17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch lịch sử mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Ta tập trung lực lượng đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, cắt đứt giao thông đường bộ, đường thuỷ xuống đồng bằng Sông Cửu Long và ra biển, khống chế các sân bay Biên Hoà, Tân Sơn Nhất, Trà Nóc, chế áp các trận địa pháo quan trọng, chia cắt không cho các sư đoàn chủ lực địch co cụm về vùng ven và nội đô, siết chặt vòng vây xung quanh Sài Gòn, tạo điều kiện cho cuộc tổng tiến công đồng loạt vào các cơ quan đầu não địch.
|
Bức ảnh " Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975" của nhà báo Trần Mai Hưởng. Ảnh tư liệu. |
Hướng Đông và Đông Nam, Quân đoàn 4 đánh chiếm chi khu quân sự Trảng Bom;
Quân đoàn 2 đánh chiếm chi khu quân sự Long Thành, Trường sĩ quan thiết giáp của địch ở Nước Trong..., phát triển về hướng Biên Hòa-Nhơn Trạch. Các đơn vị đặc công thọc sâu chiếm cầu Xa Lộ trên sông Đồng Nai và cầu Xa Lộ trên sông Sài Gòn. Sư đoàn 3-Quân khu 5 đánh chiếm Bà Rịa ở phía nam, phát triển theo hướng Vũng Tàu; Pháo binh chiến dịch khống chế, làm tê liệt sân bay Biên Hòa, buộc địch phải di tản về Tân Sơn Nhất...
Hướng Tây Nam, ta cắt đứt đường 4 từ cầu Bến Lức đến ngã ba Trung Lương và từ Cai Lậy đến An Hữu, ngăn chặn và thu hút các sư đoàn 7, 9, 22 của địch, tạo điều kiện cho các hướng khác hoạt động. Đoàn 232 sử dụng một sư đoàn chiếm đầu cầu An Ninh, Lộc Giang trên sông Vàm Cỏ, đưa Sư đoàn 9 và các đơn vị binh khí kỹ thuật qua sông; các trung đoàn độc lập 24 và 88 tiến về phía Nam quận 8, tạo thế bao vây địch.
Hướng Bắc, Quân đoàn 1 diệt một số trận địa, cơ bản phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, làm chủ đoạn đường 16, đưa lực lượng triển khai thọc sâu cách Thủ Dầu Một 7 km.
Hướng tiến công chủ yếu Tây Bắc, Quân đoàn 3 diệt 11/18 trận địa pháo, cắt đường 22 và đường 1, chặn các đơn vị thuộc Sư đoàn 25 của địch từ Tây Ninh co về Đồng Dù, bức hàng 1 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 50. Lực lượng đặc công và Trung đoàn Gia Định làm chủ tuyến vành đai Sài Gòn, tạo cửa mở qua các vật cản phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất, chuẩn bị cho binh đoàn chủ lực tiến công.
|
Sáng 30/4/1975, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu. |
Phối hợp với hoạt động tiến công của chủ lực, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương trên địa bàn chiến dịch, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng kịp thời nổi dậy khởi nghĩa, giành quyền làm chủ, khiến cho nội bộ chính quyền Sài Gòn lâm vào khủng hoảng trầm trọng.
Chiều 28/4, Mỹ gây sức ép buộc Tổng thống Trần Văn Hương từ chức, đưa Dương Văn Minh lên thay, với hy vọng kéo dài sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn. Lúc 16 giờ 25 phút ngày 28/4, một biên đội không quân ta, sử dụng 5 máy bay A37 thu được của địch, do biên đội trưởng Nguyễn Thành Trung chỉ huy, cất cánh từ sân bay Thành Sơn ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy nhiều máy bay...làm tê liệt cầu hàng không di tản của Mỹ, khiến cho tình hình Sài Gòn càng thêm rối loạn và góp phần làm suy sụp tinh thần, đẩy nhanh quá trình tan rã của chế độ Sài Gòn.
5 giờ sáng 29/4, các cánh quân của ta được lệnh tổng công kích đồng loạt trên toàn mặt trận, ngăn chặn và tiêu diệt các lực lượng chủ lực chủ yếu của địch ở vòng ngoài, phát triển thọc sâu, phối hợp với các lực lượng tại chỗ đánh chiếm những địa bàn quan trọng ở vùng ven, chuẩn bị tiến công vào nội đô.
Hướng Đông Nam, từ 4 giờ 30 phút ngày 29/4, pháo binh Quân đoàn 2 pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất; Sư đoàn 304 tiến công căn cứ Nước Trong, phát triển theo đường 15, đánh chiếm căn cứ Long Bình, phối hợp với lực lượng đặc công chuẩn bị đột phá vào nội đô. Sau khi giải quyết các mục tiêu còn lại ở Nhơn Trạch, Sư đoàn 325 diệt địch ở Thành Tuy Hạ, đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái, phát triển tiến công vào quận 9 và Bộ Tư lệnh Hải quân địch.
Hướng Đông, Quân đoàn 4 đập tan các ổ đề kháng của địch ở Hố Nai-Biên Hoà, đánh chiếm căn cứ không quân ở sân bay Biên Hoà, chiếm căn cứ pháo binh ở Hốc Bà Thức và căn cứ Long Bình.
Hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 sử dụng Trung đoàn đặc công 198 đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng; Sư đoàn 320 tiến công căn cứ Đồng Dù, diệt Sở chỉ huy Sư đoàn 25 địch; Sư đoàn 316 đánh chiếm Trảng Bàng; Sư đoàn 10 theo quốc lộ 1 tiến vào nội đô, đánh tan các cụm quân địch ở Hậu Nghĩa, Củ Chi, khu huấn luyện Quang Trung, phát triển đến Bà Quẹo.
Hướng Bắc, Quân đoàn 1 áp sát căn cứ Phú Lợi, triển khai trận địa chốt chặn trên đường 13, diệt và bắt Sở chỉ huy Sư đoàn 5 địch, thực hiện luồn sâu, mở đường tiến về Lái Thiêu.
Hướng Tây và Tây Nam (Đoàn 232), Sư đoàn 3 tiến công làm chủ thị xã Hậu Nghĩa, đánh chiếm các chi khu Đức Hoà, Đức Huệ và căn cứ Trà Cú; Sư đoàn 9 thọc sâu về hướng Bà Quẹo; các sư đoàn 5 và 8 phối hợp cắt đứt đường 4, đánh lui các đợt phản kích của địch, phát triển tiến công về hướng Bắc Cần Giuộc.
Ngày 29/4, với sức mạnh áp đảo và cách đánh hiệp đồng quân binh chủng, các cánh quân ta đã thực hiện ngăn chặn, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn lực lượng chủ yếu của địch ở vòng ngoài, mở thông cửa cho các binh đoàn chủ lực thọc sâu trên hai hướng Tây Bắc và Tây Nam vào đúng nơi quy định.
Trước tình hình nguy cấp, Tổng thống Mĩ Gerald Rudolph Ford, Jr. buộc phải ra lệnh thực hiện chiến dịch di tản gấp bằng máy bay trực thăng (mang tên chiến dịch Gió Lớn), từ trưa 29 đến sáng 30/4, sử dụng 81 trực thăng liên tục di chuyển gần 7.000 người (trong đó có hơn 1.000 người Mỹ, kể cả đại sứ Matin) ở Sài Gòn ra các tàu sân bay Mỹ đang đậu ở ngoài khơi.
Nắm chắc tình hình địch đang hoảng loạn và tan rã, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định chớp thời cơ, tiếp tục phát triển tiến công vào nội đô theo đúng kế hoạch, tập trung lực lượng đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội Sài Gòn.
Sáng 30/4, toàn bộ các cánh quân lớn của ta đồng loạt tổng công kích vào nội đô Sài Gòn, bỏ qua các vị trí không quan trọng, đồng thời sử dụng sức mạnh pháo binh, xe tăng, đập tan các cụm phòng ngự của địch trên đường tiến quân, phối hợp với các lực lượng biệt động, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu then chốt như dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu, Biệt khu Thủ đô, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh Sài Gòn... Trước sức tiến công mạnh mẽ của ta, vào lúc 9 giờ 30 phút 30/4, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố trên Đài phát thanh Sài Gòn, kêu gọi ngừng bắn để bàn giao chính quyền, nhưng không được chấp nhận. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, các cánh quân ta tiếp tục tiến công theo kế hoạch, nhằm giải tán chính quyền và đập tan triệt để mọi sự chống cự của địch.
10 giờ 45 phút ngày 30/4, lực lượng thọc sâu đánh chiếm dinh Độc Lập, buộc Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện; 11 giờ 30 phút, cờ cách mạng cắm trên nóc dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây là thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất; kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm tiến hành chiến tranh cách mạng lâu dài và gian khổ của dân tộc ta, góp phần hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất đất nước, mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước.
Cùng với các chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ..., Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã cắm mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.