Tiêu hóa kém vẫn cần ăn rau

(khoahocdoisong.vn) - Khi hệ thống tiêu hóa kém, người cao tuổi càng cần ăn nhiều rau quả để có chất xơ kích thích nhu động ruột, phòng tránh táo bón và có thêm nhiều vitamin cho cơ thể. Tăng cường vitamin và chất xơ giúp phòng ngừa xơ vữa động mạch, tránh mỡ máu- một căn bệnh hầu như người cao tuổi nào cũng mắc phải.

Khi tuổi cao, sức co bóp của dạ dày giảm hơn so với tuổi trẻ, nhu động ruột giảm dẫn đến tình trạng đình trệ, tháo lưu phân, gây táo bón. Táo bón kéo theo một loạt hệ lụy, khiến vi sinh vật gây thối rữa phát triển, tạo ra nhiều hơi trong ruột, người cảm thấy đầy trướng, thở khó, trở ngại cho hoạt động của tim.

BS Lê Thị Hải, nguyên Trưởng phòng Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, táo bón lâu ngày rất nguy hiểm, là nguyên nhân dẫn đến viêm đại tràng mạn tính, ung thư đại tràng, đặc biệt là bệnh trĩ. Để phòng ngừa táo bón, nên chịu khó ăn hoa quả tươi. Rau quả tươi cung cấp rất nhiều vitamin cho cơ thể cũng như bổ sung đầy đủ các yếu tố vi lượng và các chất chống oxy hóa. Rau xanh cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng có hoạt tính sinh học cao, đặc biệt là vitamin C, chất khoáng và vi khoáng. Ngoài ra, là các acid hữu cơ, xenluloza, các chất chống oxy hóa nên có tác dụng nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh mạn tính. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra, ăn ít rau dễ dẫn đến ung thư dạ dày, ruột, dễ thiếu máu cục bộ, tăng nguy cơ đột quỵ. 

Ở Việt Nam, rau muống là loại rau phổ biến. Rau muống được đánh giá có giá trị dinh dưỡng trung bình (380mcg% retinol; 2,8mg% vitamin C; 1,2mg% sắt). Rau muống đặc biệt chứa nhiều chất xơ và sắt, tốt cho người mắc bệnh thiếu máu, loãng xương, huyết áp thấp và phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, những người bị đau nhức xương khớp, bệnh gút, viêm nhiễm đường tiết niệu chỉ nên ăn vừa phải. Người đang điều trị nội - ngoại khoa, có vết thương trên da  thì không nên ăn rau này bởi chúng kích thích tăng sinh tế bào gây sẹo lồi. 

Loại rau có giá trị dinh dưỡng cao phải kể đến rau ngót, rau đay, rau dền. Đây là những loại rau đồng đều về hàm lượng caroten, vitamin C  (179 - 64 - 52mg%) và hàm lượng sắt (2,8 - 2,5 - 2,1mg%), giàu các muối khoáng, vi khoáng, lượng protein cao gấp 3 - 5 lần các loại rau khác (3 - 6g%). Rau ngót là loại rau lành tính, được sử dụng cả cho phụ nữ sau sinh vì đặc tính mát, giải nhiệt, chứa nhiều vitamin và khoáng chất như kali, canxi, magiê, B1, B2, B6, vì vậy, nó tốt cho cả trẻ em, phụ nữ, người già. Tuy nhiên, loại rau này được khuyến cáo không dùng đối với phụ nữ có thai vì có thể gây co thắt tử cung làm sẩy thai.

Rau dền chứa nhiều protid, lipid, glucid, nhiều vitamin và chất khoáng. Hàm lượng chất sắt, canxi trong rau dền cao nhất trong các loại rau tươi. Rau ăn vào giúp người già nhuận tràng nhưng cần chú ý bệnh nhân gút, có bệnh thận, viêm khớp dạng thấp không nên dùng. Vì rau có tác dụng nhuận tràng nên những người hay lạnh bụng cũng hạn chế ăn.

Hàm lượng các sinh tố và chất xơ trong rau cao hơn so với trái cây, tuy nhiên khi nấu nướng, gia nhiệt sẽ có một lượng vitamin, khoáng chất thất thoát, vì vậy, cách tốt nhất là bổ sung thêm từ hoa quả.

Các loại quả chín màu vàng, đỏ, da cam như đu đủ, hồng, dưa hấu, cam, quýt vàng có hàm lượng caroten khá cao và giàu sắt (0,9 - 1,2mg%). Đặc biệt, màng gấc tươi có hàm lượng caroten đặc biệt cao. Đây là một loại quả quý giúp phòng bệnh thiếu vitamin A, chống oxy hoá và ung thư. 

Hồng Loan