Sau hơn 4 năm thi công dở dang, Sở Giao thông vận tải TP HCM mới đây đã có báo cáo đề xuất HĐND Thành phố về việc đầu tư hoàn thiện cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) bằng nguồn vốn công, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại trên các tuyến đường Mã Lò, Tân Kỳ - Tân Quý ra quốc lộ 1A.
Do dự án 'trùm mền' hơn 4 năm nay, người dân quận Bình Tân hàng ngày phải qua hai cây cầu sắt ọp ẹp và thường xuyên bị kẹt xe vào giờ cao điểm.
Tổng mức đầu tư dự án xây cầu Tân Kỳ - Tân Quý là gần 492 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách TP HCM. Theo tiến độ đề ra, năm 2023 sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng và thanh toán các khoản chi phí đã thực hiện cho nhà đầu tư. Năm 2024, dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng và thi công hoàn tất công trình vào năm 2025.
Theo thông tin từ Cổng thông tin Chính phủ, cầu Tân Kỳ - Tân Quý mới là công trình trọng điểm nhằm thay thế cầu cũ (cầu cũ đã bị sập mố năm 2016). Dự án được đầu tư bằng hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), khởi công từ quý I/2018 (riêng hạng mục cầu tạm hoàn thành vào năm 2016). Khi dự án mới đạt 70%, nhà đầu tư phải tạm dừng thi công do vướng mặt bằng. Khi đó, nhà đầu tư là CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO)
Theo kế hoạch ban đầu cầu sẽ hoàn thành cuối năm 2018, sau đó chủ đầu tư dự kiến sẽ thu phí tại trạm thu phí An Sương - An Lạc trên quốc lộ 1A để hoàn vốn cho dự án.
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước kết luận việc đưa cầu vào dự án BOT An Sương - An Lạc khi công trình không nằm trên đường thuộc BOT này là không phù hợp Nghị quyết 437 của Quốc hội. Theo Nghị quyết số 437/2017 của Quốc hội, dự án đường bộ đầu tư hình thức BOT chỉ áp dụng cho các tuyến đường xây mới, trong khi dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý (thay thế cầu cũ) xây trên đường hiện hữu.
Thực hiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, TP HCM đã có quyết định tạm dừng dự án này theo hình thức BOT.
Trước đó, dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý được xây dựng theo hình thức BOT với chiều dài là 82,9 m, rộng 16 m dành cho 4 làn xe lưu thông, đường dẫn vào cầu có tổng chiều dài 224,8 m.
Theo ghi nhận của phóng viên chiều ngày 30/9, dự án vẫn 'im lìm' không có công nhân hay máy móc tại công trường. Bao quanh dự án là lớp rào tôn xuống cấp, hoen gỉ, bảng thông tin dự án đã bị gỡ bỏ, chỉ còn lại tấm bảng nội quy công trường cũ nát.
Người dân lưu thông trên cây cầu sắt tạm khi cầu Tân Kỳ -Tân Quý chưa hoàn thành. Hai cây cầu tạm được làm bằng thép với mặt cầu 4m, dài 30m và có tải trọng 13 tấn gấp 2,5 lần cầu Tân Kỳ -Tân Quý cũ. Bên cạnh đó, ở mỗi nhánh cầu còn được thiết kế một lối đi riêng cho người đi bộ, tổng kinh phí xây cầu khoảng 12 tỷ đồng.
Phía trong hàng rào, phần cầu xây bắc qua kênh có nhiều đoạn bê tông ố đen, đổ mốc theo thời gian, cỏ cây um tùm.
Cận cảnh phần khung thép hoen gỉ theo thời gian.
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án là chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết của bộ ngành về việc thay đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công. Vì vậy, thời gian thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị dự án kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình.
Việc chuyển đổi hình thức đầu tư, theo TP HCM, nhằm sớm hoàn tất đầu tư công trình dự án xây dựng cầu mới Tân Kỳ - Tân Quý (bao gồm cầu tạm) tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho người dân, hạn chế việc phát sinh chi phí sử dụng vốn và các chi phí liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh kết nối với trục tiếp với QL1A dự án còn liên thông với các trục đường như Lê Trọng Tấn, đường Âu Cơ, Trường Chinh, Cộng Hoà... để kết nối về trung tâm thành phố. Ảnh: Google Maps - Vị trí cầu Tân Kỳ Tân Quý.