Theo Business Insider, loạt phim Fast and Furious từ lâu đã trở thành thương hiệu điện ảnh bom tấn mang tính quốc tế. Sau khi khởi chiếu ở một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Trung Đông, Fast & Furious 9 (F9) - phần phim mới nhất của thương hiệu - có khởi đầu mạnh mẽ, ngay cả khi các phòng vé chỉ mới phục hồi sau đại dịch.
Theo Hollywood Reporter, Fast and Furious 9 kiếm được 162,4 triệu USD sau một tuần ra mắt. Trong số đó, có đến 135,6 triệu USD đến từ thị trường Trung Quốc. Quốc gia đông dân chiếm hơn 83% tổng doanh thu toàn cầu, tính đến hiện tại.
Trung Quốc vượt mặt Bắc Mỹ
Sau khi chốt thành tích cuối tuần, Fast & Furious 9 trở thành bộ phim Hollywood đầu tiên đạt doanh thu 100 triệu USD trong tuần đầu ra mắt tại Trung Quốc, sau hai năm kể từ khi Avengers: Endgame lập kỷ lục.
Trước đó, hai phần phim Furious 7 và The Fate of the Furious đều thu về hơn 1 tỷ USD toàn cầu và khoảng 390 triệu USD tại Trung Quốc.
Thành công ban đầu của phần thứ 9 của loạt phim tốc độ mang lại sự nhẹ nhõm, tín hiệu đáng mừng cho Hollywood. Các bộ phim bom tấn vẫn có thể hoạt động tốt dù một số quốc gia chỉ mới hồi phục sau đại dịch.
Sau khi chứng kiến thành tích tốt của Fast 9, Veronika Kwan Vandenberg, chủ tịch phân phối quốc tế của Universal, nói: "Điều đó cho chúng tôi thấy rằng khán giả sẵn sàng quay lại khi có bộ phim phù hợp".
Trong khi đó, chuyên gia Travis Clark cho biết Trung Quốc đang dần truất ngôi Bắc Mỹ và trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới.
|
Sự thành công của Fast & Furious 9 chứng minh sự quan trọng của thị trường Trung Quốc với Hollywood. Ảnh: Universal. |
Theo Business Insider, một điều không thể phủ nhận là đại dịch đã đẩy nhanh sự thống trị phòng vé của Trung Quốc so với Mỹ. Điều này cũng có thể gây ra những sự phân chia lớn.
Trước đó, ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc có sự phục hồi đáng kinh ngạc. Trong khi các bộ phim trong nước vươn lên mạnh mẽ, những dự án điện ảnh được mệnh danh là "bom tấn" tại nước ngoài như Soul, Wonder Woman lại khá thất sủng ở Trung Quốc.
Theo công ty phân tích Comscore, phim nội địa chiếm 85% doanh thu phòng vé Trung Quốc năm 2020. Chỉ hai năm trước, con số này ở mức 60%.
Tính từ ngày 1/4/2020 đến 29/3/2021, 10 bộ phim có doanh thu cao nhất phòng vé Trung Quốc đều là phim trong nước. Điều đó chứng tỏ Trung Quốc đang dần tách biệt khỏi xu hướng phim ảnh thế giới, không chịu sự chi phối hay quá cần phim nước ngoài.
Hồi tháng 4, Gitesh Pandya, biên tập viên của Box Office Guru, cho biết Hollywood đã trì hoãn nhiều bộ phim lớn nhất, kể cả ở Trung Quốc. "Chắc chắn Hollywood luôn nuôi hy vọng Trung Quốc sẽ là thị trường quan trọng", Pandya nói với Insider.
Đến khi phát hành Godzilla vs. Kong (thu về 183 triệu USD) và bây giờ là Fast and Furious 9, Hollywood có thể giảm bớt một số lo ngại.
Tuy nhiên, điều đó chứng minh rằng Trung Quốc đã soán ngôi Bắc Mỹ trở thành phòng vé lớn nhất thế giới. Bởi, Godzilla vs. Kong chỉ đạt được 100 triệu USD doanh thu nội địa, lép vế so với thị trường Trung Quốc.
Trước khi đại dịch bùng nổ, công ty nghiên cứu Ampere Analysis từng dự đoán phòng vé Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2022. Giờ đây, quốc gia tỷ dân nuôi tham vọng giữ vững danh hiệu phòng vé lớn nhất thế giới, mặc cho thị trường Bắc Mỹ phục hồi sau đại dịch.
Richard Cooper, giám đốc nghiên cứu của Ampere Analysis, cho rằng thị trường rạp chiếu của Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng, doanh thu bán vé ngày càng tăng. Doanh thu phim Mỹ ở Trung Quốc cũng tăng nhanh, trong khi đó phim chiếu rạp ở Mỹ dần thu hẹp.
"Thị trường Mỹ ổn định trước đây sẽ giảm quy mô sau đại dịch. Điều này phần lớn do nhiều nhà tài trợ rút khỏi việc làm phim. Một số cụm rạp ở Mỹ đóng cửa vĩnh viễn", Cooper nói.
Hollywood chiều lòng thị trường Trung Quốc
Trước đây, PEN - tổ chức Văn bút Mỹ - từng có nghiên cứu dài đến 94 trang mang tên Phim sản xuất tại Hollywood nhưng do Bắc Kinh kiểm duyệt để nói về hiện trạng làm phim ở Hollywood.
Theo báo cáo, đạo diễn hạng A ngày càng đưa ra quyết định về dàn diễn viên, cốt truyện, lời thoại và bối cảnh dựa trên nỗ lực tránh gây phản cảm với người dân Trung Quốc. Các hãng phim không dám làm phật lòng yêu cầu kiểm duyệt của quốc gia này.
Trường hợp Monster Hunter - Thợ săn quái vật bị thất sủng ở Trung Quốc hồi tháng 12/2020 chứng minh quyền lực của thị trường điện ảnh nước này.
Sau câu thoại “người Trung Quốc, đầu gối dơ bẩn” mang ý nghĩa miệt thị, trêu đùa văn hóa người gốc Á, bộ phim có kinh phí đầu tư 60 triệu USD bị gỡ lịch chiếu khỏi các cụm rạp toàn quốc.
|
Sự thất bại của Monster Hunter tại Trung Quốc làm Hollywood phải suy nghĩ lại. Ảnh: Outnow. |
Điều đó càng chứng minh luận điểm "giới làm phim ở kinh đô điện ảnh sẵn sàng làm theo khâu kiểm duyệt tại quốc gia này để tiến vào thị trường tiềm năng" của tổ chức Văn bút Mỹ.
Hãng Paramount từng yêu cầu các nhà sản xuất của World War Z (2013) loại bỏ cảnh quay virus zombie gây ra ngày tận thế có thể bắt nguồn từ Trung Quốc.
Bộ phim Top Gun: Maverick do Paramount sản xuất cũng xóa đi hai lá cờ trên áo khoác phi công của Pete “Maverick” Mitchell (Tom Cruise) so với phục trang phần đầu năm 1986 do lo ngại gặp khó khăn khi kiểm duyệt tại Trung Quốc.
Marvel Studios cũng từng gây xôn xao dư luận khi định chọn Lưu Đức Hoa cho vai tiến sĩ Wu ở Iron Man 3 (2013). Song, do muốn dành thời gian cho con gái mới sinh, tài tử bèn nhường lại cơ hội cho Vương Học Kỳ.
“Hollywood từ lâu nổi tiếng là sẵn sàng nói lên sự thật, thậm chí chỉ trích quyền lực của chính phủ Mỹ. Song, điều chúng tôi cần là tiêu chuẩn đó cần được áp dụng cho phần còn lại của thế giới”, đại diện của PEN khẳng định.