Đến ngày 6.9, dù nhiều cơ quan chức năng đã lên tiếng trấn an người dân “không nên quá lo” về nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông, nhưng nhiều hộ dân quanh khu vực này vẫn tiếp tục sơ tán và yêu cầu bồi thường.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ngày 6.9 khu vực quanh hiện trường vụ cháy ở Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) vắng người qua lại. Nhiều ngôi nhà khóa cửa, nhiều cửa hàng ngừng hoạt động vì không còn khách. Những người ở lại đeo khẩu trang, có người đeo mặt nạ phòng độc khi ra ngoài.
Dân gửi đơn đề nghị khẩn cấp
Bà Chu Thị Cảnh, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 24, P.Thanh Xuân Trung (Q.Thanh Xuân), dẫn chúng tôi về khu đô thị 54 Hạ Đình nằm sát tường rào nhà kho bị cháy. Đứng trên tầng 2 những ngôi nhà ở đây thấy toàn bộ khu nhà xưởng sập đổ ngổn ngang sau vụ cháy.
Theo bà Cảnh, ngoài thông báo người dân ra trạm y tế để kiểm tra sức khỏe miễn phí từ sáng 6.9, những ngày trước đó người dân tại đây chưa được hướng dẫn nào từ cơ quan chức năng để bảo vệ sức khỏe. Thông tin chủ yếu tiếp nhận qua báo đài.
Người dân trong vùng có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân được khám, xét nghiệm miễn phí
|
Bà Cảnh và các đoàn thể đi vận động người dân đóng kín cửa nhà, khi ra ngoài phải đeo khẩu trang. Lo ngại tình trạng ô nhiễm sau vụ cháy, hàng trăm gia đình đã sơ tán đi nơi khác. “Khu nhà A2 có 162 hộ thì quá nửa đã đi. Có nhà đi cả. Có nhà ưu tiên người già, trẻ nhỏ. Dãy nhà liền kề này có đến 31 nhà khóa cửa, đi ở chỗ khác”, bà Cảnh nói.
Trong số ít người còn ở lại, bà Đặng Thị Chuyền (số nhà 99, khu liền kề khu đô thị 54 Hạ Đình) nói không phải nhà nào cũng có điều kiện đi tìm nơi ở tạm. Sau vụ cháy, mùi hóa chất vẫn nồng nặc bốc lên theo chiều gió tạt về dãy nhà. Những hộ ở lại phải đóng kín cửa, không dám mở ra.
Ngay sau khi nhận thông tin được khám sức khỏe miễn phí, rất đông người dân đã đến UBND phường để khám, nhưng nhiều người tỏ ra thất vọng vì chỉ được khám qua loa. “Nguyện vọng của chúng tôi là có xét nghiệm máu, phân tích nước tiểu để biết rõ mức độ ảnh hưởng. Còn ra trạm y tế phường chỉ nghe tim, nghe phổi thì chúng tôi không đi”, bà Chuyền nói.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổ trưởng tổ dân phố 24, P.Thanh Xuân Trung, xác nhận tổ có 175 hộ gia đình thì trên 50% hộ dân đã đưa người thân đi sơ tán, tránh xa khu vực ô nhiễm. Thông tin chính thức về mức độ ô nhiễm môi trường sau vụ cháy không được công khai càng làm người dân thêm nghi hoặc, hoang mang.
Ngày 5.9, đại diện chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng dân phố 24 và 25 đã có đơn đề nghị khẩn cấp gửi UBND P.Thanh Xuân Trung, UBND Q.Thanh Xuân và lãnh đạo Công ty Rạng Đông. “Chúng tôi đề nghị khẩn trương đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường trung thực, khách quan để công bố cho người dân; sớm có biện pháp tẩy độc ô nhiễm môi trường xung quanh vụ cháy. Doanh nghiệp (DN) phải đền bù thỏa đáng cho người dân về thiệt hại sức khỏe, tinh thần, vật chất của người dân do vụ cháy gây ra”, bà Huyền nói.
Người dân có được bồi thường?
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 6.9, luật sư (LS) Nguyễn Minh Đức, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, cho rằng Công ty Rạng Đông sẽ phải bồi thường theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Người dân phải thống kê các thiệt hại về tài sản, sức khỏe như chi phí khám chữa bệnh; thời gian đóng cửa hàng; số ngày phải nghỉ việc; ảnh hưởng của việc phải đi sơ tán; thậm chí cả việc giảm giá trị tài sản…
Người dân có thể yêu cầu bồi thường, nếu DN không chấp nhận thì kiện ra tòa. Theo luật Dân sự, chủ thể làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường, kể cả khi chủ thể đó không có lỗi (điều 602), đồng nghĩa với việc nguyên nhân đám cháy có là gì thì Công ty Rạng Đông vẫn phải bồi thường. Tuy nhiên, cái làm người dân nản lòng sẽ là trình tự, thủ tục khởi kiện.
Theo LS Đức, hệ thống tố tụng dân sự của VN “có một lỗ hổng chết người” là không cho khởi kiện tập thể, nên từng người dân phải làm việc này một cách đơn lẻ. “Việc thống kê thiệt hại, làm thủ tục khởi kiện không phải ai cũng biết. Vụ kiện Công ty Vedan làm ô nhiễm sông Thị Vải, một lượng lớn LS đã được huy động để giúp người dân. Trong vụ cháy này, nếu thiệt hại của người dân là không cụ thể, bà con lại không hiểu trình tự, thủ tục hay đối mặt với một vụ kiện kéo dài, thì nhiều người không muốn kiện, dù khả năng thắng rất cao”, LS Đức nhận định.
Đáng lưu ý, không chỉ người dân mà UBND P.Thanh Xuân Trung, P.Hạ Đình, hay Q.Thanh Xuân, thậm chí UBND TP.Hà Nội cũng có thể đòi Công ty Rạng Đông bồi thường vì làm xấu đi môi trường sống nói chung. Điều này đã được quy định tại Nghị định 03/2015. Tuy nhiên, LS Đức cho rằng khó trông chờ một cơ quan nhà nước đứng ra “ôm rơm” để đòi một quyền lợi không thuộc về họ một cách rõ ràng.
Cần buộc di dời cơ sở là nguồn gây ô nhiễm
Ngoài việc bồi thường thiệt hại, thì điều khiến người dân quan tâm hơn hiện nay là khôi phục môi trường sống bình thường cho họ thế nào, và liệu họ có phải đối mặt với một sự cố khác tương tự không nếu Công ty Rạng Đông vẫn ở giữa khu dân cư? Theo LS Đức, theo pháp luật hiện hành, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ... có thể khởi kiện để yêu cầu Công ty Rạng Đông rời khỏi khu dân cư, hoặc phải phục hồi môi trường sống nguyên vẹn.
Công ty Rạng Đông sẽ phải chịu toàn bộ chi phí khắc phục ô nhiễm theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy vậy, đây là điều không dễ cả về mặt kỹ thuật lẫn kinh phí, và Công ty Rạng Đông chưa chắc đủ năng lực làm việc này. Trong trường hợp đó, LS Đức cho rằng chính quyền có thể vào cuộc xử lý và chi phí sẽ do Công ty Rạng Đông thanh toán.
Liên quan đến việc làm sạch môi trường, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô làm việc với Bộ Tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng) để tẩy độc nhà máy và khu vực trong bán kính 500 m, nếu có các chỉ tiêu độc hại vượt mức cho phép.
Ông Chung cũng đã đề nghị “nhà máy nên có phương án di dời ra nơi sản xuất mới”, “chúng ta không nên để cái kho có hóa chất này gần người dân”.