Xe buýt điện có đạt mục tiêu kép về giao thông và môi trường?

Bộ GTVT đồng thuận với đề xuất sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại Hà Nội và TP HCM...
 
Buýt điện kết nối với các tuyến xe buýt khác, tạo thành hệ thống đồng nhất
Báo cáo từ Sở TN-MT TP Hà Nội cho thấy, từ năm 2019 đến nay, chất lượng không khí trên địa bàn có xu hướng xấu đi, nhất là vào những ngày trời nhiều mây và tình hình chỉ được cải thiện khi có mưa xuống. Cùng đó, vào tháng 12/2019, Sở này đã chỉ ra 12 nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm môi trường, trong đó sự gia tăng của phương tiện giao thông, đặc biệt là các phương tiện cũ nát không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải được đánh giá là một trong những nguyên nhân hàng đầu.
Cùng đó, hoạt động vận tải khách công cộng cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với xe buýt. Dù Hà Nội và TP HCM có nhiều chính sách ưu đãi, trợ giá nhưng vẫn không hút được hành khách, sản lượng vận tải không những không tăng đúng theo lộ trình, nhiều thời điểm còn sụt giảm, hành khách quay lưng với xe buýt.
UBND TP Hà Nội cũng xây dựng nhiều chương trình, giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường và tăng sức hút cho xe buýt trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, đối với việc ô nhiễm do sự phát triển mạnh của phương tiện cá nhân, Hà Nội đã giao các đơn vị xây dựng Đề án hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường sử dụng VTKCC, phát triển mạng lưới vận tải khách số lượng lớn như buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị, ưu tiên hệ thống phương tiện xe buýt thân thiện với môi trường như xe điện, xe chạy bằng năng lượng CNG. Hà Nội cũng khuyến khích và ủng hộ việc hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe máy mới để giảm thiểu tình trạng phương tiện cũ nát, không đảm bảo về tiêu chuẩn khí thải.
Bộ GTVT cũng có văn bản cho ý kiến về việc Hà Nội và TP.HCM phát triển hệ thống xe buýt điện. Tại văn bản này, Bộ GTVT cho hay, việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chạy bằng năng lượng điện (xe buýt điện) phù hợp với các chiến lược và quy định hiện hành. Do vậy, Bộ GTVT đồng thuận với đề xuất sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại TP Hà Nội và TP.HCM.
Mới đây, UBND TP Hà Nội giao các đơn vị báo cáo thành phố về Đề án đầu tư phương tiện, tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch (xe điện) có trợ giá.
Xe buyt dien co dat muc tieu kep ve giao thong va moi truong?
 Bộ GTVT cho hay, việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chạy bằng năng lượng điện (xe buýt điện) phù hợp với các chiến lược và quy định hiện nay.
Còn tại TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM cũng kiến nghị UBND TP.HCM thí điểm triển khai 5 tuyến xe buýt điện có trợ giá. Phương tiện sử dụng là loại xe điện có sức chứa từ 65-70 chỗ (đứng và ngồi), dự kiến đầu tư 77 xe.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP HCM cho biết, các tuyến buýt điện nằm trong danh mục quản lý mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng của thành phố, đi qua các tuyến đường lớn, đông dân cư và sẽ phục vụ tất cả người dân sinh sống dọc các tuyến đường đó.
"Quan trọng hơn, các tuyến buýt điện sẽ kết nối với các tuyến xe buýt khác để tạo thành hệ thống mạng lưới xe buýt đồng nhất, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân thành phố", ông Hải nói. 
Cần có chính sách cụ thể để ưu tiên, khuyến khích xe buýt điện
Bày tỏ quan điểm về việc Hà Nội và TP.HCM sắp triển khai một loạt tuyến xe buýt điện, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho hay, tại hầu hết các văn bản chỉ đạo về ATGT hay tại các hội nghị ATGT toàn quốc được tổ chức hàng quý, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đều chỉ đạo, các đô thị lớn đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM cần tập trung vào nhóm giải pháp chống ùn tắc giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ các hoạt động giao thông trong đô thị. Trong đó cần định hướng phát triển vận tải hành khách công cộng, nhất là phương thức VTHKCC thân thiện với môi trường, giảm phát thải.
Việc UBND TP Hà Nội và TP.HCM có chủ trương, xem xét việc chấp thuận để Vingroup cũng như các nhà đầu tư khác, đầu tư vận hành các tuyến xe buýt chạy bằng năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng điện không phát thải là rất hợp lý. Đây là hướng đi đúng, nhất là khi hiện nay, ô nhiễm không khí do hoạt động của các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở mức báo động”, ông Hùng nhìn nhận.
Cũng theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, thời gian qua, Hà Nội và TP.HCM là những thành phố đứng top đầu về ô nhiễm môi trường trên thế giới. Vì vậy, việc đầu tư khai thác xe buýt điện là đúng hướng.
“Ngay trong dự thảo Luật GTĐB sửa đổi cũng đã đưa những chính sách tương đối rõ ràng trong việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển phương tiện vận tải khách công cộng, trong đó có phương tiện thân thiện với môi trường. Tôi cho rằng, với những cơ chế chính sách như hiện nay thì Ủy ban ATGT quốc gia rất mong muốn Chính phủ và các thành phố quan tâm đến các phương tiện chạy bằng điện, phương tiện thân thiện với môi trường, phát thải ra môi trường thấp so với các phương tiện chạy diezel truyền thống", ông Hùng nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội VTKCC Hà Nội bày tỏ ủng hộ việc phát triển mạng lưới VTKCC bằng xe buýt điện, thân thiện với môi trường. Còn việc triển khai trong thực tế thế nào cần trông chờ vào cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương, phải tạo ra được sân chơi để phát triển loại hình này.
“Với vai trò Hiệp hội VTKCC, chúng tôi mong muốn càng có nhiều phương tiện hiện đại, thân thiện với môi trường tham gia vận tải khách công cộng, góp phần nâng cao chất lượng của xe buýt trong mắt người dân”, ông Thông bày tỏ.
Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, Chính phủ và các thành phố nên có chính sách cụ thể hơn như về thuế, ưu tiên về thuê đất, cơ sở hạ tầng công cộng… Bởi, bản chất cuối cùng không phải là ưu tiên cho doanh nghiệp mà là giúp cho người dân được sử dụng dịch vụ VTKCC thân thiện với môi trường hơn, an toàn hơn và phù hợp với điều kiện kinh tế của đa số người dân.
Theo Trần Duy/Báo Giao Thông

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN