Ảnh hưởng của Covid-19, có nên đưa con về Việt Nam khi đang du học?

Trên trang facebook cá nhân, ông Vũ Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) mới đây chia sẻ về việc có nên cho con đang du học ở Châu Âu về nước trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Trước những lo lắng của các bậc phụ huynh về việc có nên cho con đang du học ở Châu Âu về nước giữa đại dịch Covid-19, Phó vụ trưởng Vũ Mạnh Cường cho hay: “Mấy hôm nay bạn bè hỏi nhiều về việc có nên cho con đang du học ở Châu Âu về nước dịp này? Một câu hỏi thật khó trả lời vì mình không sống ở Châu Âu, không rõ thực tế ở đó như thế nào để đưa ra lời khuyên phù hợp.
Tháng trước, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Châu Á, thì mình đều khuyên bạn bè có con đang học ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… là cứ để các con ở lại, hạn chế tiếp xúc và áp dụng đầy đủ những khuyến cáo phòng bệnh. Tất cả các con đều đang an toàn cho đến giờ phút này.
Nhưng Châu Âu thì lại có cách ứng xử với dịch bệnh khác Châu Á, nên các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng hơn”.
Anh huong cua Covid-19, co nen dua con ve Viet Nam khi dang du hoc?
 Ông Vũ Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế). 
Ông Cường cho rằng: Quá trình di chuyển từ nơi các con học và ở đến những sân bay có chuyến bay về Việt Nam như Paris, London, Frankfurt rồi từ đó đáp máy bay về Việt Nam đều khá dài và tiềm tàng nhiều nguy cơ. Dân Tây được di chuyển tự do giữa các nước, không đeo khẩu trang. Mặc dù được Chính phủ nước họ khuyến cáo cách ly tại nhà khi có triệu chứng nhiễm bệnh, nhưng ai dám đảm bảo là 100% những người nghi nhiễm đang tự cách ly ở nhà? Thế nên nguy cơ tiếp xúc với người mang mầm bệnh trên các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, tàu hỏa; hoặc ở những nơi tập trung đông người như những sân bay hub là rất tiềm tàng.
Thứ hai là việc bay từ các nước đó về Việt Nam cũng có nguy cơ nhiễm bệnh trên máy bay. Chỉ cần một người đang bệnh ma lanh tìm cách lách qua các quy định (mang tính tự nguyện là chính) như khai báo y tế không trung thực để lên được máy bay thì toàn bộ hành khách trên chuyến bay đều có nguy cơ bị lây nhiễm. Những ca như bệnh nhân thứ 17 cho thấy khả năng bị nhiễm bệnh trên máy bay là rất hiện thực.
Theo Phó vụ trưởng, có thể rất nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao không kiểm soát chặt chẽ y tế trước chuyến bay? Người ốm thì không được cho lên máy bay chứ. Ông Cường cho rằng nếu người ta cố tình khai man để lên máy bay thì sẽ có đủ cách để qua mặt kiểm tra y tế. Chẳng hạn như ca du học sinh có biểu hiện bệnh từ Anh bay về, máy bay cất cánh được hai tiếng thì gia đình mới báo cho cơ quan y tế về tình trạng sức khỏe thật của con em mình.
Còn từ Châu Mỹ thì sao? Mỹ đã công bố tình trạng khẩn cấp và các ca bệnh đã được ghi nhận ở 47 tiểu bang. Từ Mỹ bay về Việt Nam còn dài hơn: từ 20-24 giờ và phải quá cảnh tại sân bay các nước có dịch. Bệnh nhân thứ 34 quá cảnh tại Doha ở khu vực Trung Đông nhưng vẫn bị nhiễm bệnh.
Vậy ở lại có phải là một lựa chọn không? Tùy trường hợp, tùy nước, tùy thành phố mà ở lại là sự lựa chọn không tồi.

Video "Những người lính nơi tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19". Nguồn: VTC14.

Ông Vũ Mạnh Cường tâm sự thêm: “Bạn mình có con đang làm việc tại Ý, gần tâm dịch luôn. Công ty cho nhân viên làm việc tại nhà. Cháu nói với mẹ yên tâm, con chỉ loanh quanh ở nhà, hạn chế tiếp xúc, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, nếu ra ngoài thì chỉ đi bộ tới cửa hàng mua thực phẩm và những thứ cần thiết xong lại về ngay, không tụ tập quán xá, cà phê, không đi ăn nhà hàng.
Một bạn khác có con ở Manchester (Anh), con chị trấn an khi mẹ giục về, rằng từ Man muốn về Việt Nam phải đi qua London, nơi đó đang có dịch bệnh. Ở thành phố con chị ở đang tạm thời an toàn. Cháu vẫn đi làm nhưng nếu công ty có ai ho, thì nhân sự cho nghỉ ngay. “Bọn con sẽ cẩn thận, đi máy bay bây giờ không phải là phương án tốt”, cháu nhắn cho mẹ như thế”.
Phó vụ trưởng nhận định, xét cho cùng thì về hay ở là những lựa chọn mang tính cá nhân, căn cứ vào tình hình cụ thể ở tại nơi mà các cháu đang ở cũng như điều kiện của mỗi gia đình. Nhưng nếu về, thì sự khai báo y tế trung thực trước chuyến bay và khi nhập cảnh là điều tối quan trọng mà các bậc phụ huynh cần nhắc nhở con em mình. Các cháu cũng cần chuẩn bị tinh thần để cách ly tập trung, điều kiện ở nơi cách ly đối với nhiều cháu chắc không tốt bằng ở nhà.
Khi trao đổi về chủ đề này, một người bạn khác của ông Cường chia sẻ: “Các mẹ đừng lo quá: Chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai có thể gõ cửa bất kỳ quốc gia nào. Hãy truyền cho con thêm kháng thể. Không bà mẹ nào có thể ôm con an toàn được trong vòng tay bằng chính nó. Hãy để các con tự quyết định”.
Cùng chung tay chặn đứng dịch bệnh Covid-19!
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khủy tay áo; tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng; hạn chế tiếp xúc gần trong khoảng cách 1m với người có biểu hiện sốt, ho, khó thở; thường xuyên lau chùi vật dụng bằng chất tẩy rửa thông thường; đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông. Người dân không đi du lịch đến các nước, khu vực đang có dịch Covid-19.
Thảo Nguyên

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN