Thiếu vốn khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản kiệt quệ

Cùng với các khó khăn, vướng mắc về pháp lý thì thiếu vốn là nguyên nhân chính yếu khiến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lâm vào tình trạng kiệt quệ. Năm ngoái, bình quân tháng có 107 doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản.

Phát biểu tại Hội thảo "Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển" do Báo Lao Động tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam (VARS) cho biết, thị trường BĐS đã trải qua khoảng gần 4 năm trong trạng thái khó khăn triền miên.

BĐS là ngành duy nhất có số doanh nghiệp thành lập mới đi lùi trong năm 2023. Bình quân mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp BĐS phá sản. Các doanh nghiệp may mắn còn tồn tại trên thị trường hầu hết đều xác định tinh thần là "lỗ" hoặc lợi nhuận có thể giảm tới 80-90% so với cùng kỳ.

"Về thực trạng sức khỏe các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, bên cạnh các khó khăn, vướng mắc về pháp lý thì thiếu vốn là nguyên nhân chính yếu khiến các doanh nghiệp lâm vào tình trạng kiệt quệ", ông Khánh nói.

Thieu von khien nhieu doanh nghiep bat dong san kiet que

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch VARS. Ảnh: Tô Thế

Bên cạnh đó, ông Khánh cho rằng, khó khăn trong việc huy động vốn khiến nguồn cung BĐS sụt giảm nghiêm trọng, do các dự án đang triển khai buộc phải tạm dừng, giãn, hoãn vì không có vốn thanh toán cho nhà thầu, trả lương cho công nhân.

Dữ liệu của VARS cho thấy, tổng nguồn cung căn hộ mới năm 2018 là gần 180.000 sản phẩm, nhưng sang năm 2019 đã giảm xuống còn gần 110.000 và năm 2020 chỉ còn hơn 90.000 sản phẩm. Năm 2021, thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhiều dự án phải ngừng thi công cũng như các vướng mắc về cơ chế chính sách vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để, khiến nguồn cung căn hộ mới tiếp tục giảm xuống còn hơn 50.000 sản phẩm. Năm 2023, nguồn cung có sự cải thiện nhẹ lên 55.000 sản phẩm và nhưng vẫn chỉ bằng khoảng 30% so với năm 2018.

Theo ông Khánh, BĐS ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 35 lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, trong đó có 4 nhóm ngành lớn là tài chính ngân hàng, du lịch, xây dựng, lưu trú.

"Tắc nghẽn dòng tiền thị trường BĐS vô hình chung khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp của ngành nghề liên quan khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Làn sóng thất nghiệp cũng lan rộng từ BĐS sang rất nhiều ngành nghề, gây ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề an sinh xã hội nói chung", ông cho hay.

Phó Chủ tịch VARS nhận định, nguồn vốn đã, đang và sẽ còn là áp lực đối với hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh BĐS dù các nút thắt về pháp lý đã có hướng giải quyết theo các luật mới đã được thông qua.

"Nếu nguồn vốn không được giải quyết sớm thì chắc chắn nhịp phục hồi của thị trường sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt là 2 kênh vốn quan trọng nhất là tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp", ông Khánh nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm, ông Khánh cho biết, những tháng đầu năm 2024, tín dụng vay tiêu dùng, mua BĐS vẫn tiếp tục đà suy giảm dù lãi suất cho vay đã duy trì ở mặt bằng thấp. Bởi những biến cố về lạm phát, lãi suất… vẫn chưa thể dự đoán. Việc vay tiền để mua nhà và trả nợ hàng tháng với số tiền trên 10 triệu đồng trở thành gánh nặng với nhiều gia đình, khi họ không thực sự tự tin vào tình hình công việc và thu nhập trong tương lai.

Do đó, song song với việc điều chỉnh hạ lãi suất, ông Khánh đề nghị các ngân hàng cần xem xét, nới lỏng điều kiện vay để các doanh nghiệp, khách hàng tăng cơ hội tiếp cận được với các khoản vay. Tránh trường hợp lãi giảm nhưng thủ tục lại chặt hơn. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp BĐS khó khăn hoãn nợ các khoản vay đến hạn như thời kỳ dịch COVID-19, tiếp cận với các khoản vay tín dụng mới để các dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường.

Bản thân các doanh nghiệp BĐS cần chủ động rà soát lại danh mục dự án đầu tư, nên bán một phần hoặc toàn bộ các dự án không phù hợp với nguồn lực, chủ động cơ cấu nợ và lên phương án dòng tiền. Đồng thời, doanh nghiệp BĐS cũng nên giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, thậm chí chấp nhận bán lỗ, dùng lợi nhuận của các năm trước để duy trì hoạt động.

Thieu von khien nhieu doanh nghiep bat dong san kiet que-Hinh-2

Nam Long đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 25% vốn tại dự án Paragon Đại Phước ở Đồng Nai cho đối tác Nhật Bản. Ảnh: NL

Doanh nghiệp buộc phải bán dự án

Dù chưa rơi vào trạng thái kiệt quệ, nhưng thời gian qua, nhiều doanh nghiệp BĐS cũng buộc phải chuyển nhượng, bán toàn bộ hoặc một phần dự án để có dòng tiền.

Đơn cử như, Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC) vừa thông qua việc chuyển nhượng khu dịch vụ thương mại thuộc dự án Khu phức hợp Cap Saint Jacques giai đoạn 1.

Dự án nằm tại số 169 Thùy Vân, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với phần diện tích thương mại 6.554 m2. Đơn vị nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Du lịch DIC - DIC Hospitality. 2 bên ký kết hợp đồng mua bán đối với phần diện tích xây dựng thuộc khu dịch vụ thương mại và hợp đồng mua bán nội thất, thiết bị rời thuộc khu dịch vụ thương mại. Giá trị chuyển nhượng không được công bố.

Tương tự, Công ty CP BĐS và Đầu tư VRC thông qua chủ trương cho công ty con là Công ty CP ADEC chuyển nhượng một phần Khu dân cư ADC tại phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM. Phần chuyển nhượng sẽ là khu chung cư lô H, giá chuyển nhượng không thấp hơn 800 tỷ đồng, mục đích nhằm bổ sung nhu cầu vốn hoạt động cho ADEC.

Hay như hồi tháng 6, Công ty CP Đầu tư Nam Long cũng vừa hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 25% vốn tại dự án Paragon Đại Phước (45 ha) cho đối tác Nhật Bản là Nishi Nippon Railroad. Thương vụ chuyển nhượng này có giá trị 662 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất, ước tính Nam Long có thể thu về lợi nhuận sau thuế khoảng 200 tỷ đồng.

Paragon Đại Phước thuộc phân khu 8, Cù lao Ông Cồn (xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Theo kế hoạch, dự án sẽ được Nam Long và Nishi Nippon Railroad phát triển với khoảng 670 sản phẩm, chủ yếu gồm biệt thự song lập và đơn lập cao cấp.

Theo Vũ Phạm/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN