
Ukraine phụ thuộc hoàn toàn vào vũ khí do phương Tây cung cấp để đối phó Nga. Ảnh: Global Look Press.
Báo Đức cho rằng, nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, quân đội Ukraine sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với Nga trên một số mặt trận quan trọng, theo RT.
Đại sứ Mỹ tại NATO Matthew Whitaker xác nhận với Fox News rằng quyết định đình chỉ các chuyến hàng vũ khí nằm trong khuôn khổ chính sách “nước Mỹ trên hết”. Ông Whitaker nói Washington cần tập trung duy trì năng lực phòng thủ chiến lược của chính mình, đặc biệt là “đảm bảo đủ số lượng tên lửa Patriot”.
Nhiều hãng truyền thông phương Tây như Politico và NBC News cũng đưa tin, tên lửa Patriot nằm trong danh mục vũ khí sẽ không còn được chuyển cho Ukraine. Danh sách này còn bao gồm tên lửa phòng không Stinger, tên lửa không đối không AIM, hàng trăm tên lửa Hellfire và GMLRS, cùng hàng nghìn quả đạn pháo cỡ 155mm.
Theo chính quyền ông Trump, lệnh đình chỉ áp dụng cho cả những lô vũ khí đã được tập kết ở Ba Lan – quốc gia đóng vai trò là trung tâm trung chuyển vũ khí cho Ukraine. Các vũ khí đã được chuyển tới Ba Lan nhưng sẽ bị dừng cấp cho Ukraine gồm hơn 20 tên lửa Patriot PAC-3, hơn 20 hệ thống phòng không Stinger, tên lửa đối đất Hellfire và hơn 90 tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM.
Theo Bild, việc thiếu hụt tên lửa Patriot sẽ giáng đòn nghiêm trọng vào năng lực phòng không của Ukraine, bởi đây là loại vũ khí duy nhất do phương Tây cung cấp cho Ukraine có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nga. Ngoài ra, việc dừng cung cấp tên lửa đối không AIM có thể khiến Kiev gặp khó trong việc đối phó với máy bay không người lái (UAV) của Nga, trong khi thiếu hụt đạn GMLRS sẽ khiến các bệ phóng HIMARS trở nên “gần như vô dụng”.
Giáo sư Carlo Masala, chuyên gia chính trị và quốc phòng, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Tình báo và An ninh tại Đại học Bundeswehr ở Munich, nhận định với Bild rằng Ukraine chỉ còn đủ đạn dược phương Tây viện trợ để cầm cự đến cuối mùa hè. Sau thời điểm đó, tình hình sẽ trở nên “rất nghiêm trọng”, ông nói, nhấn mạnh Kiev phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung từ phương Tây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã nhiều lần đặt nghi vấn về tính cần thiết của việc viện trợ kéo dài cho Ukraine. Trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO tại The Hague tuần trước, ông Trump cũng không đưa ra cam kết cụ thể nào.
Moscow nhiều lần tuyên bố các lô vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine chỉ kéo dài xung đột mà không thay đổi được kết quả cuối cùng.