Xóa sổ SIM rác, có khả thi?

Cục Viễn thông nhiều lần yêu cầu các nhà mạng cương quyết xóa sổ SIM rác, tuy nhiên, sản phẩm này vẫn được bán tràn lan trên thị trường.

Mới đây, Cục Viễn thông thuộc Bộ TT-TT tiếp tục yêu cầu các nhà mạng cương quyết dừng hoạt động của các thuê bao có thông tin không trùng khớp thông tin đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (SIM rác).

Cụ thể, từ ngày 31/3 tới đây các nhà mạng bắt đầu khóa 1 chiều với những thuê bao có thông tin không trùng khớp với thông tin đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau đó sẽ khóa thông tin 2 chiều với những thuê bao này và sau 2 tháng sẽ chấm dứt hợp đồng nếu thuê bao không đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định, thế nhưng đến nay SIM rác vẫn được bán tràn lan. 

SIM kích hoạt sẵn vẫn được bán tràn lan

Theo ghi nhận của PV, trên mạng xã hội, các điểm bán điện thoại cũ…, SIM kích hoạt sẵn vẫn được bán tràn lan. Đơn cử tại quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh), đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), đường Nguyễn Tất Thành (quận 4)… xuất hiện hàng loạt điểm bán SIM điện thoại kích hoạt sẵn.

Xoa so SIM rac, co kha thi?
Một cửa hàng bán SIM tại TPHCM .

Thử ghé vào một điểm bán điện thoại cũ trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), SIM của các nhà mạng được bán với giá 130 nghìn đồng, có chức năng nghe gọi, 4G miễn phí tháng đầu tiên. Đáng chú ý, người bán không yêu cầu pv phải cung cấp thông tin cá nhân hay CCCD để đăng ký SIM như quy định.

“SIM đã được kích hoạt sẵn, em chỉ việc lắp vào máy và dùng thôi. Nộp tiền hằng tháng để duy trì SIM là được. Nếu muốn làm SIM chính chủ thì em mang chứng minh thư đến nhà mạng để đổi, nhanh lắm” - anh K., một người bán SIM tại đây nói.

Còn trên mạng xã hội Facebook hay Shopee, Lazada, Tiki... SIM kích hoạt sẵn cũng được bán tràn lan, với giá siêu rẻ, muốn mua bao nhiêu cũng có. Cụ thể, trên trang Shopee SIM Viettel kích hoạt sẵn, có tất cả các gói V120N, V50C, V90C… giá bán chỉ 89.000đ.

Anh Ngọc Hải (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết, vừa qua anh mua một SIM điện thoại trên mạng xã hội Facebook. Người bán khẳng định đây là loại SIM 4G mới, chưa được kích hoạt với giá 150.000 đồng, mỗi tháng được tặng 60 GB, miễn phí nội mạng và 50 phút gọi ngoại mạng.

“Khi nhận hàng, tôi lắp vào máy và kiểm tra thông tin thuê bao thì phát hiện đây không phải SIM mới mà đã được kích hoạt sẵn. Phản ánh với người bán thì không nhận được hồi âm. Khi sử dụng, SIM cũng không được miễn phí cước gọi hay 60 GB hằng tháng, mà là loại SIM thông thường” - anh Hải nói và cho biết thêm, từ khi lắp và sử dụng SIM này, anh luôn bị làm phiền bởi hàng chục cuộc điện thoại gọi đòi nợ, chào mời quảng cáo, dù anh đã đăng ký lại chính chủ sau hơn hai tuần sử dụng. 

Trách nhiệm xóa sổ SIM rác thuộc về các công ty viễn thông

Theo Cục Viễn thông, việc rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông di động để đảm bảo trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hoạt động cần thiết, phải có sự tham gia, phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử các hành vi sử dụng SIM điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định để thựlý c hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hoá, trái với thuần phong mỹ tục…

Xoa so SIM rac, co kha thi?-Hinh-2
 SIM Viettel kích hoạt sẵn, có tất cả các gói V120N, V50C, V90C… giá bán chỉ 89.000đ được rao bán trên trang Shopee.

Luật sư Nguyễn Văn Lập, Đoàn Luật sư TPHCM nhận định: Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động là hoạt động cần thiết nhằm chấm dứt tình trạng thuê bao di động không khai báo thông tin, hoặc thông tin không chính xác đang lưu hành trên thị trường.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Nghị định 49, hành vi sử dụng giấy tờ của người khác (kể cả được cho mượn) hay chuyển SIM mình đăng ký cho người khác sử dụng mà không giao kết lại hợp đồng sẽ chịu xử phạt vi phạm hành chính đến 500.000 đồng.

Ngoài ra, theo Cục Viễn thông, khi xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, các vụ án có liên quan tới số thuê bao di động do cá nhân hay tổ chức đứng tên chủ thuê bao, nhưng không trực tiếp sử dụng mà lại cho người có hành vi vi phạm pháp luật sử dụng, thì người đứng tên chủ thuê bao có trách nhiệm giải trình và chứng minh mình vô can khi cơ quan chức năng yêu cầu, thậm chí phải chịu trách nhiệm liên đới về hình sự nếu như hành vi vi phạm này gây hậu quả nghiêm trọng.

Dư luận đặt câu hỏi: Việc chuẩn hóa thông tin SIM điện thoại là trách nhiệm của các công ty viễn thông vì đã cung cấp dịch vụ không đúng quy định, song vẫn hoài nghi cách xử lý quyết liệt của các nhà mạng vì không biết đây là lần thứ bao nhiêu, các nhà mạng “dùng đòn roi” với SIM rác nhưng rồi đâu lại… hoàn đấy.

Hữu Thông

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN