Trẻ bị biến chứng nặng nề do vẹo cột sống

Trẻ bị gù vẹo cột sống nếu không chữa trị kịp thời sẽ biến dạng cột sống và ảnh hưởng sự phát triển của các cơ quan nội tạng khác như phổi, tim mạch.

Theo PGS.TS Đinh Ngọc Sơn, gù vẹo cột sống là bệnh phổ biến ở trẻ với tỷ lệ mắc khoảng 0,5 – 1% dân số. Riêng trong học sinh, khám sàng lọc đã phát hiện 7-9% số cháu mắc. Nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân hoặc xuất phát từ yếu tố bẩm sinh, bệnh lý thần kinh – cơ, hoặc thói quen sinh hoạt sai tư thế kéo dài.

Bệnh gù vẹo cột sống diễn biến rất nhanh, chỉ sau 1-2 năm các cháu không đi khám, là góc vẹo có thể đã tăng 10-20 độ, gây ra các biến chứng nghiêm trọng như biến dạng cột sống, nội tạng trong ổ bụng không phát triển, ảnh hưởng đến phổi, lồng ngực, mạch máu, thậm chí gây suy hô hấp.

Ngoài ra, bệnh còn tác động đến ngoại hình và tâm lý trẻ, khiến các em thiếu tự tin, gặp khó khăn trong giao tiếp, học tập.

PGS.TS Đinh Ngọc Sơn khám cho cháu bé 12 tuổi bị vẹo cột sống nặng. Ảnh Sức khoẻ và Đời sống

Điển hình là trường hợp bé gái 13 tuổi ở Hà Nội, được phát hiện vẹo cột sống từ 5 tuổi. Mỗi lần đi lại, chạy nhảy, con hay bị ngã, hai chân lệch nhau, vai không cân bằng. Cha mẹ đưa con đi khám song tuổi nhỏ nên bác sĩ yêu cầu theo dõi, chưa can thiệp. Trong 3 năm đại dịch Covid-19 không đi khám, tình trạng cong vẹo của trẻ tiến triển rất nhanh, mỗi năm thêm hơn 10 độ.

Lần này, khám tại Bệnh viện Việt Đức, kết quả đo đường cong ngực, độ xoay cột sống, hình ảnh chụp phim cho thấy trẻ bị vẹo cột sống tới gần 85 độ. Căn bệnh khiến cột sống của bé biến dạng, dính đốt sống do nguyên nhân bẩm sinh; vai trái thấp hơn hẳn vai phải; bướu sườn, lưng nhìn rõ khi cúi xuống trước; đốt sống xoay 30 độ.

"Đáng tiếc là bệnh nhi đã qua giai đoạn vàng can thiệp. Nếu bệnh được phát hiện trước khi dậy thì, góc vẹo chưa nhiều (dưới 60 độ), có thể áp dụng nhiều biện pháp can thiệp như chỉnh hình, nẹp tăng trưởng kiểm soát đường cong khống chế độ nặng của cong vẹo", bác sĩ Sơn nói.

Nay, không chỉ có góc vẹo cứng, cột sống biến dạng, bé còn có nhiều bệnh liên quan như thông liên nhĩ, phổi phải xẹp ảnh hưởng chức năng hô hấp, rối loạn thông khí nặng. Để phẫu thuật cho trẻ, các bác sĩ cần đánh giá, hội chẩn rất kỹ bởi là ca đại phẫu phức tạp, khó khăn.

Theo BS Sơn, với trẻ dưới 10 tuổi bị vẹo cột sống (khởi phát sớm), nếu không điều trị, can thiệp thì hậu quả nặng nề, quan trọng nhất là ảnh hưởng tim mạch, phổi, ổ bụng.

Đó là bởi trẻ phát triển hoàn thiện lồng ngực trong giai đoạn 5-8 tuổi, nếu bị vẹo cột sống ở giai đoạn này, phổi bị xẹp, không phát triển được, khiến hệ hô hấp của trẻ không tốt, khó thở; tim và các mạch máu lớn bị chèn ép.

Những trẻ vẹo cột sống vùng thắt lưng chèn ép khoang ổ bụng sẽ khiến các nội tạng bị ảnh hưởng, không phát triển, hoàn thiện.

PGS Sơn khuyến cáo, khi thấy trẻ có dấu hiệu vai không cân bằng, cúi xuống trước có bướu sườn, bướu lưng, bướu ngực, cần đưa trẻ đi khám gù vẹo cột sống. Vì việc phát hiện sớm đóng vai trò then chốt trong điều trị hiệu quả, giúp tránh phải phẫu thuật và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Giang Thu (Tổng hợp)