Để trẻ phát triển toàn diện và khỏe mạnh cần phải có quá trình chăm sóc lâu dài và khoa học. Chỉ khi có sức khỏe tốt trẻ mới có thể phát triển được về thể chất, cảm xúc và trí tuệ. Do vậy, chăm sóc trẻ phải được bắt đầu từ khi còn ở trong bào thai, khi trẻ chào đời mỗi giai đoạn cần có cách chăm sóc phù hợp, tuyệt đối không đốt cháy giai đoạn, cũng như đừng coi nhẹ bất kể giai đoạn nào.
Với trẻ ở giai đoạn từ sơ sinh đến dưới 6 tuổi, khi chăm sóc tuyệt đối không bỏ qua bí quyết “3 trong 1” đó là: Nuôi con bằng sữa mẹ; Chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ cân bằng; Bổ sung sữa phù hợp với từng độ tuổi của trẻ. Cùng với đó là quan tâm đến một số thói quen sinh hoạt, vận động phù hợp sẽ giúp trẻ nâng cao đề kháng, chống lại những tác nhân gây bệnh nhất là các loại virus, vi khuẩn.
Sữa mẹ món quà quý giá, “liều vắc xin” đầu đời cho trẻ
Với trẻ từ sơ sinh đến trước 6 tháng, Bộ Y tế luôn khuyến cáo, cần được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ. Sau đó trẻ tiếp tục được nuôi bằng sữa mẹ ít nhất đến 2 tuổi và bổ sung thêm dinh dưỡng từ những nguồn khác.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sữa mẹ là món quà sinh học vô giá, rất giàu DHA, ARA, lactose, vitamin A, B, C, D, E... đảm bảo sự phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất. Sữa mẹ chứa kháng thể IgA, IgG, IgM, tế bào bạch cầu, enzyme, kháng khuẩn giúp trẻ đề kháng tiêu chảy, viêm hô hấp, viêm tai...
Chất đạm trong sữa mẹ chủ yếu là đạm dạng lỏng hòa tan, giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn. Đặc biệt, nguồn sữa non của người mẹ ngay sau sinh dù ít nhưng chính là “liều vắc xin” đầu đời của trẻ. Sữa non giàu kháng thể, nhiều protein kháng khuẩn và nhiều tế bào bạch cầu hơn sữa trưởng thành, giúp trẻ phòng chống nhiễm khuẩn, dị ứng và có khả năng miễn dịch chống lại nhiều bệnh mà trẻ có thể mắc phải sau khi ra đời.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, đặc biệt nguồn sữa non như liều vắc xin đầu đời của trẻ. Ảnh minh họa.
Sữa non giúp thải phân su và bilirubin ra khỏi ruột, làm giảm mức độ vàng da của trẻ. Sữa non có nhiều yếu tố tăng trưởng giúp cho ruột phát triển hoàn thiện chức năng, phòng chống dị ứng và không dung nạp thức ăn khác. Sữa non giàu vitamin A, giúp giảm mức độ nhiễm khuẩn nếu trẻ mắc phải; đồng thời chứa nhiều natri, kali, vitamin E và kẽm. Vì vậy, cần cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh để trẻ nhận được nguồn sữa non quý giá. Không nên cho trẻ ăn/uống bất cứ thứ gì khác trước bữa bú đầu tiên.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp trẻ tăng kháng thể tự nhiên, giúp não bộ của trẻ phát triển tối ưu. Cung cấp đủ năng lượng, vitamin, chất xơ, khoáng chất phù hợp với sinh lý của trẻ. Nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ không tăng cân quá nhiều (thừa cân, béo phì), đặc biệt là trong 2 năm đầu đời. Việc này cũng giúp trẻ giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khi trưởng thành như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp ….
Bổ sung sữa phù hợp với thể trạng và lứa tuổi trẻ
Dù sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá, quan trọng với sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, ở giai đoạn trẻ trên 6 tháng tuổi, hoặc trẻ dưới 6 tháng nhưng vì lý do nào đó không được nuôi bằng sữa mẹ thì việc lựa chọn sữa phù hợp là rất cần thiết. Theo đó, khi trẻ trên 6 tháng, nhu cầu ăn uống của trẻ tăng lên, trong khi dinh dưỡng và nguồn cung cấp từ sữa mẹ không còn đủ để đáp ứng. Lúc này, cần lựa chọn những loại sữa có công thức gần giống sữa mẹ cho trẻ sử dụng là tốt nhất.
Theo khuyến cáo, tốt nhất nên lựa chọn sữa có chứa thành phần Lactoferrin, sữa non 24h và HMO để tăng đề kháng cho trẻ, giúp hỗ trợ bảo vệ hệ tiêu hóa và hô hấp trước sự tấn công của vi khuẩn. Trong đó, Lactoferrin là protein thiết yếu có trong sữa non, giảm nhiễm trùng tiêu hóa và hô hấp, tạo tác động hiệp lực hỗ trợ IgG hoạt động hiệu quả.
Còn với sữa non 24h chúng chứa nhiều kháng thể IgG ghi nhớ kháng nguyên, giúp bảo vệ hiệu quả nhanh trước virus và vi khuẩn. Riêng với HMO sẽ giúp trẻ tăng miễn dịch đường ruột, giảm nhiễm trùng tiêu hóa và hô hấp ở trẻ.

Hãy lựa chọn loại sữa phù hợp cho trẻ để tăng đề kháng, miễn dịch chống lại virus, vi khuẩn. Ảnh minh họa.
Với những lợi ích trên, việc bổ sung thêm sữa cho trẻ ngoài sữa mẹ không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện hơn, mà còn tăng đề kháng bảo vệ hệ tiêu hóa và hô hấp còn non nớt của trẻ. Khi sử dụng sữa, các mẹ cần lựa chọn các sản phẩm của thương hiệu lớn, uy tín đã được kiểm nghiệm và nghiên cứu chứng minh tác dụng tới sức khỏe của trẻ nhỏ.
Bổ sung dinh dưỡng cân bằng hợp lý
Bí quyết cuối cùng giúp trẻ tăng đề kháng bền vững đó là bổ sung dinh dưỡng cân bằng, hợp lý qua chế độ ăn hàng ngày. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị, thời điểm cho trẻ ăn bổ sung (ăn sam, ăn dặm) là khi con tròn 6 tháng tuổi, thời điểm này nhu cầu của trẻ tăng cao, sữa mẹ không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ. Nguyên tắc cho con ăn bổ sung là ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc.
Sau đó tùy theo độ tuổi, bữa ăn, chế độ ăn của trẻ phải đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu từ 4 nhóm thực phẩm:
- Nhóm chất bột đường (glucid), chủ yếu là gạo, bột mì, ngũ cốc, khoai, sắn…
- Nhóm chất đạm (protein), chủ yếu là thịt, cá, tôm, trứng, sữa, đậu đỗ, lạc vừng…
- Nhóm chất béo (lipit), chủ yếu là dầu, mỡ, bơ…
- Nhóm vitamin và khoáng chất, chủ yếu là các loại rau, củ, quả…

Từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm, hãy cho trẻ ăn đa dạng và cân bằng dinh dưỡng. Ảnh minh họa.
Khi trẻ được ăn đầy đủ, cân đối các nhóm chất trên sẽ giúp tăng đề kháng, phát triển cân đối và toàn diện. Ngược lại, nếu ăn thiếu hoặc dư thừa, bé sẽ có nguy cơ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi hoặc có thể bị thừa cân, béo phì.
Chúng ta cần cho trẻ ăn đủ các thức ăn giàu đạm, đặc biệt các thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao như thịt, cá (cá chép, cá quả, cá ba sa, cá hồi, cá trích…), trứng, sữa, hải sản. Ngoài đạm ra, các vitamin và khoáng chất sẽ nâng cao miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể, giúp việc điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Đặc biệt, vitamin nhóm B (B1, B6), vitamin C, D, E và kẽm đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể. Đồng thời, tăng cường cho trẻ ăn thêm rau, quả để cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, C, E, sắt, kẽm, selen… giúp tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng và làm nhanh lành các tổn thương.
Các loại hoa quả, rau củ có nhiều vitamin này thường có màu vàng, đỏ như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu… Các loại rau có lá xanh sẫm như rau muống, rau ngót, rau dền đỏ, cải bó xôi, súp lơ xanh...
|