3 liên danh cạnh tranh gói thầu 35.000 tỷ Sân bay Long Thành

Trong 3 nhóm liên danh nộp hồ sơ dự thầu dự án, duy nhất liên danh Hoa Lư có nhà thầu trong nước đứng đầu liên danh là Công ty CP Xây dựng Coteccons. 2 nhóm còn lại do nhà thầu Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu.

Theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tất cả các nhà thầu xây dựng tham gia vào ba liên danh đều là các tên tuổi lớn, có năng lực với đội ngũ lớn, chất lượng và có kinh nghiệm thi công đa dạng từ xây dựng dân dụng, cơ sở hạ tầng cho đến xây dựng công nghiệp. Đây có thể nói là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa nhóm các nhóm nhà thầu trong bối cảnh ngành xây dựng dân dụng đang nguội lạnh vì thị trường bất động sản gần như đóng băng.
Gian nan tìm nhà thầu
Theo tìm hiểu, gói thầu 5.10: Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách của Dự án thành phần 3 sân bay quốc tế Long Thành (giai đoạn I) có tổng giá trị 35.233 tỷ đồng và là gói thầu lớn nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, được mời thầu rộng rãi quốc tế từ tháng 9/2022. Ngày 8/11/2022, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) đã mở lần đầu với 1 liên danh nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu. Sau đó, ACV phải hủy thầu vì nhà thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
3 lien danh canh tranh goi thau 35.000 ty San bay Long Thanh
3 liên danh cạnh tranh gói thầu 35.000 tỷ Sân bay Long Thành (ảnh minh họa: Internet). 
Ngày 19/1/2023, ACV thực hiện mời thầu lần 2 gói thầu số 5.10 với bảo đảm dự thầu 370 tỷ đồng, giá bán mỗi bộ hồ sơ mời thầu là 120 triệu đồng, ấn định đóng thầu vào ngày 28/3. Sau đó, ACV gia hạn thời gian mời thầu thêm 1 tháng, kéo dài tới ngày 28/4; sau đó lại tiếp tục gia hạn tới ngày 12/6.
Cùng với gia hạn thời gian mời thầu lần thứ 2 này, ACV cũng điều chỉnh hồ sơ mời thầu, trong đó có việc kéo dài thời gian triển khai gói thầu từ 33 tháng lên 39 tháng nhằm thu hút thêm nhà thầu tham dự. Với việc gia hạn thời gian thực hiện gói thầu nhà ga hành khách lên 39 tháng, thời gian hoàn thành dự án cũng phải lùi từ năm 2025 sang năm 2026.
Năng lực của các liên danh ra sao?
Ngày 12/6 vừa qua, ACV đã chính thức đóng hồ sơ mời thầu gói thầu 5.10. Theo thông tin trên Cafef, có 3 nhóm liên danh nộp hồ sơ dự thầu dự án này gồm: Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, liên danh Hoa Lư và liên danh VIETUR. Trong đó, duy nhất liên danh Hoa Lư có nhà thầu trong nước đứng đầu liên danh là Công ty CP Xây dựng Coteccons (CTD).
Hiện ACV đang bắt tay vào quá trình chấm thầu. Dự kiến thời gian chấm thầu mất ít nhất từ 1,5 tháng trở lên vì tính chất phức tạp của gói thầu. Nếu thuận lợi, tháng 9 tới có thể khởi công phần thân nhà ga hành khách sân bay Long Thành.
Trong liên danh dự thầu, về liên danh thứ nhất là CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, China Harbour Engineering Comopany Limited (CHEC) là công ty đứng đầu liên danh, có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Công ty này từng thi công nhiều dự án quy mô lớn bao gồm sân bay, cảng biển, cơ sở hạ tầng... tại nhiều quốc gia trên toàn cầu. Đặc biệt CHEC thường tham gia các dự án cơ sở hạ tầng lớn được chính phủ Trung Quốc cho vay ưu đãi.
CHEC là công ty thành viên và là đại diện ở thị trường hải ngoại của Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC), xếp hạng 93 trong Danh sách Fortune Global 500 năm 2019. CHEC hiện có hơn 90 chi nhánh, văn phòng đại diện và hoạt động ở hơn 100 quốc gia, khu vực trên thế giới, giá trị của các hợp đồng đang thực hiện đạt 30 tỷ USD, doanh thu năm 2018 đạt 6.17 tỷ USD, số lượng nhân viên trên toàn cầu lên đến 15.000 người.
Tại Việt Nam, CHEC gia nhập thị trường từ năm 2002, đến nay đã hoàn thành và đang thực hiện hơn 20 dự án, trải dài từ Bắc đến Nam, với giá trị hợp đồng gần 700 triệu USD.
Ngoài ra, trong liên danh này còn có một doanh nghiệp nước ngoài khác cũng đến từ Trung Quốc - công ty Beijing Construction Engineering Group Co,Ltd (BCEG). Đây là doanh nghiệp thuộc nhóm 10 nhà thầu hàng đầu tại Trung Quốc và đang hoạt động trên phạm vi 27 quốc gia. Cũng giống như CHEC, BCEG có nhiều kinh nghiệm xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng và sân bay tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong khi đó, theo Doanh nghiệp và Kinh doanh, liên danh Hoa Lư do Công ty CP Xây dựng Coteccons dẫn đầu tập hợp nhiều nhà thầu xây dựng có tiếng của Việt Nam bao gồm: Unicons, Thành An, Delta, Central, An Phong, Hoà Bình. Trong đó, Coteccons, Hòa Bình, Delta, Unicons lần lượt xếp hạng 1, 2, 6,7 trong Top 10 nhà thầu xây dựng năm 2023 theo xếp hạng của Vietnam Report.
Đáng chú ý, Coteccons là một doanh nghiệp xây dựng đứng đầu trong ngành. Sau giai đoạn lùm xùm dưới thời ông Nguyễn Bá Dương, Coteccons đang đi vào quỹ đạo ổn định với những chiến lược phát triển mới. Mảng hạ tầng, các dự án về sân bay, cao tốc và đường bộ sẽ là trọng tâm theo đuổi của Coteccons. Đây là ba trụ cột chính để hướng tới mục tiêu 3 tỷ USD về doanh thu trong giai đoạn 2021 - 2025.
Mới đây, Coteccons cũng đã ký các thỏa thuận hợp tác toàn diện với 3 ngân hàng lớn là Vietinbank, BIDV và MB bank để thu xếp nguồn vốn cho các dự án hạ tầng trong tương lai. Tính tới cuối quý I/2023, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của Coteccons chỉ ở mức 1,3 lần, thấp hơn khá nhiều so với mức khoảng 3,5 lần so trung bình ngành.
Công ty nước ngoài duy nhất trong liên danh Hoa Lư là Powerline Engineering Public Company Limited (Thái Lan) từng tham gia xây dựng sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty gồm thi công hệ thống điện, điều hòa không khí, hệ thống ống nước, vệ sinh và phòng cháy chữa cháy cho các tòa nhà, bệnh viện, nhà máy công nghiệp, khu phức hợp mua sắm và sân bay. Doanh thu mảng cơ điện (M&E) của PLE khoảng 4.500 - 5.000 tỷ đồng/năm…
Còn liên danh thứ ba đó là Liên danh VIETUR bao gồm 10 thành viên, cụ thể: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Newtecons, Công ty CP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng Công ty Xây dựng số 1, Công ty CP Kết cấu ATAD, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty CP Hawee Cơ điện, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội.
Trong đó, IC ISTAS trực thuộc Tập đoàn IC holding của Thổ Nhĩ Kỳ. Doanh nghiệp này có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn như bến cảng, sân bay, năng lượng,... tại khu vực các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nga,... Đáng chú ý, công ty này từng tham gia đấu thầu xây dựng các sân bay quốc tế lớn tại các nước Nga, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari,... Tuy nhiên, IC Istas đang kéo dài kinh doanh lỗ trong nhiều năm, nợ vay ròng trên vốn chủ cao khoảng 70%.
Ngoài ra, trong liên danh VIETUR, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). cũng là nhà thầu đã có nhiều kinh nghiệm trong thi công các dự án cơ sở hạ tầng như đường xá, sân bay, cầu,... Mới nhất, liên danh do Vinaconex đứng đầu đã hoàn thành xong gói thầu xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài (giá trị gần 2.300 tỷ đồng)…

Cận cảnh sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam đang xây dựng

Theo ACV, năm 2023 là thời gian cao điểm thi công giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành. Các gói thầu cơ bản như san nền thoát nước, làm cọc móng nhà ga hành khách đã và đang được thi công.

Can canh san bay quoc te lon nhat Viet Nam dang xay dung
 Được khởi công từ đầu năm 2021, đến nay dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã trở thành "đại" công trường xây dựng lớn nhất cả nước. Ảnh: Baodongnai

Tăng tốc thi công sân bay Long Thành: Lộ diện cổ phiếu hưởng lợi

Một số tín hiệu đang cho thấy gói thầu lớn nhất giá trị 35.233 tỷ đồng tại sân bay Long Thành sẽ tìm được nhà thầu trong tháng 8/2023, tạo tiền đề giúp siêu dự án này đẩy mạnh tiến độ thi công.

Chứng khoán VNDirect vừa có báo cáo phân tích ngành Xây dựng - Vật liệu xây dựng với chủ đề Tăng tốc thi công sân bay Long Thành.
Ngày 11/11/2020, Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành (SBLT) giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 109.112 tỷ đồng (4,67 tỷ USD). Dự án sẽ bao gồm 4 dự án thành phần: (1) các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước (hải quan, công an cửa khẩu, kiểm dịch y tế,...); (2) các công trình phục vụ quản lý bay (đài kiểm soát không lưu, giám sát và khí tượng,...); (3) các công trình thiết yếu (nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, hệ thống giao thông kết nối,...) và (4) các công trình khác (ga hàng hóa chuyển phát nhanh, vệ sinh tàu bay, bảo trì các phương tiện phục vụ mặt đất,...).

ACV hủy gói thầu hơn 35.000 tỷ xây dựng sân bay Long Thành

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa bàn hành quyết định hủy một gói thầu trị giá hơn 35.233 tỷ đồng tại dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV vừa ký quyết định phê duyệt hủy gói thầu 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách” thuộc dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Lý do huỷ thầu được đại diện ACV cho biết là do tất cả các hồ sơ dự thầu không đáp ứng được yêu cầu hồ sơ mời thầu.
“Theo quy trình gói thầu này sẽ được tổ chức đấu thầu lại và ít nhất phải mất thêm 45 ngày. Sau khi đấu thầu chọn được nhà thầu sẽ xác định rõ tiến độ của gói thầu”, đại diện ACV cho biết.
ACV huy goi thau hon 35.000 ty xay dung san bay Long Thanh
Ảnh minh hoạ.
Trước đó, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ KH-ĐT chủ trì và tổ chức triển khai giám sát, rà soát hoạt động đấu thầu của dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; trong đó có gói thầu “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách” thuộc Dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng.
Gói thầu số 5.10, có thời gian thực hiện hợp đồng là 990 ngày (33 tháng), bao gồm cả ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ Tết theo quy định của pháp luật Việt Nam kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
Theo Bộ KH-ĐT, ACV với tư cách là người quyết định đầu tư, người có thẩm quyền của dự án chịu trách nhiệm quyết định và chỉ đạo việc giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu đối với gói thầu nêu trên.
Được biết, khi ACV tổ chức hội nghị tiền đấu thầu đã thu hút gần 10 nhà thầu đến từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam tham dự. Tuy nhiên, đến thời điểm đóng thầu ( 8/11/2022) chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu.
Đền bù sân bay Long Thành: ‘Nhìn cho thấu vấn đề để giải quyết những thiệt thòi của dân’
Tại cuộc đối thoại với gần 100 hộ dân nhường đất làm sân bay Long Thành, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - đã lưu ý như vậy với cán bộ giải quyết hồ sơ đền bù, tái định cư cho dân.
Ông Lê Văn Tiếp - chủ tịch UBND huyện Long Thành - cho biết hồ sơ đền bù làm sân bay Long Thành cực kỳ phức tạp. Hiện còn khoảng 140 hồ sơ thuộc diện khó xử lý do khung chính sách và khựng lại do có kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Theo ông Tiếp, việc dân phản ánh đền bù, hỗ trợ 2,1 tỉ đồng nhưng còn 1,5 tỉ đồng vì liên quan nội dung kiểm toán cho rằng nhiều khoản hỗ trợ trước đây chưa phù hợp nên tạm thời phải tách ra phần hỗ trợ để xin ý kiến. Nhiều trường hợp cũng rơi vào tình cảnh này, phải cắt ra phần hỗ trợ của những hộ dân nhường đất.
Ông Tiếp cũng cho hay: "Trong quá trình xác minh hồ sơ, có trường hợp khai không đúng và phát hiện có cả trường hợp cán bộ để xảy ra cạo sửa hồ sơ đền bù. Vì vậy tôi cũng mong bà con khai trung thực vì xây nhà trên đất nông nghiệp, thổ cư tùy từng thời điểm áp giá sẽ khác. Tôi cam kết sẽ nỗ lực xem xét từng đơn của dân, giải quyết cho phù hợp".
Kết luận cuộc đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: "Cán bộ không tùy tiện ưu ái chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư cho nơi này, nơi kia. Làm sai sót thì bổ sung cho dân. Nếu không thì trả lời bằng văn bản cho dân. Nếu dân không hài lòng thì khiếu nại lên UBND tỉnh Đồng Nai để xem xét một cách công bằng".
Ông Lĩnh cũng yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai và các ngành liên quan yêu cầu đơn vị thi công sân bay tuân thủ các quy định về môi trường. Có giải pháp giải quyết rốt ráo những vướng mắc ở khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn như cấp sổ đỏ, vận hành nhà máy xử lý nước thải, xây dựng sớm trường học, đào tạo nghề và xã hội hóa các khu vui chơi, giải trí để cho người dân hưởng thụ không gian sống chất lượng hơn…