Testosterone là hormone chủ đạo quyết định đặc điểm sinh học và thể chất của nam giới từ giọng nói trầm, cơ bắp phát triển, mật độ xương cao đến ham muốn tình dục và khả năng sinh sản. Đây còn là yếu tố quan trọng trong việc duy trì sức khỏe toàn diện: từ tâm trạng, giấc ngủ, trí nhớ đến chuyển hóa năng lượng.
Tuy nhiên, không phải nam giới nào cũng duy trì được lượng testosterone lý tưởng, đặc biệt khi tuổi tác ngày càng tăng hoặc khi lối sống hiện đại kéo theo nhiều yếu tố bất lợi cho sức khỏe. Vậy khi phát hiện mình bị suy giảm testosterone, nam giới cần làm gì để phục hồi sức khỏe, giữ vững bản lĩnh?
 |
Hình minh hoạ/ Nguồn: Internet |
Nhận diện testosterone thấp, đừng xem nhẹ những dấu hiệu ban đầu
Rất nhiều nam giới không nhận ra mình đang bị thiếu hụt testosterone cho đến khi các triệu chứng trở nên rõ rệt. Suy giảm testosterone không đến một cách ồ ạt mà diễn ra âm thầm, lặng lẽ. Những biểu hiện ban đầu dễ bị nhầm lẫn với mệt mỏi thông thường hoặc stress công việc.
Một số dấu hiệu cảnh báo bao gồm: Giảm ham muốn tình dục, mất hứng thú trong quan hệ vợ chồng; Rối loạn cương dương hoặc giảm cường độ cương; Mệt mỏi kéo dài, cảm giác uể oải cả ngày; Dễ cáu gắt, lo âu, suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung; Giảm khối lượng cơ bắp, tăng tích mỡ bụng; Giảm mật độ xương, tăng nguy cơ loãng xương về sau; Mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc; Tinh hoàn teo nhỏ, giảm số lượng tinh trùng (ở một số trường hợp).
Các triệu chứng trên nếu xuất hiện đồng thời và kéo dài trên vài tuần là dấu hiệu cảnh báo cần được kiểm tra testosterone càng sớm càng tốt.
Xét nghiệm và chẩn đoán y khoa, bước quan trọng đầu tiên
Việc xác định testosterone thấp không thể chỉ dựa vào cảm giác hay dấu hiệu bên ngoài. Phương pháp chẩn đoán chính xác nhất là xét nghiệm máu đo nồng độ testosterone tự do và toàn phần, thường được thực hiện vào buổi sáng (khoảng 7-10h sáng), khi mức hormone này đạt đỉnh.
Ngưỡng testosterone toàn phần bình thường ở nam giới thường dao động từ 300–1.000 ng/dL (nanogram trên decilit). Nếu chỉ số dưới 300 ng/dL, kèm theo triệu chứng rõ rệt thì được coi là thấp và cần xem xét điều trị.
Đồng thời, bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm khác để đánh giá nguyên nhân gốc rễ, như:
Xét nghiệm LH, FSH (đánh giá chức năng tuyến yên)
Siêu âm tinh hoàn, tuyến tiền liệt
Đường huyết, lipid máu, chỉ số men gan nếu nghi ngờ có bệnh lý chuyển hóa đi kèm.
Điều chỉnh lối sống, nền tảng cho mọi biện pháp phục hồi
Dù có lựa chọn điều trị hormone hay không, việc thay đổi lối sống là yếu tố bắt buộc trong quá trình cải thiện testosterone. Không ít trường hợp chỉ cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt là đã thấy sự cải thiện rõ rệt.
Tập thể dục đều đặn
Các bài tập kháng lực (như nâng tạ) giúp kích thích sản xuất testosterone tự nhiên và tăng khối lượng cơ.
Bài tập HIIT (High Intensity Interval Training) đã được nghiên cứu cho thấy có tác dụng thúc đẩy hormone sinh dục nam.
Duy trì ít nhất 150 phút tập luyện mỗi tuần, kèm các hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ nhanh, yoga, bơi lội cũng mang lại lợi ích lâu dài.
Dinh dưỡng hỗ trợ sản sinh testosterone
Kẽm: Có nhiều trong hàu, hạt bí, thịt đỏ rất cần thiết cho quá trình tổng hợp testosterone.
Vitamin D: Thiếu vitamin D thường liên quan đến mức testosterone thấp. Phơi nắng hợp lý và bổ sung cá béo, trứng gà, sữa là nguồn tự nhiên hữu ích.
Chất béo lành mạnh: Dầu ô liu, bơ, các loại hạt giúp cân bằng hormone.
Tránh đường tinh luyện, rượu bia quá mức, thực phẩm chiên xào, nhiều chất bảo quản vì chúng làm giảm chức năng nội tiết.
Giấc ngủ chất lượng
Nam giới ngủ dưới 6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ testosterone thấp hơn rõ rệt. Hãy cố gắng ngủ 7–8 tiếng mỗi đêm, tránh dùng điện thoại quá khuya, hạn chế caffeine buổi chiều và tạo không gian ngủ yên tĩnh.
Giảm stress, sống tích cực
Căng thẳng kéo dài làm tăng cortisol – một hormone gây ức chế testosterone. Nam giới nên tìm cách giải tỏa tinh thần qua thể thao, thiền, du lịch, hoặc đơn giản là giảm tải công việc, ngủ nghỉ hợp lý hơn.
Điều trị bằng liệu pháp thay thế testosterone, khi nào cần?
Nếu các biện pháp tự nhiên không cải thiện được tình trạng hormone, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp thay thế testosterone (TRT). Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp và việc điều trị cần được theo dõi sát sao.
Các dạng TRT phổ biến:
Testosterone dạng gel bôi da hàng ngày
Miếng dán qua da
Tiêm bắp định kỳ (thường mỗi 2-3 tuần)
Viên ngậm dưới lưỡi hoặc dạng uống (ít phổ biến hơn)
Nguy cơ và lưu ý:
TRT có thể làm tăng nguy cơ tăng hồng cầu, tụ máu, phì đại tuyến tiền liệt hoặc tác động đến tim mạch.
Nam giới có tiền sử ung thư tuyến tiền liệt, bệnh tim nặng hoặc ngưng thở khi ngủ nặng thường không được chỉ định TRT.
Phải theo dõi xét nghiệm định kỳ, bao gồm máu, PSA tuyến tiền liệt, huyết áp và men gan trong suốt quá trình dùng thuốc.