũng có thể nói một số hiệu trưởng cũng như giáo viên trực tiếp khi phát hiện những tình huống dẫn đến bạo lực học đường có phần lúng túng về phương diện kỹ năng xử lý", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận.
Một nguyên nhân khác, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, là cũng qua một quá trình dịch bệnh kéo dài thì học sinh học online lâu cho nên cũng dẫn đến những vấn đề về mặt tâm lý. Bên cạnh đó, những vấn đề về tâm sinh lý của tuổi đang trưởng thành cũng là các yếu tố.
Ngoài ra, còn có lý do liên quan đến môi trường gia đình. Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao thì hàng năm với con số 220.000 vụ ly hôn, trong đó có từ 70% đến 80% có lý do liên quan đến xung đột và bạo lực gia đình. Với một tỷ lệ bạo lực gia đình như vậy thì học sinh trong các gia đình đó có thể vừa là người chứng kiến bạo lực, vừa là đối tượng bị bạo lực, bị bỏ rơi.
Bên cạnh đó, những vấn đề ảnh hưởng của mạng xã hội, đặc biệt là những bộ phim của nhiều nước được giới trẻ rất quan tâm thì mô típ về bạo lực tập thể quay đưa lên mạng đang rất phổ biến.
"Rất mong các ngành có liên quan cũng hỗ trợ cùng với ngành giáo dục để giải quyết một vấn đề lớn này", ông Sơn bày tỏ.
>>> Mời quý độc giả xem video đại biểu Dương Khắc Mai, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trao đổi kỳ vọng về phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV rằng bộ trưởng trả lời thẳng thắn, không lòng vòng:
16 vấn đề Luật Đất đai sửa đổi vẫn chưa chọn được phương án
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 16 chương và 265 điều, có 5 nội dung đã thống nhất 1 phương án, 16 vấn đề vẫn đang thiết kế từ 2- 3 phương án.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 3/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: QH.
Phát ngôn ấn tượng phiên chất vấn 6/11: Đi cao tốc, giải quyết "nỗi buồn" thế nào?
Lưu thông trên cao tốc, giải quyết nỗi buồn thế nào?; Thời gian cụ thể giải quyết dứt điểm những vướng mắc về BOT? Cao tốc sớm hư hỏng…là những chất vấn ấn tượng tại Quốc hội ngày 6/11.
Lưu thông trên cao tốc, giải quyết nỗi buồn thế nào?: “Hiện nay, cao tốc đi qua tỉnh Bình Thuận gần 200 km đi vào vận hành, lưu thông nhưng lại chưa bố trí trạm dừng chân. Khi lưu thông trên tuyến đường cao tốc này không biết phải giải quyết "nỗi buồn" như thế nào? Đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ giải quyết vấn đề này ra sao và khi nào có trạm dừng chân?”, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng.
Mong được cảm thông khi cao tốc không trạm dừng nghỉ: Trả lời chất vấn câu hói của đại biểu Thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận trách nhiệm trong việc chậm triển khai thực hiện các trạm dừng nghỉ: “Thời gian qua,việc triển khai các tuyến cao tốc thực hiện theo kiểu: vừa chạy vừa xếp hàng. Trước đây, chưa có quy định cụ thể về quy mô của các trạm dừng nghỉ, do vậy Bộ đã quyết liệt trong xây dựng hành lang pháp lý, quy hoạch, triển khai đấu thầu, mời gọi nhà đầu tư. Hiện đã tiến hành đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư, 9 trạm dừng nghỉ thuộc dự án thành phần thuộc giai đoạn 1 đang trong triển khai. Giai đoạn 2 của dự án sẽ được tiến hành song song với quá trình hoàn thiện tuyến đường”.