Sau đây là 10 sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2015 do Báo điện tử Kiến thức bình chọn:
1. Chính thức hình thành lập Cộng đồng ASEAN
Ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời với 3 trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa- Xã hội, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong tiến trình liên kết sâu rộng của ASEAN.
![]() |
Chính thức hình thành lập Cộng đồng ASEAN. |
2. Trung Quốc khuấy động Biển Đông
Trung Quốc ráo riết hành động đơn phương ở Biển Đông, tiếp tục bồi đắp trái phép biến đảo chìm thành đảo nổi, xây đường băng và cơ sở hạ tầng khác trên các “đảo nhân tạo” với ý đồ quân sự hóa, thâu tóm toàn bộ vùng biển chiến lược này.
![]() |
Biển Đông không yên bình trong năm 2015. |
3. Thế giới gồng mình trước làn sóng khủng bố
Hàng loạt vụ đánh bom, bắt cóc con tin, xả súng, đặc biệt là các vụ tấn công đẫm máu tại tòa soạn báo Charlie Hebdo (ngày 7/1) và nhà hát Bataclan (ngày 13/11) ở Paris (Pháp), vụ đánh bom máy bay Nga ở Ai Cập (ngày 31/10)... đã gây chấn động thế giới.
![]() |
Kẻ chỉ huy các cuộc tấn công khủng bố đồng loạt đẫm máu ở Paris. |
4. Khủng hoảng di cư ở Châu Âu
Làn sóng người di cư ồ ạt từ các nước Trung Đông và Bắc Phi đổ vào châu Âu đã biến thành cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, gây ra hậu quả về an ninh, kinh tế - xã hội cho châu Âu và thế giới, đồng thời gây bất đồng sâu sắc trong nội bộ Liên minh châu Âu.
![]() |
Người tị nạn xé rào vào Châu Âu. |
5. Nga can thiệp quân sự vào Syria
Mức độ tàn bạo ngày càng tăng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) cùng với việc Nga can thiệp quân sự vào Syria cuối tháng 9/2015 đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
![]() |
Chiến đấu cơ Su-25 của Nga không kích các mục tiêu khủng bố. |
Do không có sự điều phối chung giữa Nga và phương Tây trong cuộc chiến này, dẫn tới việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga ở Syria, khiến quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ tan vỡ.
6. Thỏa thuận hạt nhân Iran
Sau 11 năm đàm phán căng thẳng, ngày 14/7, Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đã đạt được thỏa thuận lịch sử, theo đó Iran hạn chế chương trình hạt nhân, đổi lại các nước sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực vào giữa tháng 1/2016.
![]() |
Hai ngoại trưởng Mỹ và Iran bắt tay nhau sau khi đạt được Thỏa thuận hạt nhân Iran. |
7. Hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương
Ngày 5/10, các nhà đàm phán tham gia tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng. TPP sẽ tạo ra khối tự do thương mại lớn nhất thế giới và chiếm tới 40% sản lượng kinh tế toàn cầu và bổ sung cho thế giới thêm gần 300 tỷ USD GDP mỗi năm.
Lãnh đạo các nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. |
8. Thế giới đạt thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu
Trong tháng 12/2015, gần 200 nước dự Hội nghị Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
![]() |
Thế giới đạt thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu tại COP21 ở Paris. |
9. Hàng loạt thiên tai, thảm họa xảy ra trên thế giới
Hai trận động đất lớn nhất 8 thập kỷ qua ở Nepal đã làm thay đổi cấu trúc địa chất tại Nepal, Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh và Pakistan.Hai trận động đất mạnh 7,8 độ richter (ngày 25/4) và 7,3 độ richter (ngày 12/5) này đã khiến 8.964 người chết và 22.000 người bị thương. Khoảng 8 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó 1,4 triệu người cần được hỗ trợ về lương thực. Một phần các di sản văn hóa được xếp hạng thế giới của Nepal bị chôn vùi.
![]() |
Hiện trường vụ động đất mạnh nhất 80 năm qua ở Nepal. |
10. Giá dầu liên tiếp lập đáy mới
Năm 2015 chứng kiến giá dầu lao dốc, liên tiếp thiết lập đáy mới (xuống dưới 35 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ 2004). Nhiều quốc gia có thu nhập lớn từ dầu, đặc biệt là Nga, hứng chịu thiệt hại không nhỏ.
![]() |
Giá dầu xuống dốc không phanh trong năm 2015. |