Toàn cảnh thời trang thế giới năm 2012 (P1)

>> "TiengAnh123.Com giúp bạn giỏi tiếng Anh – chỉ 250,000 đ /1 năm"
Versace trở lại với Tuần lễ thời trang Haute Couture

Kể từ khi Gianni Versace bị ám sát, Versace đã nói lời chia tay với sàn diễn đầy nghiệt ngã và lắm đòi hỏi của Haute Couture. Nhưng 2012, Donatella Versace, người em của Gianni Versace, người đã vực dậy niềm tự hào của xứ Florence, đã quyết định đưa cái tên Atelier Versace trở lại Tuần lễ Haute Couture Xuân Hè 2012 khó tính bậc nhất của làng thời trang. Đây được coi là một trong những sự kiện mở đầu đầy tốt đẹp cho làng mốt 2012 bởi những giới mộ điệu một lần nữa được chứng kiến những kĩ thuật may đo hoàn hảo của Versace. Cũng phải nói ngay rằng, dù không có mặt tại các Tuần lễ Haute Couture trước nhưng Donatella Versace vẫn thiết kế trang phục Haute Couture cho những vị khách hàng thân thiết.

Atelier Versace trở lại sàn diễn Haute Couture được coi là một trong những sự kiện vô cùng quan trọng năm 2012

Hedi Slimane trở thành giám đốc sáng tạo của Saint Laurent Paris

Một trong những thương vụ mercato diễn ra sớm nhất và nóng nhất của thời trang 2012, đấy chính là quyết định ra đi của nhà thiết kế người Ý Stefano Pilati sau 10 năm gắn bó với thương hiệu lừng danh Yves Saint Laurent, nay là Saint Laurent Paris. Và nhân vật được PPR, tập đoàn quản lý của Yves Saint Laurent, thông báo sẽ thay thế Stefano Pilati chính là Hedi Slimane, nhà thiết kế  người Pháp 44 tuổi. Hedi Slimane từng được biết đến vào những năm 2000 khi xây dựng thương hiệu Dior Homme trở thành một trong những thương hiệu thời trang nam bán chạy nhất thế giới. Sau đó Hedi Slimane quyết định chia tay thời trang và đến Los Angeles để theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh. 

Đây là một trong những quyết tâm thay đổi lớn của Yves Saint Laurent bởi suốt những năm do Tom Ford rồi Stefano Pilati làm giám đốc sáng tạo, nhãn hiệu này ngày càng xuống dốc.

Hedi Slimane

Saint Laurent Paris trong kỉ nguyên của Hedi Slimane

Raf Simons thay John Galliano

Sau đúng một năm tuyên bố sa thải John Galliano bởi scandal phân biệt chủng tộc của nhà thiết kế người Anh này, Christian Dior mới tìm được nhân vật thay thế John Galliano. Đó là Raf Simons, nhà thiết kế người Bỉ, một trong những tài năng lớn của thời trang đương đại. Raf Simons trước khi gia nhập đế chế Christian Dior là giám đốc sáng tạo của nhãn hiệu Jil Sander. Nhà thiết kế này cũng là người đã mang đến những thay đổi lớn lao cho Jil Sander. 

Bởi thế ngay khi thông tin này được công bố, giới thời trang nhanh chóng coi nó là một trong những sự kiện đặc biệt của thời trang 2012.

Raf Simons trong BST đầu tiên cho nhãn hiệu Christian Dior

Raf Simons đã thực hiện cuộc cách mạng tại nhãn hiệu Dior

Vogue cam kết cấm người mẫu siêu gầy

Sau một loạt những hệ lụy và những cái chết thương tâm của giới người mẫu do phải nhịn ăn, năm 2012 chứng kiến cuộc thỏa thuận của một loạt các ấn phẩm thời trang trong việc tẩy chay những cô gái siêu mỏng. Bằng chứng là đại diện 19 phiên bản Vogue, ấn phẩm được coi là cuốn kinh thánh của làng thời trang thế giới, trong đó có cả hai ấn phẩm Vogue Pháp và Vogue Mỹ, cùng họp bàn và kí một bản cấm sử dụng hình ảnh những siêu mẫu siêu gầy trên các ấn phẩm. 

Vogue cam kết sẽ không để những siêu mẫu siêu gầy lên trang bìa của 19 phiên bản của ấn phẩm nổi tiếng này

Yves Saint Laurent đổi tên thành Saint Laurent Paris

Không chỉ quyết tâm đưa thương hiệu thời trang đình đám này trở lại thời hoàn kim bằng gương mặt giám đốc sáng tạo mới Hedi Slimane. Yves Saint Laurent còn chấp nhận yêu cầu đổi tên của Hedi Slimane. Theo đó, cái tên Yves Saint Laurent sẽ được đổi thành Saint Laurent Paris nhưng logo cũ của thương hiệu vẫn được giữ nguyên. Một sự thay đổi quan trọng nữa đấy là Hedi Slimane không phải chuyển hẳn về studio của Saint Laurent tại Paris như truyền thống trước đó của nhãn hiệu. Nhà thiết kế này vẫn có thể thực hiện các sáng tạo của mình tại Los Angeles, thành phố Hedi Slimane đang gắn bó.

Cuộc cách mạng của Saint Laurent Paris để tìm lại ánh hào quang trong quá khứ