Xử phạt công ty Pusamcap Lai Châu vì 'cạo trọc' núi rừng

Hạt Kiểm lâm huyện Tam Đường ra quyết định phạt hành chính Công ty Pusamcap Lai Châu vì “cạo trọc” núi rừng trong quá trình thực hiện dự án khu sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên.
Liên quan đến sự việc dự án khu sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) do Công ty Pusamcap Lai Châu làm chủ đầu tư “cạo trọc” núi rừng, mới đây, Hạt Kiểm lâm huyện Tam Đường đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp này.
Xu phat cong ty Pusamcap Lai Chau vi 'cao troc' nui rung
Chủ đầu tư dự án khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên “cạo trọc” núi rừng bị xử phạt 22 triệu đồng. (Nguồn ảnh: TTXVN).
Thông tin trên báo Tiền Phong, theo quyết định xử phạt, chủ đầu tư dự án đã có hành vi phá rừng trái pháp luật, làm thiệt hại 444 mét vuông rừng tự nhiên phòng hộ tại xã Sơn Bình. Mức xử phạt chính bằng tiền 22 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm gồm 3 dao chặt, kim loại sắt (không có số, ký hiệu), đã qua sử dụng.
Biện pháp khắc phục buộc Công ty Pusamcap Lai Châu phải thanh toán chi phí trồng lại rừng đến khi thành rừng theo suất đầu tư được áp dụng ở địa phương với số tiền hơn 1,7 triệu đồng.
Được biết, dự án khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên, được UBND tỉnh Lai Châu cho phép khảo sát, lập dự án năm 2007; được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 1/5/2012, thay đổi lần thứ nhất ngày 8/8/2016.
Tiến độ thực hiện dự án từ 2012-2015. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai dự án, thực tế (giai đoạn 1), chủ đầu tư đã xây dựng khách sạn 3 tầng, khu nhà hàng đỉnh đèo, cafe... các hạng mục phụ trợ (đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng và đang vận hành từ năm 2019 đến nay).
Giai đoạn 2, bắt đầu triển khai từ tháng 4/2022, xây dựng 66 căn Bungalow nghỉ dưỡng chiều cao 1-2 tầng, diện tích xây dựng mỗi căn khoảng 30 - 100 m2, nhà hàng khu trung tâm, chiều cao 2 tầng và các hạng mục phụ trợ phục vụ.
Nhiều cơ quan báo chí phản ánh, trong khi đang triển khai giai đoạn 2, cơ quan chức năng có mặt tại thực địa ghi nhận nhiều diện tích rừng bị “cạo trọc”. Song song với đó, một hộ dân ở xã Sơn Bình có đơn kêu cứu bị Công ty Pusamcap Lai Châu lấn chiếm, chồng lấn diện tích 12,7 ha.
Khánh Hoài (T/H)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN