Lãi suất khó tiếp cận
Ngày 11/3, Chính phủ chính thức ban hành Nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong đó, chỉ đạo 04 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5% - 2% so với mặt bằng lãi suất chung, để thúc đẩy mục tiêu hoàn thành ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030.
Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay ưu đãi của gói tín dụng này không như mong đợi của người dân, đặc biệt là nhóm người thu nhập thấp, đang có nhu cầu vay vốn để mua nhà.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu, chủ trương gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ tín dụng là rất tốt. Tuy nhiên với mức lãi suất thị trường hiện nay ở mức hai con số, nhiều doanh nghiệp phải vay với lãi suất đến 15-16%/năm, việc giảm 1,5-2%/năm vẫn khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, số tiền người vay phải trả cho ngân hàng cả gốc lẫn lãi không nên quá 50% thu nhập mỗi tháng, nhưng với lãi suất trên 10%, tiền người mua nhà phải trả cho ngân hàng vẫn rất nhiều.
“Lãi suất cho vay quá cao làm giảm khả năng mua nhà của người dân, khiến thị trường bất động sản thêm khó khăn. Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu tìm nguồn vốn trung, dài hạn để đưa ra gói tín dụng có lãi suất phù hợp (khoảng 6%/năm) và ổn định trong thời gian dài, thì người dân mới có thể tiếp cận được nhà ở. Còn gói 120.000 tỷ đồng vẫn trên trời”, ông Hiếu nói.
Bên cạnh đó, TS Hiếu cũng kiến nghị, lần này cần rút kinh nghiệm từ gói 30.000 tỷ đồng trước đây về các vấn đề như: rào cản tiếp cận, kiểm soát, để chính sách được đến đúng đối tượng, tránh bị lạm dụng…
Gói 30.000 tỷ đồng trước đây có một trở ngại là yêu cầu người vay phải chứng minh thu nhập bằng sao kê tài khoản ngân hàng khiến một số người có thu nhập không qua tài khoản không chứng minh được. Ngoài ra, một số đối tượng không phải người thu nhập thấp cũng “len lỏi” vào để hưởng chính sách.
Tương tự như vậy, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng cho rằng, nếu lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng thương mại bình quân 13,5%, người mua nhà xã hội sẽ chịu lãi 11-12%. Đây không phải là lãi suất của nhà ở xã hội và người mua không dám vay, gói giảm lãi suất này chỉ phù hợp với nhà ở thương mại.
|
Ảnh minh họa, nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ |
Thủ tục rườm rà
Từ năm 2012 đến nay đã có nhiều chính sách hỗ trợ vốn cho các chương trình góp phần xây dựng nhà ở với người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, nhiều người dân, chủ đầu tư nhà ở xã hội lại cho rằng khó tiếp cận bởi thủ tục rườm rà.
Trong đó, năm 2012, ngành ngân hàng triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội gói 30.000 tỷ đồng.
Tiếp đó, ngành ngân hàng còn triển khai cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, đối với chủ đầu tư thì vay từ các tổ chức tín dụng.
Chị Nguyễn Thị Hải, quê ở Thanh Hóa lên Hà Nội làm ăn nhiều năm nay hiện đang sinh sống trong căn nhà trọ 30m2. Với mức thu nhập không quá cao chị Hải quyết định đăng ký mua nhà ở xã hội để sử dụng.
Chị Hải cho biết, khi làm hồ sơ đăng ký mua nhà mới phát sinh nhiều giấy tờ, thủ tục, chứng minh chưa có nhà ở nào, chứng minh mức thu nhập, photo chứng thực các bản sao, có đăng ký thường trú.
“Để có đăng ký thường trú lại phải làm thủ tục nhập hộ khẩu về nhà người thân trên địa bàn thành phố, mà tôi lại không có người nào cho nhập khẩu vào, vì vậy đến giờ tôi chưa thể mua được nhà ở xã hội và đành phải bỏ cuộc”, chị Hải cho biết.
Phát biểu tại hội thảo “Đột phá phát triển nhà ở xã hội” do báo Người Lao Động tổ chức ngày 28/3/2023 mới đây, ông Huỳnh Văn Thuận - Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam cho biết, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam được giao 15.000 tỷ đồng để cho vay chương trình nhà ở xã hội bằng nguồn vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Số vốn còn lại để cho vay trong năm 2023 là khoảng 11.000 tỷ đồng.
Ông khẳng định, nguồn vốn để cho vay chương trình trong hai năm 2022 và 2023 là không thiếu. Đến nay, danh sách các địa phương gửi về thì nhu cầu vốn chỉ hơn 4.300 tỷ đồng, còn dư hơn 7.000 tỷ đồng.
Lý giải tình trạng “ế” vốn này, ông Thuận cho hay có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn khan hiếm, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch đăng ký, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình. Thứ hai, nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay vốn.
Để tiếp tục thực hiện tốt chương trình cho vay nhà ở xã hội, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, xác định nhu cầu vay vốn của các đối tượng; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án nhà ở xã hội, tạo nguồn cung.