Sức khỏe hệ tiêu hoá sau tuổi 30, những thay đổi cần lưu ý

Sau tuổi 30, dù những thay đổi không xảy ra ngay lập tức, nhưng việc chủ động lắng nghe cơ thể, điều chỉnh lối sống phù hợp là chìa khoá để bảo vệ hệ tiêu hoá khoẻ mạnh dài lâu.

Sau tuổi 30, cơ thể bắt đầu trải qua nhiều thay đổi sinh lý một cách âm thầm, trong đó hệ tiêu hoá là một trong những cơ quan chịu ảnh hưởng rõ rệt nhưng lại thường bị bỏ qua. Việc hiểu rõ những thay đổi này không chỉ giúp phòng ngừa rối loạn tiêu hoá mà còn góp phần bảo vệ sức khoẻ toàn diện lâu dài.

Hình minh hoạ/ Nguồn: internet

Giảm hoạt động của enzym tiêu hoá

Một trong những thay đổi phổ biến nhất sau tuổi 30 là sự suy giảm sản xuất enzym tiêu hoá đặc biệt là enzym tiêu hoá protein, chất béo và carbohydrate. Điều này khiến quá trình tiêu hoá trở nên kém hiệu quả hơn, dẫn đến các triệu chứng như đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn hoặc táo bón. Khi enzym tiêu hoá bị suy giảm, cơ thể cũng hấp thu kém các dưỡng chất thiết yếu, lâu dần có thể gây ra thiếu hụt vi chất, ảnh hưởng đến năng lượng, da, tóc và hệ miễn dịch.

Giảm nhu động ruột và chậm tiêu hoá

Hệ tiêu hoá hoạt động dựa trên sự co bóp đều đặn của các cơ trơn trong đường ruột. Tuy nhiên, sau tuổi 30, tốc độ nhu động ruột có xu hướng giảm nhẹ do ảnh hưởng của lối sống ít vận động, căng thẳng và sự thay đổi nội tiết tố. Điều này làm thức ăn di chuyển chậm hơn trong đường tiêu hoá, từ đó tăng nguy cơ táo bón và cảm giác nặng bụng sau bữa ăn.

Sự thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột

Ruột già chứa hàng nghìn tỷ vi khuẩn có lợi và có hại, tạo nên hệ vi sinh vật đường ruột đóng vai trò then chốt trong quá trình tiêu hoá và miễn dịch. Sau tuổi 30, sự cân bằng của hệ vi sinh này có thể bị xáo trộn do chế độ ăn uống, stress, thiếu ngủ hoặc sử dụng thuốc (như kháng sinh). Khi hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng, cơ thể dễ gặp tình trạng rối loạn tiêu hoá, tăng cân, viêm nhiễm hoặc các vấn đề liên quan đến da và tinh thần.

Dễ nhạy cảm với thực phẩm hơn

Không ít người bắt đầu xuất hiện các biểu hiện như đầy hơi, dị ứng nhẹ hoặc rối loạn tiêu hoá sau khi ăn những món từng quen thuộc. Nguyên nhân có thể do hệ miễn dịch đường ruột trở nên nhạy cảm hơn, hoặc do tổn thương niêm mạc ruột tích tụ theo thời gian. Một số thực phẩm như sữa, gluten, thức ăn nhiều dầu mỡ hay thức ăn cay nóng có thể gây khó chịu cho người sau tuổi 30 hơn so với thời tuổi trẻ.

Nguy cơ mắc bệnh tiêu hoá mạn tính tăng cao

Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ đối với các bệnh lý tiêu hoá mạn tính như viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích (IBS), trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hay thậm chí là ung thư đại tràng. Dù không phải ai cũng mắc, nhưng nguy cơ tích lũy theo thời gian, đặc biệt nếu có lối sống thiếu khoa học, chế độ ăn nghèo dinh dưỡng hoặc có tiền sử bệnh lý tiêu hoá.

Làm gì để bảo vệ hệ tiêu hoá sau tuổi 30?

Ăn uống lành mạnh

Ưu tiên rau xanh, trái cây, thực phẩm nguyên cám và thực phẩm giàu chất xơ giúp tăng cường nhu động ruột và nuôi dưỡng hệ vi sinh có lợi. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, dầu mỡ, đường và rượu bia.

Bổ sung probiotic và enzym tự nhiên

Có thể thông qua sữa chua, kefir, kim chi, hoặc bổ sung dạng viên nếu cần theo hướng dẫn của chuyên gia.

Uống đủ nước

Giúp hệ tiêu hoá hoạt động hiệu quả và hỗ trợ đào thải chất cặn bã.

Duy trì vận động

Đi bộ, yoga hoặc các hình thức tập thể dục nhẹ nhàng không chỉ giúp tiêu hoá tốt mà còn giảm stress, yếu tố ảnh hưởng mạnh đến dạ dày và ruột.

Đặc biệt nếu có dấu hiệu kéo dài như đầy hơi, tiêu chảy, táo bón hay chảy máu tiêu hoá, hãy đi khám để phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn.

Trương Hiền