Theo đại diện Bệnh viện Bạch Mai, từ ngày 30/8 (sau vụ cháy Công ty Rạng Đông 2 ngày) đã có khoảng 22 người (trong đó có 10 phóng viên tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường, 10 chiến sỹ cứu hỏa tham gia trực tiếp chữa cháy và 2 người dân sống ở lân cận) đến Trung tâm chống độc khám, kiểm tra vì lo lắng mình bị nhiễm độc hóa chất sau vụ cháy. Các trường hợp trên có biểu hiện như: Chóng mặt, tức ngực, buồn nôn, đau đầu… Tuy nhiên đa số đã ổn định, hết các triệu chứng lo ngại.
Tính đến thời điểm hiện tại Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận hơn 100 trường hợp đến khám và xét nghiệm thủy ngân máu trong đó một số người đã được lấy nước tiểu để xét nghiệm thủy ngân, kèm theo một số xét nghiệm khác, như: công thức máu, urea, creatinin, men gan, bilirubin, điện tim, một số được chụp X-quang phổi và methemoglobin (metHb), carboxyhemoglobin (HbCO).
|
Những người đến khám sức khỏe, xét nghiệm sau vụ cháy ở công ty Rạng Đông. |
Xét nghiệm thủy ngân trong máu đã được Trung tâm Chống độc gửi mẫu đến Viện Hóa học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Đến nay có 82 trường hợp cho kết quả có nồng độ thủy ngân trong máu thấp dưới 10 mcg/L (mức tối đa cho phép), 18 người còn lại chưa có kết quả.
Hiện Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục duy trì kết nối với các cơ sở y tế để tư vấn chuyên môn, hội chẩn, phối hợp trong việc đánh giá, chẩn đoán và điều trị các trường hợp theo dõi, nghi ngờ ngộ độc phức tạp.
Theo Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai, trong vụ cháy lớn như tại công ty Rạng Đông nạn nhân sẽ có thể phải đối diện với các nguy cơ bị ngộ độc khí (CO), hơi nóng, ngộ độc thủy ngân, lưu huỳnh...
Nguy cơ ngộ độc lớn nhất là khi đang xảy ra đám cháy với nhiệt độ nóng cao (trong đó có lính cứu hóa, người tham gia chữa cháy...), nếu người dân hít phải khói, trong khói có thể chứa nhiều chất kích ứng đường hô hấp, khí CO gây ngộ độc; hơi nóng cũng nguy hiểm gây bỏng hô hấp. Thời gian tiếp xúc càng lâu thì khả năng ngộ độc càng cao.
Ngoài ra còn có một số yếu tố khác như chiều gió, hướng gió, nếu đứng xuôi chiều gió mà hít phải khí từ đám cháy thì nguy cơ gây độc lớn hơn. Bên cạnh đó là vấn đề tuổi tác, trẻ em hoặc những người hoạt động mạnh hít phải khí nhiều hơn cũng dễ ngộ độc hơn...
“Nguy cơ ngộ độc sẽ có nhưng có thể cao hoặc thấp, tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Những người ở khoảng cách xa, không hít phải hơi nóng, khói cháy thì nguy cơ nhiễm độc thủy ngân sẽ thấp hơn Những người thuộc nhóm nguy cơ cao như lính cứu hỏa, công nhân trong môi trường đó hay người dân trực tiếp tham gia cứu hỏa, người ở lâu trong môi trường cháy, hít nhiều phải khí hơi nóng nên đi kiểm tra sức khỏe”- bác sĩ Nguyên cho biết.
Hiện chưa thể khẳng định chính xác khả năng nhiễm độc thuỷ ngân cũng như các chất khác đối với người dân ở khu vực xảy ra cháy và xung quanh, tuy nhiên bác sĩ Nguyên khuyến cáo những người có biểu hiện bất thường như khó chịu trong người, ho nhiều, tức ngực, đau bụng, nôn, choáng váng, tê chân tay... thì nên đi kiểm tra sức khỏe.
Với các trường hợp ở xa khu vực cháy và không hít phải hơi nóng, khói cũng như không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe... thì việc đi kiểm tra là không cần thiết.
Trước đó trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 4/9, nói về kết quả quan trắc môi trường - đặc biệt về hàm lượng thủy ngân sau vụ cháy Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết vùng có nguy cơ ô nhiễm trong bán kính 500m. Theo các nhà khoa học, ước tính đã có khoảng từ 15,1-27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường sau vụ cháy.