WHO kêu gọi hành động khẩn cấp ứng phó bệnh sởi

"Sởi đã trở lại và đó là một hồi chuông cảnh tỉnh", ông Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO cho biết. Hiện WHO kêu gọi hành động khẩn cấp để ứng phó bệnh sởi.

Theo VTV, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi hành động ngay lập tức để giải quyết số ca mắc bệnh sởi mà tổ chức này gọi là "không thể chấp nhận được" trên toàn thế giới.
Lời kêu gọi của WHO được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc sởi trên toàn cầu đã lên tới 130.000 vào năm 2024.
Theo phân tích của Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có 127.350 ca mắc sởi được báo cáo ở châu Âu và Trung Á vào năm 2024 - cao gấp 2 lần số ca được báo cáo của năm trước và là con số cao nhất kể từ năm 1997. Trẻ em dưới 5 tuổi chiếm hơn 40% trong số 127.350 ca mắc sởi được ghi nhận tại 53 quốc gia ở châu Âu và Trung Á vào năm 2024.
"Sởi đã trở lại và đó là một hồi chuông cảnh tỉnh", ông Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO cho biết.
Trong đại dịch COVID-19, các biện pháp phong tỏa đã làm quá tải một số hệ thống chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, chính những thông tin sai lệch về vắc xin đã khiến các phụ huynh ngần ngại tiêm ngừa cho con mình.
"Trong suốt thời gian xảy ra đại dịch và sau đó, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng thông tin sai lệch dẫn đến sự ngần ngại về vắc xin", Fatima Cengic, chuyên gia tiêm chủng của UNICEF tại khu vực, cho biết.
Theo dữ liệu của WHO, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đã khiến trường hợp mắc bệnh tăng đáng kể trở lại vào năm 2023 và 2024.
Theo WHO, bệnh sởi là một trong những bệnh do virus có khả năng lây lan mạnh nhất. Nó có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, mất nước nghiêm trọng và làm suy giảm hệ miễn dịch.
Năm 2023, tại một số nước như Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Bắc Macedonia và Romania, chỉ có chưa tới 80% trẻ em đủ điều kiện được tiêm mũi vắc xin sởi đầu tiên. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ cần thiết để ngăn dịch bùng phát phải ở mức 95%.
Năm 2024, Romania có số ca mắc sởi cao nhất tại châu Âu với gần 30.700 người, tiếp theo là Kazakhstan với hơn 28.000 người.
Sởi ở người lớn hay trẻ em đều có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, viêm kết mạc, giác mạc, bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm ruột, các loại nhiễm trùng khác ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
WHO keu goi hanh dong khan cap ung pho benh soi
 Ảnh minh hoạ/ Internet 
Liên qua đến dịch sởi, chiều 15/3, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch bệnh sởi.
Báo cáo của Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) tại Hội nghị cho biết, trong năm 2024, cả nước ghi nhận gần 46 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 7.838 trường hợp dương tính và 18 ca tử vong liên quan đến sởi.
Riêng từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 39 nghìn trường hợp nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố; trong đó có 3.447 trường hợp dương tính với sởi tại 61 tỉnh, thành phố và 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi tại 4 tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước.
Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) Hoàng Minh Đức thông tin, nguyên nhân gia tăng dịch bệnh sởi là do trong thời gian Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh sởi thấp. Nhiều tỉnh, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng các bệnh chỉ đạt từ 40%-50%.
Bên cạnh đó, có hiện trạng “anti vắc xin” gia tăng. Sau Covid-19, một số người dân cho rằng “tiêm vắc xin hay không tiêm vắc xin như nhau” nên không đưa trẻ đi tiêm vắc xin. Ngoài ra, trẻ ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận với dịch vụ tiêm chủng còn khó khăn.
Số ca mắc sởi chủ yếu là trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 15 tuổi (chiếm 72%). Thống kê cho thấy, số trẻ nam mắc cao hơn so với nữ. Bệnh sởi rất dễ lây lan và thường gây thành dịch. Đây cũng là bệnh từng xảy ra những đợt dịch lớn, theo chu kỳ khoảng 5 năm do sự tích lũy các đối tượng chưa có miễn dịch trong cộng đồng.
Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Đáng lo ngại, bệnh sởi đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng và có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn Covid-19.
“90% người chưa có miễn dịch sẽ bị mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân. Trung bình 1 người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người khác và chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%”, ông Hoàng Minh Đức cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Đức, tốc độ tiêm chủng đang chậm hơn tốc độ của dịch. Hiện có 7-8 tỉnh mới phê duyệt kế hoạch tiêm chủng, trong khi vắc xin phòng bệnh sởi đã có. Do đó, các địa phương cần phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để tăng miễn dịch cộng đồng.

Cách phát hiện bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính - COPD

Phổi tắc nghẽn mãn tính là căn bệnh nguy hiểm đứng thứ 4 trong số các nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại Việt Nam. Chẩn đoán sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp ích cho việc điều trị bệnh.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) đang gia tăng nhanh chóng chủ yếu ở các nước đang phát triển do tình trạng hút thuốc. Theo thống kê, ước tính có 251 triệu ca mắc COPD trong năm 2016, chiếm khoảng 12% dân số từ 40 tuổi trở lên. Dự kiến COPD sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trên toàn cầu vào năm 2030.
Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn lưu lượng khí thở do bất thường của đường thở hoặc phế nang, do phơi nhiễm bụi, khí độc hại, do ảnh hưởng bởi các yếu tố vật chủ như sự bất thường trong quá trình phát triển của phổi.
COPD gây tình trạng khó thở có thể dẫn đến suy hô hấp và nhiều biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nguy hiểm khác. Mặc dù vậy, người mắc COPD có thể làm chậm tiến triển và điều trị hiệu quả khi được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Chẩn đoán COPD cận lâm sàng thường áp dụng cho những đối tượng có tiền sử tiếp xúc với yếu tố nguy cơ. Đồng thời có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính cần được thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng sau:
Đo chức năng thông khí bằng máy đo phế dung
Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Biểu hiện thông khí tắc nghẽn không hồi phục hoàn toàn sau nghiệm pháp giãn phế quản: chỉ số Gaensler (FEV1/FVC) < 70%; FEV1 không tăng hoặc tăng dưới 12% (<200ml) sau test phục hồi phế quản… Dựa vào chỉ số FEV1 đế đánh giá mức độ tắc nghẽn của bệnh nhân.
X-quang phổi: Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn sớm, không giãn phế nang có hình ảnh X-quang phổi bình thường. Ở giai đoạn muộn và có hội chứng phế quản, kết quả X-quang thường cho ra hình ảnh khí phế thũng.
X-quang phổi có thể gợi ý chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với hình ảnh trường phổi hai bên sáng, cơ hoành hạ thấp, khoang liên sườn giãn rộng, có thể thấy cơ hoành hình bậc thang và có các bóng khí. Có thể thấy nhánh động mạch thùy dưới phổi phải có đường kính >16mm.

Ngoài ra, phương pháp còn cho phép loại trừ các bệnh phổi khác có triệu chứng tương tự COPD như: lao phổi, xơ phổi, giãn phế quản, u phổi,…; Phát hiện những bệnh lý đồng nhiễm với COPD như: tràn dịch, tràn khí màng phổi, bất thường khung xương lồng ngực cột sống, suy tim,…

Điện tâm đồ (ECG): Chẩn đoán viêm phổi tắc nghẽn mạn tính dùng điện tâm đồ ở giai đoạn muộn của bệnh COPD có thể phát hiện các dấu hiệu của tăng áp động mạch phổi và suy tim phải như sóng P cao (>2,5 mm) ngọn đối xứng (P phế), trục phải (>1100), dày thất phải (R/S ở V6 <1).

Cach phat hien benh phoi tac nghen man tinh - COPD
 Hình ảnh phổi bị tổn thương do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính/Ảnh Vinmec
Theo GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, có 2 yếu tố có thể là nguyên nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:
Các yếu tố nội tại bao gồm: Tình trạng thiếu hụt, khuyết tật về gen như thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin.
Các yếu tố do ô nhiễm môi trường: Khói thuốc lá, thuốc lào, khí thải, khí độc công nghiệp…
Hút thuốc lá chiếm hơn 90% các trường hợp mắc bệnh. Khoảng 20-30% số người hút trên 20 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ có các biểu hiện sớm hoặc muộn của COPD.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp do tiếp xúc bụi nghề nghiệp xảy ra ở khoảng 10% các trường hợp. Thợ mỏ, công nhân xây dựng, thợ dệt, công nhân làm việc tại các xưởng luyện kim, nông dân là những người thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố kích thích phế quản dẫn tới nguy cơ cao mắc bệnh. Các yếu tố gây bệnh bao gồm: khí độc, xi măng, các sản phẩm than đá, bụi silic và các chất kích thích sử dụng trong nông nghiệp.
Các yếu tố khác như nhiễm độc không khí không phải là nguyên nhân trực tiếp, tuy nhiên cũng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển bệnh bao gồm: Chứa yếu tố làm bệnh nặng lên về lâu dài và tăng nguy cơ tử vong ở những người suy hô hấp nặng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong và đứng thứ 5 về gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh khá cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tuy nhiên lại rất ít người có kiến thức về bệnh.
Chẩn đoán sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp ích rất nhiều cho việc điều trị bệnh. Bệnh có thể điều trị làm chậm tiến triển khi được phát hiện ở giai đoạn sớm, tránh được các biến chứng nguy hiểm.

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 23/CĐ-TTg, yêu cầu đẩy nhanh tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng Giám đốc: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công điện nêu: Dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp, một số địa phương vẫn ghi nhận số ca mắc cao. Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát trên diện rộng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 116/CĐ-TTg ngày 14/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi; đồng thời tập trung triển khai một số nội dung.