|
“Hà Nội 36 phố phường” là câu cửa miệng của người Hà Nội khi nói về sự phồn hoa, sôi động và đầy bản sắc riêng của chốn Hà thành. Có cả một bài vè thú vị về 36 phố phường được dân Hà Nội lưu truyền. Ảnh: Phố Hàng Ngang. |
|
Bài vè này có nhiều dị bản, ở đây xin dẫn lại bản ghi trong sách Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm: “Rủ nhau chơi khắp Long thành/Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai: / Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,/Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay...". Ảnh: Phố Hàng Đào. |
|
"... Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giầy/ Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn /Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Ngang / Hàng Mã, hàng Mắm, hàng Than, hàng Đồng / Hàng Muối, hàng Nón, cầu Đông / Hàng Hòm, hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè...". Ảnh: Phố Hàng Đường. |
|
"...Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre /Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà / Quanh đi đến phố hàng Da / Trải xem hàng phố, thật là cũng xinh / ...Phồn hoa thứ nhất Long thành /Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ...". Ảnh: Phố Hàng Bạc. |
|
Vì sao có câu “Hà Nội 36 phố phường”? Hẳn là câu này được lưu truyền không sớm hơn thời điểm đầu thế kỷ 19, khi cái tên Hà Nội chính thức được sử dụng (1831). Nhưng lịch sử sâu xa của nó sẽ khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Ảnh: Phố Hàng Buồm. |
|
Theo sử sách, con số 36 liên quan đến các đơn vị hành chính đất Hà thành có từ thời vua Lê Hiển Tông (ở ngôi 1461-1504). Con số này được đặt ra với mục đích duy nhất là thuận tiện hơn trong việc giữ gìn an ninh, trật tự. Ảnh: Phố Hàng Bông. |
|
Cụ thể, theo sách “Đại Việt sử ký tục biên”, vào tháng 12 năm Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) triều đình “hạ lệnh chia bên trong kinh thành làm 36 khu, mỗi khu đặt một quan coi giữ việc tuần phòng, khám xét...”. Ảnh: Phố Hàng Chiếu. |
|
“...Lại định phép ty tộc đoàn (liên kết các gia tộc ở gần nhau cùng giữ an ninh). Tiếp đó lại chia làm 9 điện, mỗi điện có 4 khu, mỗi khu đặt một viên chánh khu...”. Ảnh: Phố Hàng Khay. |
|
Trong tác phẩm Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ - danh sĩ sống vào giai đoạn cuối thời Lê đầu thời Nguyễn - cho biết cụ thể hơn về điều này: “Kinh thành Thăng Long chia ra 36 phường, mỗi phường đặt một người phường trưởng...". Ảnh: Phố Hàng Bút. |
|
"...Lại đặt ra phủ Phụng Thiên có quan Phủ doãn, quan Thiếu doãn kiêm coi cả việc tuần phủ và việc liêm sát, đốc suất hai huyện Thọ Xương và Quảng Đức, mỗi huyện có quan Huyện úy cai trị”. Ảnh: Phố Hàng Giấy. |
|
Đến thời vua Gia Long của nhà Nguyễn, trong một số sách dư địa chí như cuốn “Các tổng, trấn, xã danh bị lãm”, “Hoàng Việt dư địa chí”… cho biết cụ thể tên của 36 phường. Ảnh: Phố Hàng Phèn. |
|
Cụ thể, ở huyện Thọ Xương có 18 phường gồm: Yên Thọ, Hà Khẩu, Báo Thiên, Đông Hà, Đồng Xuân, Đông Tác, Đông Các, Cổ Vũ, Xã Đàn, Đồng Lạc, Thái Cực, Diên Hưng, Khúc Phố, Phục Cổ, Phúc Lâm, Kim Hoa, Hồng Mai, An Xá. Ảnh: Phố Hàng Than. |
|
Huyện Vĩnh Thuận gồm 18 phường còn lại là: Bích Câu, Quảng Bá, Thuỵ Chương, Yên Thái, Hoè Nhai, Tây Hồ, Nghi Tàm, Nhật Chiêu, Trích Sài, Võng Thị, Bái Ấn, Yên Lãng, Công Bộ, Thạch Khối, Hồ Khẩu, Thịnh Quang, Yên Hoa và Quan Trạm. Ảnh: Phố Hàng Thiếc. |
|
Trải qua thăng trầm của lịch sử, phố phường Hà Nội đã thay đổi rất nhiều về tên gọi, số lượng cũng như diện tích, nhưng một số vẫn giữ nguyên tên xưa như cách đây nhiều thế kỷ. Đây là một di sản quý mà người Hà Nội thời nay cũng như sau này cần trân trọng, gìn giữ... Ảnh: Phố Hàng Vải. |
Mời quý độc giả xem video: Chuyện hẹn hò của các cặp đôi Hà Nội xưa | VTV24.