Vietcombank, MB, BIDV than khó tăng trưởng cho vay

BIDV ghi nhận dư nợ cho vay giảm, trong khi MB không tăng trưởng và Vietcombank chỉ tăng ngang với mặt bằng chung của ngành trong hơn 2 tháng đầu năm.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dư nợ toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,1% trong hơn 2 tháng đầu năm, thấp hơn mức 0,85% của cùng kỳ năm 2019. Tốc độ giải ngân vốn của các TCTD chậm hơn cùng kỳ.

Chia sẻ bên lề cuộc họp thông tin về thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch Covid-19, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết thời gian qua, ngân hàng tăng trưởng cho vay xấp xỉ con số chung của toàn ngành và đang tiếp tục thúc đẩy cho vay mạnh hơn. Theo ông Thành, những tháng đầu năm cũng là thời gian người dân ít có nhu cầu vay tiền. Mặt khác, dịch Covid-19 cũng tác động đến hoạt động doanh nghiệp, gián tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu vay của nhóm khách hàng này.

Vietcombank, MB, BIDV than kho tang truong cho vay

Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành. Ảnh: Lê Hải.

Tổng giám đốc MB Lưu Trung Thái chia sẻ trong 2 tháng đầu năm, ngân hàng không tăng trưởng cho vay cùng do nguyên nhân trên. "Người dân ít có nhu cầu vay tiền vào những tháng đầu năm, điều này càng rõ hơn trong bối cảnh dịch bệnh", ông Thái nói. Dù vậy, ngân hàng không gặp khó khăn trong hoạt động.

Tại họp đại hội thường niên 2020 mới đây, Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú cho biết ngân hàng vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, dư nợ cho vay giảm 2%, huy động giảm 1,6%. Đây là xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay do tác động kép của dịch Covid-19 và nhu cầu của người dân.

Theo Vụ trưởng Vụ tín dụng (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng, dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn. Nhiều hiệp hội, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực vận tải, xi măng, da giày giáo dục… đã gửi văn bản kiến nghị tới NHNN, đề xuất các biện pháp hỗ trợ trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo báo cáo của các ngân hàng, dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là 926.000 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ. Với tính hình dịch bệnh khó khăn, nhiều khách hàng sẽ vướng vào khả năng không thể trả được nợ trong ngắn hạn, dẫn đến nợ chuyển nhóm, chịu thêm lãi phạt... Những yếu tố này là một phần nguyên nhân khiến các doanh nghiệp hạn chế đi vay và tiếp cận nguồn vốn mới.

Thông tư hỗ trợ - ‘chìa khoá’

Vừa qua, NHNN đã chính thức ban hành Thông tư về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch Covid-19, trong đó quy định các điều kiện để khách hàng được cơ cấu nợ, giảm lãi, miễn phí giao dịch.

Điều kiện thứ nhất là dư nợ phải được phát sinh từ hoạt động vay thuê, tài chính. Thứ hai là khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong giai đoạn từ 23/1 đến ngày liền sau 3 tháng từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19. Thứ ba là khách hàng vay vốn phải được đánh giá không có khả năng trả nợ ngắn hạn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Thông tư cũng quy định điều kiện các TCTD được giữ nguyên nhóm nợ với các khoản nợ được cơ cấu lại. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp tục vay mới, đồng thời các TCTD cũng có điều kiện cho vay và cân đối tài chính.

Vụ trưởng Vụ tín dụng từng chia sẻ các tổ chức tín dụng xây dựng chương trình hỗ trợ, gói tín dụng để tiếp tục đầu tư cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng giá trị là 285.000 tỷ đồng trên toàn hệ thống. Mức lãi suất sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và đơn vị bị ảnh hưởng để căn cứ, không có mức cố định. Bình quân, các tổ chức tín dụng sẽ giảm 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Trước đó, BIDV thông báo triển khai gói tín dụng hỗ trợ có quy mô 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD dành cho các khách hàng doanh nghiệp hiện hữu của BIDV có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với lãi suất cho vay giảm tối thiểu 1%/năm đối với khoản vay bằng VND và 0,5%/năm đối với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất cho vay cùng kì hạn đang áp dụng với khách hàng tại thời điểm gần nhất.

Vietcombank thông báo sẽ triển khai loạt các biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch do Covid-19 gây nên bao gồm thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn và giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu, khoản vay mới. Ngân hàng này sẽ giảm 1%/năm đối với dư nợ vay VND ngắn hạn, giảm 1,5%/năm đối với dư nợ vay VND trung dài hạn, giảm lãi suất 0,5%/năm đối với dư nợ vay USD ngắn hạn, giảm 0,75%/năm đối với dư nợ vay USD trung dài hạn.

Một loạt ngân hàng khác như VietinBank, SHB, VPBank... cũng đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi trong thời gian qua.

Theo Lê Hải/NDH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN