
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET, bác Lê Đình Hiệp cho biết, bác là một trong những nông dân đầu tiên mạnh dạn đưa giống hoa hồng ngoại về trồng ở làng hoa Xuân Quan.
“Trước đây tôi trồng các loại hoa hồng cắt cành tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2011, tôi chuyển hướng sang trồng hoa hồng ngoại. Lúc đầu mới trồng tôi phải nhập mỗi gốc hoa hồng ngoại giống với giá khoảng 2 triệu đồng/cây, cá biệt có những giống hoa hồng ngoại quý hiếm có giá lên đến vài chục triệu đồng/cây. Từ những cây hoa hồng gốc, tôi chiết cành để nhân giống. Vừa sản xuất vừa học hỏi kinh nghiệm trồng hoa hồng ngoại nên diện tích trồng hoa hồng ngoại ngày càng tăng".


Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, các Lê Đình Hiệp bộc bạch: “Hoa hồng ngoại được nhiều khách hàng ưa chuộng vì loài hoa này nhiều chủng loại với nhiều màu sắc rực rỡ, bông to, kép bông, hương thơm rất thích hợp để trang trí không gian sân vườn, công sở...".
Theo bác Hiệp, mấy năm gần đây, thị trường tiêu thụ hoa hồng ngoại khá tốt và có giá bán cao. So với những loại hoa, cây cảnh khác, cây hoa hồng cho giá trị kinh tế cao hơn. Nhà bác Hiệp thường không có đủ cây hoa hồng ngoại để cung cấp ra thị trường.
"Hiện tại, cây hoa hồng ngoại gốc nhỏ (tuổi đời khoảng 6 tháng đến 2 năm) gia đình bán với giá 200.000- 1 triệu đồng/gốc; gốc hoa hồng cổ thụ (tuổi đời lâu năm) được bán với giá trên 10 triệu đồng/gốc, tùy vào từng loại hồng”, bác Hiệp cho hay.

Không chỉ trồng hoa hồng trên chậu, bác Lê Đình Hiệp còn trồng hoa hồng bonsai để nâng cao giá trị kinh tế cây hoa hồng. Để trồng hoa hồng bonsai, bác Lê Đình Hiệp thường sưu tầm những gốc tầm xuân to khỏe, có sức sống dẻo dai, kháng bệnh tốt.
Sau thời gian chăm sóc phù hợp gốc tầm xuân, đến đúng thời điểm, bác Hiệp sẽ chọn những mầm hồng ngoại phù hợp để ghép vào gốc tầm xuân, chăm sóc, tạo dáng và tạo ra những chậu bonsai có giá trị.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, bác Lê Đình Hiệp cho biết, kỹ thuật trồng hoa hồng ngoại không khó. Đất trồng hoa hồng là đất thịt nhẹ và cần làm đất kỹ trước khi trồng.
Giá thể để trồng hoa hồng rất quan trọng, thành phần chính của giá thể là đất đỏ tơi xốp (loại đất làm màu trồng rau) chiếm 30%, còn lại 70% của giá thể là các loại trấu hun, xỉ than, phân đậu tương đã qua ngâm ủ được trộn đều, tưới ẩm, sau đó che bạt kín ủ khoảng 50-60 ngày mới lấy ra cho vào chậu để trồng cây.


Về cách chăm sóc hoa hồng, phòng trừ sâu bệnh cho hoa hồng: Định kỳ 10 ngày bác Lê Đình Hiệp phun thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc an toàn sinh học cho toàn bộ vườn hoa hồng.
Bác Hiệp cho biết: Tuỳ từng mùa hoa hồng sẽ gặp những loại bệnh khác nhau như vào mùa xuân có độ ẩm cao, cây hoa hồng thường bị bệnh phấn trắng, xoăn đầu lá; đầu hè phải phòng bệnh bọ trĩ; tháng 7 mưa ẩm phòng bệnh đốm đen và cuối năm là nhện đỏ…

Theo bác Hiệp, đặc tính là hoa hồng ưa thời tiết mát mẻ như ở Sapa, Đà Lạt. Chính vì vậy, vào mùa hè thời tiết ở miền Bắc nắng nóng, bác Hiệp phải dùng lưới đen che cho vườn hồng. Việc tưới nước cho cây cũng rất quan trọng, thời tiết nắng nóng tưới 1 - 2 lần/ngày và phải tưới trực tiếp bằng tay mới đủ lượng nước tưới cho cây.