Vụ thu hồi đất dự án Khu du lịch Diamond Bay resort & spa Nha Trang: 20 năm chưa giải quyết xong vụ khiếu nại

Trong 20 năm qua, nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất làm Khu Du lịch và giải trí Sông Lô (nay là Khu du lịch Diamond Bay resort & spa Nha Trang) ở TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, liên tục khiếu nại, tố cáo dấu hiệu sai phạm về thu hồi đất và sử dụng đất của dự án này.

Năm 2003, dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô được giao cho Công ty TNHH Hoàn Cầu (gọi tắt Công ty Hoàn Cầu) của gia đình cố đại gia bất động sản Trần Thị Hường (hay còn gọi bà Tư Hường) với diện tích hơn 180ha.

Gần 20 năm qua, người dân ở TP. Nha Trang liên tục khiếu nại, tố cáo các dấu hiệu sai phạm về thu hồi đất và việc sử dụng đất làm dự án của công ty trên.

Vu thu hoi dat du an Khu du lich Diamond Bay resort & spa Nha Trang: 20 nam chua giai quyet xong vu khieu nai

Đất thu hồi của người dân để làm Khu Du lịch và giải trí Sông Lô (nay gọi là Khu du lịch Diamond Bay resort & spa Nha Trang) làm biệt thự và sân golf Ảnh: LỮ HỒ

Đến tháng 6/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, rà soát các phản ánh, kiến nghị của một số người dân tại dự án.

Cùng tháng 6/2020, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo giải quyết phản ánh, kiến nghị của một số hộ dân ở TP. Nha Trang liên quan dự án.

Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng, ông Lưu Bình Nhưỡng dẫn lại phản ánh của người dân cho biết: Tỉnh Khánh Hòa có sai phạm trong việc thu hồi đất, vì đã không ban hành các quyết định thu hồi đất của các hộ dân; quá trình thu hồi đất đai của rất nhiều hộ dân không đảm bảo căn cứ, cơ sở pháp lý căn bản, trong đó không công khai bản đồ quy hoạch dự án, từ đó dẫn đến sự tùy tiện; một số tài liệu liên quan đến khu đất dự án có dấu hiệu bị giả mạo…

Sau đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (khi còn đương chức) có ý kiến giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT, UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, rà soát về những nội dung phản ánh, kiến nghị của một số hộ dân liên quan đến dự án này. Từ đó cho đến nay, đoàn kiểm tra của Thanh tra Chính phủ chưa công bố kết luận về việc kiểm tra, rà soát một số nội dung phản ánh, kiến nghị của một số hộ dân liên quan dự án.

Nhiều cơ quan Trung ương vào cuộc kiểm tra

Ngày 24/12/2019, sau khi thực hiện giám sát theo đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Thu Hà (người có đất bị thu hồi tại dự án Khu Du lịch và giải trí Sông Lô), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, các cơ quan tham gia giải quyết (gồm UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ TN-MT, Thanh tra Chính phủ) chưa làm rõ vị trí, mốc giới và diện tích thu hồi đất của dự án.

Tiếp người dân có đất bị thu hồi tại dự án Sông Lô vào năm 2019, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các ngành kiểm tra xem có hay không việc chủ đầu tư (Công ty Hoàn Cầu) thay đổi pháp nhân, bán dự án cho chủ đầu tư khác.

“Vụ việc này kéo dài, bao nhiêu đoàn thanh, kiểm tra của Trung ương về làm rồi, nhưng bà con vẫn chưa chấp nhận. Chuyện quá lâu, người dân có ý kiến khiếu nại, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải giải thích, giải quyết hài hòa các mối quan hệ, đặc biệt là quyền lợi của các hộ dân bị thu hồi đất” - ông Tuân nói.

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, người dân phản ánh thu hồi đất nhưng không có quyết định thu hồi thì phải xem lại vào thời điểm thu hồi, giao đất, đối chiếu quy định pháp luật. “Tại sao thu hồi đất mà bỏ hoang? Tại sao vẫn còn đất 20 năm qua vẫn chưa thu hồi? Còn cấp “đất ở không hình thành đơn vị ở” đã bỏ rồi và cấp rồi thì chuyển ngược qua đất kinh doanh, thương mại. Cấp sai là phải thu hồi” - ông Tuân khẳng định.

Trong dự thảo báo cáo về dự án gửi đến Đoàn kiểm tra Thanh tra Chính phủ mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ nêu thông tin về dự án, trình bày việc giải quyết khiếu nại... mà không đề cập đến quá trình thực hiện dự án có thiếu sót, sai phạm gì hay không...

Còn theo hồ sơ phóng viên Tiền Phong thu thập được, dù chưa có quy định trong Luật Đất đai, nhưng vào tháng 7/2015 UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn ra quyết định cho phép Công ty Hoàn Cầu Nha Trang (công ty con của Công ty Hoàn Cầu) được chuyển 254.714m2 đất sản xuất kinh doanh tại dự án sang “đất ở không hình thành đơn vị ở”. 

Lữ Hồ/Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN