Nhu cầu đi lại ngày càng cao
Sân bay Côn Đảo giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phòng thủ phía Đông Nam của đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hiện, sân bay Côn Đảo đang được sử dụng khai thác hỗn hợp dân sự - quân sự.
Về du lịch, Côn Đảo không chỉ là địa điểm thu hút khách du lịch nghỉ dưỡng thuần túy mà còn là điểm du lịch tâm linh, bà con khắp nơi trong cả nước đến viếng hương hồn các liệt sĩ đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến.
|
Sân bay Côn Đảo hiện chỉ tiếp nhận máy bay nhỏ |
Theo thống kê của UBND huyện Côn Đảo, chỉ tính riêng năm 2022, huyện này đón, phục vụ hơn 523 ngàn lượt khách, tăng hơn 110% so với cùng kỳ, trong đó có hơn 9 ngàn lượt khách quốc tế. Dự báo trong tương lai, lượng khách du lịch đến Côn Đảo cao gấp nhiều lần hiện nay.
Tuy nhiên, do thiết kế cũ đã khá lạc hậu nên trong thời gian vừa qua sân bay Côn Đảo chỉ khai thác máy bay nhỏ, giới hạn số lượng hành khách và dẫn đến hạn chế quyết định của nhiều người dân muốn đến Côn Đảo du lịch.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách Khoa TP HCM, sân bay Côn Đảo bản chất là tận dụng sân bay quân sự xây dựng từ thời Pháp. Đến năm 2003, sân bay này được nâng cấp lên 3C và cấp II quân sự, đủ điều kiện tiếp nhận máy bay ATR72, F70 và tương đương.
Do vậy, sân bay Côn Đảo có đường băng cất hạ cánh khá ngắn và bé với độ dài là 1.830m, rộng 30m, 3 sân đậu máy bay, nhà ga diện tích 3.792m2 bảo đảm phục vụ cùng lúc 200 hành khách.
Đến năm 2006, các hạng mục như: Kết cấu đường cất hạ cánh tiếp tục được cải tạo, xây dựng đài kiểm soát không lưu, thiết bị đồng bộ, mở rộng nhà điều hành, nhà ga hành khách lên 300 ngàn hành khách/năm.
Tuy nhiên, địa hình sân bay Côn Đảo nằm ở giữa thung lũng, hai bên là núi cao và hai đầu giáp biển, thường có gió giật mạnh khi thời tiết xấu, hệ thống đèn hiệu không đủ an toàn bay đêm nên thời gian khai thác sân bay Côn Đảo hiện nay chỉ đạt 12 giờ mỗi ngày.
Đầu tư nâng cấp toàn diện sân bay Côn Đảo
Về nâng cấp sân bay Côn Đảo, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cho biết, vừa qua, Bộ Giao thông – Vân tải đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và phê duyệt dự án để triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, theo kế hoạch thì hạng mục nâng cấp, mở rộng đường băng cất hạ cánh vẫn giữ nguyên theo chiều dài đường băng cũ là 1.830m và dự kiến tiếp nhận máy bay Airbus A320, A321, nhưng trong điều kiện thời tiếp xấu rất khó tiếp nhận.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần phải nâng cấp toàn diện, kéo dài đường băng để tiếp nhận máy bay Airbus A320, A321 trong điều kiện bình thường.
|
Đầu tư, nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo là cần thiết |
Mới đây, tại cuộc họp về đầu tư, nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhận định, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo đồng bộ đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ khác để thành cảng hàng không có tầm cỡ quốc gia là cần thiết.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải lập phương án đầu tư tổng thể, đồng bộ các hạng mục cả đường cất hạ cánh, nhà ga, đường lăn, thẩm định tính toán hiệu quả đầu tư kinh doanh.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ động kêu gọi, thu hút nhà đầu tư; triển khai nghiên cứu đầu tư, đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và khả năng huy động nguồn vốn; xây dựng đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) khai thác cảng hàng không Côn Đảo.
Sau khi hoàn thành thủ tục, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất với Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chính thức giao Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Về kêu gọi nhà đầu tư dự án, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cho biết, trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhận được 2 đề xuất tham gia dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Côn Đảo theo hình thức PPP, trong đó có đề xuất của doanh nghiệp rất “nặng ký” là Công ty CP Tập đoàn Mặt trời (Sun Group).
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2018, sân bay Côn Đảo sau khi nâng cấp, đạt cấp 4C.
Đây là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự (sân bay quân sự cấp 2), có công suất thiết kế 2 triệu khách một năm; 8 vị trí đỗ máy bay; diện tích đất dự kiến 141ha, chi phí đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng.