Chúa Trịnh đã chấn hưng giáo dục như nào? 16:28 22/08/2021 (GMT+7) Để chấn hưng giáo dục, chấm dứt tệ mua bằng bán tước diễn ra phổ biến, chúa Trịnh Tạc sai quan phúc khảo ba kỳ thi, người nào đỗ vẫn được là sinh đồ, người nào hỏng phải ở lại 3 năm học tập, cho miễn tạp dịch. Tây Định vương Trịnh Tạc (1606 – 1682), là vị chúa Trịnh thứ 3 thời Lê Trung hưng, cai trị từ năm 1657-1682. Ông là con trai thứ hai của Văn Tổ Nghị vương Trịnh Tráng. Ngay từ nhỏ chúa Trịnh Tạc đã được chúa cha cho tham gia bàn việc nước, giao trấn giữ xứ Sơn Nam - một trong 4 trấn quan trọng khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Tuy là con thứ nhưng lại được quyền kế tập ngôi vị do người anh của ông mất sớm. Việc con thứ Trịnh Tạc được ưu ái nối ngôi vương khiến một số con cháu họ Trịnh bất bình. Khi Trịnh Tạc mới được giao làm Thái úy, cho xử quyết mọi việc quốc gia, anh em của ông là Thái bảo Phù quận công Trịnh Lịch - người được giao trấn giữ xứ Sơn Tây và Hoa quận công Trịnh Sầm - trấn giữ xứ Hải Dương "hận vì bất đắc chí, liền nổi quân làm loạn". Năm 1657, khi chúa Trịnh Tráng chết, người con út của ông là Ninh quốc công Trịnh Toàn đang trấn giữ xứ Nghệ An và được nhiều người tín phục, cũng mưu đồ làm phản, chống lại anh trai Trịnh Tạc. Toàn sau đó bị tống giam trong ngục. Trong thời gian cai trị, Trịnh Tạc đã giành được một số thắng lợi quân sự: dẹp yên thế lực chúa Bầu họ Vũ ở Tuyên Quang và họ Mạc ở Cao Bằng, giành lại vùng đất phía bắc sông Gianh từ tay chúa Nguyễn. Sau năm 1672, chiến tranh Trịnh - Nguyễn chấm dứt, Trịnh Tạc bắt tay vào xây dựng đất nước, thực hiện cải cách trên lĩnh vực chính trị - kinh tế và đạt một số thành tựu, đưa họ Trịnh vào thời kì đỉnh cao thịnh trị. Trịnh Tạc nổi tiếng bởi mong muốn chấn hưng nền giáo dục. Khi nghi ngờ có gian lận thị cử vào các năm Đinh Dậu (1657), Quý Mão (1663) và Canh Tý (1660), chúa Trịnh Tạc đã cho phúc khảo lại 3 kỳ thi Hương. Người nào đỗ vẫn được là sinh đồ, người nào hỏng phải ở lại 3 năm học tập, cho miễn tạp dịch. Nếu thi lại lần nữa vẫn không đỗ mới trở về làm dân, chịu tạp dịch. Chúa Trịnh đồng thời nghiêm trị các quan làm sai chuyện thi cử. Ông giáng chức của Hữu đô đốc Lại quận công Trịnh Bách, đô đốc đồng tri toản quận công Trịnh Sâm vì cùng làm đề thi nhưng không biết cấm giữ thủ hạ để họ ăn đút vàng bạc, làm thi sai. Cùng năm đó, Trịnh Tạc ra lệnh "cấm tự tiện cho chức tước" để dẹp bỏ nạn xin bừa chức tước, mua quan, mua chức. Ngoài chấn chỉnh việc học hành, năm 1669, Trịnh Tráng quy định lại việc thu thuế đinh của dân. Thay vì bổ đều mức thuế, ông cho quan đi khắp nước kiểm tra tài sản thực tế của mỗi người dân "xem nhiều hay ít, ruộng đất tốt hay xấu", rồi căn cứ vào đó đưa ra mức thuế khác nhau. Quan và dân mỗi bên giữ một bản kê khai tài sản, thuế khóa để làm bằng chứng, lệ này được áp dụng lâu dài. Là người quan tâm đến đời sống người dân, chúa Trịnh Tạc nhiều lần đi thực tế thăm dân gian. Ông lệnh cho dân xã thôn các xứ rằng: "Nếu xã thôn nào có lệnh phú dịch nặng thì khai lên, giao cho quan giám đốc bình lệ xét thực, sẽ lượng giảm bớt cho, chia san cho các xã trong huyện cùng chịu, để việc phú dịch được công bằng". Khi lũ lụt làm tổn hại nông nghiệp của 4 trấn trong nước, chúa Trịnh cho giảm tiền thuế đinh. Ông đồng thời cấm quan khuyến nông và quan hà đê đòi tiền của dân. Ông qua đời năm 1682, ngôi thế tử được truyền cho con trai trưởng là Chiêu Tổ Khang vương Trịnh Căn. Mời độc giả xem video: Top 10 Sự kiện Kinh tế Việt Nam 2020. Nguồn: VTV24. Thu Hà (TH) Du Lịch Việt Nam ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN Sử dụng lại thông tin email và họ tên từ lần bình luận gần nhất * Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu Gửi bình luận × Close Thông tin thêm Họ tên Email