|
Ông Lý Xuân Lai - Phó Chủ nhiệm thiết kế giai đoạn 3 của dự án thăm dò Mặt trăng cho biết, mẫu đất ở Mặt trăng khi nhìn bằng mắt thường thì chỉ là một mảng màu đen, tuy nhiên nếu đặt dưới kính hiển vi phóng đại lên 10 lần là một thế giới đầy màu sắc. |
|
Đó là hỗn hợp màu vàng, xanh, màu hổ phách và màu trắng của các khoáng chất như nhôm natri silicat. Những mẫu đất lấy từ Mặt trăng này có thể ẩn giấu những bí mật bất ngờ về hành tinh hàng tỷ năm tuổi của chúng ta. |
|
Đất ở Mặt trăng có các hạt tương đối nhỏ, kích thước các mẫu do phi thuyền Hằng Nga 5 thu thập được chỉ khoảng 10 micron. Bên cạnh đó, nó còn chứa nhiều thủy tinh, do đó các nhà khoa học nhận định có thể có núi lửa phun trào trên Mặt trăng. |
|
Có ít nhất hai nguyên nhân tạo nên thủy tinh trên Mặt trăng. Một là đất trở thành thủy tinh khi tro bụi phun ra khỏi dung nham nóng chảy. Đây được gọi là thủy tinh núi lửa. |
|
Hai là đất bị một số thiên thể nhỏ va vào, trong quá trình va chạm sinh ra nhiệt độ cao làm cho đá ban đầu hoặc bản thân vật va chạm bị nóng chảy, ngưng tụ lại, được gọi là thủy tinh sau va chạm. |
|
Thông qua việc phân tích hàm lượng nguyên tố có trong đất Mặt trăng, có thể cung cấp cơ sở khoa học nghiên cứu sự phát triển và tác động của Mặt trăng đến Trái đất trong tương lai. |
|
Không những thế, nó còn có thể giúp các nhà khoa học tìm hiểu được quá trình hình thành và phát triển của Trái đất. Hành tinh có khối lượng càng nhỏ thì tiến hóa càng nhanh, do đó các dữ liệu khoa học cho thấy Mặt trăng tiến hóa nhanh hơn Trái đất. |
|
Sau khi Mặt trời bắt đầu tỏa sáng, các hành tinh của hệ Mặt trời bắt đầu hình thành. Nhưng phải mất thêm khoảng hàng trăm triệu năm sau thì Mặt trăng của Trái đất mới xuất hiện và tồn tại đến ngày nay. |
|
Có ba giả thuyết chính về sự hình thành các vệ tinh của các hành tinh: Giả thuyết vụ va chạm lớn, giả thuyết cùng hình thành và giả thuyết bắt giữ. |
|
Giả thuyết vụ va chạm lớn cho rằng, Mặt trăng hình thành do một vụ va chạm của Trái đất với một vật thể có kích thước tương đương sao Hỏa là Theia. Vụ va chạm đã thổi bay các khối vật chất của vỏ hành tinh trẻ vào không gian. Lực hấp dẫn liên kết các mảnh vật chất này lại với nhau, tạo thành Mặt trăng. |
|
Giả thuyết cùng hình thành cho rằng Mặt trăng cũng có thể hình thành cùng một thời gian với các hành tinh. Lực hấp dẫn có thể đã khiến vật chất trong Hệ Mặt trời thời kỳ đầu kết tụ lại trong cùng một khoảng thời gian khi lực hấp dẫn kéo các hạt lại với nhau để hình thành Mặt trăng. |
|
Giả thuyết bắt giữ cho rằng có lẽ lực hấp dẫn của Trái đất đã bắt một vật thể đi qua, như điều đã xảy ra với các Mặt trăng khác trong Hệ Mặt Trời, chẳng hạn như các Mặt trăng của sao Hỏa là Phobos và Deimos. |