Trong cơ thể con người, hệ thống mạch máu được coi là một "hệ thống giao thông" phức tạp và thiết yếu. Mạng lưới này kết nối tất cả các cơ quan, đảm nhiệm vai trò vận chuyển máu và dưỡng chất đến từng tế bào. Tuy nhiên, khi hệ thống này bị tắc nghẽn, hậu quả có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tim mạch hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, và tắc nghẽn mạch máu chính là yếu tố nguy cơ phổ biến trong nhóm bệnh này.

Khi mạch máu tắc nghẽn, cơ thể sẽ gặp chuyện gì?
Tuỳ theo từng vị trí mạch máu bị tắc nghẽn sẽ dẫn tới những hậu quả khác nhau như:
- Tắc mạch máu não: Có thể gây đột quỵ, nhồi máu não, mrối loạn ngôn ngữ, suy giảm trí nhớ hoặc liệt nửa người, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe của người bệnh.
- Tắc động mạch vành tim: Dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp tính, bệnh này tiến triển nhanh, tỷ lệ tử vong cao, tiên lượng xấu, đe dọa lớn đến tính mạng của bệnh nhân.
- Tắc mạch phổi: Gây thuyên tắc phổi, dễ bị chẩn đoán nhầm, ảnh hưởng đến toàn bộ chức năng hô hấp và tuần hoàn.
- Tắc động mạch thận: Có thể gây tăng huyết áp, suy thận hoặc bệnh thận thiếu máu.
- Tắc mạch ruột: Làm giảm lưu lượng máu tới đường tiêu hóa, gây đầy bụng, đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
Điều đáng sợ là nhiều cục máu đông (huyết khối) hình thành trong im lặng, không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi xảy ra biến cố.

Những thói quen âm thầm hình thành các cục máu đông
Trong cơ thể, hệ thống đông máu và kháng đông hoạt động theo cơ chế cân bằng tự nhiên. Tuy nhiên, khi máu chảy chậm, mạch máu bị tổn thương hoặc cơ chế kháng đông suy yếu, tình trạng này có thể dẫn đến việc máu dễ đông hơn, từ đó tạo điều kiện cho sự hình thành huyết khối.
Dưới đây là 4 “sát thủ” thầm lặng đang hủy hoại mạch máu mỗi ngày:
1. Chế độ ăn nhiều dầu mỡ, đường, muối
Thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh, nước ngọt và thịt mỡ khiến chất béo dư thừa tích tụ trong lòng mạch, gây tắc nghẽn và tăng độ nhớt của máu, là tiền đề hình thành huyết khối.
2. Hút thuốc lá
Khói thuốc chứa hơn 200 chất độc, trong đó nicotine là thủ phạm khiến thành mạch bị tổn thương, máu khó lưu thông, tăng nguy cơ xơ vữa và hình thành huyết khối. Dù chỉ hút một ít cũng gây hại cho tim mạch.
3. Tâm trạng tiêu cực kéo dài
Lo âu, tức giận, trầm cảm kéo dài sẽ làm hệ thần kinh nội tiết và tiểu cầu hoạt động quá mức, khiến mạch máu lão hóa nhanh, tăng nguy cơ tắc nghẽn và rối loạn chức năng hòa tan cục máu đông tự nhiên của cơ thể.
4. Ít vận động, ngồi lâu một chỗ
Ngồi lâu không vận động làm chậm lưu thông máu, giảm hiệu quả trao đổi oxy, khiến các chất dư thừa như mỡ, đường, cholesterol dễ tích tụ lại. Về lâu dài sẽ gây xơ cứng mạch máu, hẹp lòng mạch và tăng nguy cơ đột quỵ.
Một nghiên cứu cho thấy người thường xuyên vận động có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn 40% so với người lười vận động.

Bí quyết giúp mạch máu luôn khỏe mạnh
Để mạch máu luôn khỏe mạnh, bạn hãy bắt đầu từ những điều đơn giản nhất:
- Ăn uống lành mạnh như ít muối, ít dầu mỡ, nhiều rau quả.
- Bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày.
- Giữ tâm trạng lạc quan, hạn chế căng thẳng kéo dài.
- Đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường.