Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho biết, nguyên nhân sự cố sụt lún khiến xe máy rơi xuống “hố tử thần” trên đường Trường Chinh tối 26/7 là do vỡ đường ống cấp nước bằng gang, đường kính 40cm (D400). Ngoài ra, ống cấp nước D100 (đường kính 10cm) được đục xuyên qua ống thoát nước D400, khiến đất và cát bị xói lở, dẫn đến hiện tượng sụt lún. Trong đêm 27/7, đơn vị quản lý nước sạch phối hợp với Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông tiến hành sửa chữa đoạn ống bị vỡ và khôi phục mặt đường. Đến sáng 28/7, công tác khắc phục đã hoàn tất.

Trao đối với báo chí, lãnh đạo Công ty Cổ phần Công trình Giao thông Hà Nội cho biết, đơn vị này chỉ quản lý bề mặt đường. Còn theo ông Trần Xuân Cương - Phó Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội, trước đó đơn vị đã nghi ngờ có hiện tượng rò rỉ và làm thủ tục xin phép kiểm tra tuyến ống. Tuy nhiên, khi chưa kịp kiểm tra thì sự cố xảy ra. Ông Cương cũng cho rằng, sự việc cần được nhìn nhận từ nhiều phía, trong đó có việc xem xét người điều khiển phương tiện có tuân thủ quy định an toàn giao thông hay không. Ông Cương nói: “Theo thông tin chúng tôi có, thời điểm xe bị sụt xuống hố, trên xe chở 4 người, gồm 3 nam và 1 nữ".
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là một vụ tai nạn giao thông hy hữu xảy ra khi người tham gia giao thông gặp phải “hố tử thần”, chiếc xe máy bị lọt xuống hố và hư hỏng nặng ở phần đầu, đây là thiệt hại của người tham gia giao thông phát sinh từ vụ tai nạn xảy ra. Cơ quan chức năng đã vào cuộc để làm rõ nguyên nhân của sự việc, khắc phục sự cố và giải quyết các vấn đề có liên quan theo quy định của pháp luật.

Cơ bản bước đầu đã xác định được nguyên nhân từ hệ thống đường ống nước sạch bị rò rỉ ở phía dưới. Vấn đề thiệt hại đã xảy ra là thiệt hại nền đường và thiệt hại về tài sản của người tham gia giao thông. Về nguyên tắc, vấn đề trách nhiệm pháp lý về bồi thường thiệt hại sẽ được đặt ra trong các vụ việc như thế này. Theo đó Bộ luật Dân sự quy định việc bồi thường thiệt hại phát sinh trên cơ sở có thiệt hại thực tế, thiệt hại xảy ra từ hành vi có lỗi, trong một số trường hợp, hành vi không có lỗi vẫn phải bồi thường thiệt hại đó là trường hợp sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hoặc thiệt hại do tài sản gây ra.
Bên bị thiệt hại có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường đối với người quản lý tài sản, phương tiện là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Trường hợp hành vi là có lỗi gây ra thiệt hại hoặc không có lỗi, nhưng thuộc trường hợp phải bồi thường theo quy định của pháp luật thì người quản lý tài sản phải bồi thường thiệt hại. Bởi vậy trong tình huống này người điều khiển xe mô tô bị thiệt hại có quyền yêu cầu đơn vị quản lý đường giao thông phải bồi thường thiệt hại do sự cố nền đường gây ra. Và đơn vị quản lý đường giao thông cũng có quyền yêu cầu đơn vị quản lý đường nước sạch phải bồi thường thiệt hại.
Luật sư Cường phân tích, Điều 584. Bộ luật Dân sự quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Bộ luật Dân sự cũng quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại như: Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình. Đối với các công trình xây dựng trong đó bao gồm cả công trình thi công đường bộ thì việc bồi thường thiệt hại được bộ luật dân sự quy định như sau:
“Điều 605. Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra
Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.”
>>> Xem thêm video: Bắt loạt cán bộ xã ở Hà Nội về hành vi nhận hối lộ