Những con số kinh hoàng về TNGT trên Quốc lộ 5
Ba vụ tai nạn giao thông xảy ra liên tiếp tại Quốc lộ 5 (đoạn qua địa phận huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) trong sáng sớm ngày 23/7 vừa qua khiến 7 người chết, 2 người bị thương là một sự ám ảnh với người dân khi lưu thông trên “con đường nguy hiểm” này.
Trước đó, đầu năm 2019, tại xã Kim Lương (huyện Kim Thành) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông vô cùng thảm khốc khi một chiếc xe tải lao vào đoàn cán bộ xã Kim Lương đang đi bộ ven QL5 sau khi đi viếng nghĩa trang liệt sĩ về khiến 8 người tử vong.
Mới đây, Ủy ban ATGT quốc gia vừa công bố số liệu thống kê về tình hình TNGT trên tuyến QL5 mới thực sự khiến dư luận bàng hoàng.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tuyến QL5 xảy ra 47 vụ TNGT, làm chết 53 người và bị thương 32 người. Trong đó, đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Hải Dương dài 44 km xảy ra đến 27 vụ TNGT, làm chết 38 người và bị thương 24 người.
Tiếp theo lần lượt là Hải Phòng (8 vụ, 6 người chết, 2 người bị thương); Hưng Yên (8 vụ, 5 người chết, 6 người bị thương); Hà Nội (4 vụ, 4 người chết, không có người bị thương).
|
Hiện trường vụ tai nạn 5 người chết tại Hải Dương. |
Thống kê năm 2018 cũng cho thấy, toàn tuyến QL5 xảy ra 81 vụ TNGT, làm chết 67 người và bị thương 45 người. Trong đó, đoạn tuyến qua tỉnh Hải Dương đứng đầu với 30 vụ TNGT, làm chết 30 người và bị thương 13 người.
Tai nạn giao thông trên QL5 vẫn có thể xảy ra bất cứ khi nào?
Những số liệu thống kê về tai nạn giao thông tại QL5 trong 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, đây không chỉ là con đường nguy hiểm mà còn là con đường tử thần bởi do nhiều bất cập đang tồn tại khiến nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ khi nào, khiến người dân đặc biệt lo lắng khi lưu thông trên tuyến Quốc lộ này.
Quốc lộ 5 đi qua địa phận tỉnh Hải Dương dài hơn 44km. Dù là tuyến đường huyết mạch có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất lớn, tuy nhiên đã được đưa vào khai thác sử dụng từ lâu, sau nhiều lần sửa chữa nâng cấp nhưng đến nay cơ sở hạ tầng giao thông xuống cấp nhiều nơi, mặt đường trồi lún ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Trong báo cáo số 307 gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình – Chủ tịch UBATGT Quốc gia, Bộ GTVT và báo cáo số 331 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT, UBND tỉnh Hải Dương cho biết, hiện đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Hải Dương có 170 lối đi dân sinh và 36 đường ngang.
Trong đó, riêng đoạn tuyến qua huyện Kim Thành dài 17 km, có đường sắt Gia Lâm – Hải Phòng chạy song song có đến 130 lối đi dân sinh và 15 đường ngang đấu nối từ các công trình công cộng của địa phương, đường huyện, xã, thôn xóm…cắt qua đường sắt, trực tiếp ra quốc lộ 5.
Bên cạnh đó, Quốc lộ 5 như một tuyến đường đô thị do dân cư sống hai bên đông đúc. Nhiều vị trí trên QL5 người dân thường mở lối sang đường dù đã được cảnh báo về nguy cơ mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, do không còn cách nào khác, hàng ngày người dân vẫn phải lưu thông trên tuyến Quốc lộ này.
Khảo sát của PV, lối mở tại điểm giao cắt tại Km 63+300 trên QL5 đi qua xã Cộng Hòa – nơi xảy ra vụ tai nạn xe tải lật đè chết 5 người đang chờ sang đường) đã có từ lâu và là lối đi của người dân Lai Khê (xã Cộng Hòa) qua QL5.
Ngoài ra, trên tuyến QL5 đoạn qua địa phận tỉnh Hải Dương tồn tại hàng loạt những lối mở luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nhưng không được xóa bỏ, luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Bên cạnh đó, nhiều điểm giao cắt giữa các tuyến đường với Quốc lộ 5 cũng tiềm ần nguy cơ tai nạn cao như nút giao nối đường từ xã Hồng Lạc (huyện Thanh Hà) trực tiếp ra QL5 tại khu vực gần cầu Lai Vu, lối mở tại ga Phú Thái (huyện Kim Thành) và nhiều lối mở tự phát không gờ giảm tốc, không biển hạn chế giảm tốc độ khiến nguy cơ TNGT có thể xảy ra bất cứ khi nào và hậu quả có thể cũng sẽ thảm khốc như vụ tai nạn vừa mới xảy ra tại km 63+530 QL5.
Trong khi đó, tuyến Quốc lộ 5 hiện đang trong tình trạng quá tải do lượng phương tiện lưu lượng giao thông rất lớn (khoảng 50.000 xe/ngày đêm, trong khi đó lưu lượng thiết kế 10.000 - 15.000 xe/ngày đêm.
Trong số đó, hơn 50% số phương tiện là xe tải trên 10 tấn, xe container có tải trọng lớn. Cùng với đó, ý thức của người tham gia giao thông rất kém, điều khiển phương tiện container, xe tải, xe khách chạy ẩu, lấn làn, quá tốc độ cho phép, sử dụng chất kích thích… cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm.
Một điều bất cập là Quốc lộ 5 hiện đang xuống cấp, lưu lượng phương tiện lưu thông lớn gấp 3 lần lưu lượng thiết kế, tuy nhiên, quy định tốc độ lưu thông lại chưa hợp lý khi theo quy định hiện hành, xe ô tô con từ 5 đến 9 chỗ được chạy với tốc độ tối đa 90 Km/h, xe khách, xe tải, được chạy tốc độ đến 80 km/h, khu vực đông dân cư tốc độ tối đa 50 km/h.
Trong khi đó, do đang xuống cấp trầm trọng nên mặt đường QL 5 bị hằn lún vệt bánh xe, sống trâu, rãnh bừa nham nhở, hệ thống báo hiệu đường bộ, sơn vạch kẻ đường không được rà soát, sửa chữa, thay thế, điều chỉnh và bổ sung kịp thời… thì việc quy định cho phép tốc độ như trên cũng làm tăng nguy cơ TNGT.
|
Đường xuống cấp trầm trọng luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT. |
Kiến nghị nhiều, không được giải quyết vì bài toán… kinh phí
Trong các báo cáo, UBND tỉnh Hải Dương cho biết, đã nhiều lần kiến nghị Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT hỗ trợ kinh phí xây dựng đường gom để xóa bỏ 99/130 lối đi dân sinh cắt qua đường sắt đấu nối trực tiếp với QL5 nhưng Bộ GTVT chưa có kinh phí để thực hiện.
Ngay sau khi xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xe tải đâm đoàn cán bộ xã Kim Lương (huyện Kim Thành) khiến 8 người tử vong vào tháng 1/2019, UBND tỉnh Hải Dương cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ 550 tỷ đồng để xây dựng 4,93 km đường gom, xóa bỏ 109 lối đi dân sinh và xây dựng cầu vượt từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương nhưng đến nay chưa được cấp trên phê duyệt.
Tại cuộc họp sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra trên địa bàn huyện Kim Thành sáng 23/7, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương – Nguyễn Dương Thái đã đề nghị lãnh đạo Uỷ ban ATGT Quốc gia và lãnh đạo Bộ GTVT cần quan tâm hơn đến đoạn quốc lộ 5 đi qua tỉnh Hải Dương.
Theo ông Nguyễn Dương Thái, trên thực tế có rất nhiều khu vực, nhiều điểm xảy ra tai nạn. Gần đây nhất hồi đầu năm cũng xảy ra vụ tai nạn hết sức thương tâm, đau lòng cũng ở trên địa bàn huyện Kinh Thành.
“Nguyên nhân thì có rất nhiều nhưng có lẽ vấn đề tốc độ các lái xe cần phải giảm, vì đoạn quốc lộ đi qua như phố ở hai bên nên rất nguy hiểm. Ngay bản thân chúng tôi công tác và thường xuyên đi qua tuyến đường này cũng rất e ngại vì phương tiện dày đặc, chạy với tốc độ cao 80km/h. Ngay như xe chúng tôi cũng không dám đi”, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, người dân sống hai bên đường buộc phải qua đường hàng ngày vì nhu cầu sinh sống, làm ăn chứ không thể khác được.
“Đó là chưa nói đến tuyến đường sắt chạy song song, tai nạn đường sắt trên địa bàn cũng rất phức tạp và xảy ra rất nhiều. Vì thế, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo cũng như các giải pháp của BỘ GTVT và Ủy ban ATGT Quốc gia để giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông trên tuyến đường này”, ông Nguyễn Dương Thái cho biết.
Có giải quyết dứt điểm được tai nạn thảm khốc trên QL5?
Ngày 25/7, Bộ GTVT đã phát đi thông cáo báo chí về kết quả xử lý "điểm đen", điểm tiềm ẩn TNGT trên hệ thống quốc lộ. Trong đó nêu rõ, về việc xử lý mất an toàn giao thông trên Quốc lộ 5, ngay sau tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ngày 23/7/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Ban An toàn giao thông Hải Dương, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam đã kiểm tra xem xét hiện trường, triển khai một số công việc cấp bách.
Cụ thể, thực hiện ngay hoàn thành trước ngày 30/7/2019 tại ngã tư Km63+530 như bổ sung sơn kẻ đường gồm vạch đi bộ, vạch mắt võng và sơn vạch gờ giảm tốc; lắp đặt đinh phản quang ở vạch biên khu vực; cắm các cụm biển báo hạn chế tốc độ (60 Km/h) khoảng 700 m.
Đồng thời lên phương án thiết kế hoàn thành trước ngày 10/8 để giải quyết tiếp như xây dựng cầu vượt dân sinh (cho người đi bộ, xe máy, xe thô sơ) vượt qua Quốc lộ 5 và đường sắt tại Km63+530; Tổ chức lại giao thông 2 nút giao trước và sau vị trí ngã tư (tại Km63+020; Km64+620) theo hướng lắp đèn tín hiệu giao thông.
Về việc xử lý tình hình trật tự an toàn giao thông trên Quốc lộ 5, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT, Công an của 4 địa phương dọc Quốc lộ 5 (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng), đơn vị quản lý tuyến đường đã rà soát các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, các điểm giao cắt và bàn biện pháp trước mắt và lâu dài, bao gồm:
Tăng cường cảnh báo, sơn kẻ đường, giảm tốc, phản quang và hạn chế tốc độ tại các điểm xung yếu, các điểm mở dải phân cách; Xem xét đầu tư thêm cầu vượt dân sinh, đèn tín hiệu tại những vị trí nguy hiểm có lưu lượng người xe máy đi lại lớn; Khẩn trương thực hiện trùng tu, sửa chữa mặt đường.
Thông cáo cũng nêu rõ, do công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn, cần có sự phối hợp chặt chẽ của Trung ương và các địa phương để đầu tư.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Trưởng ban quản lý bảo trì quốc lộ 5 thuộc Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam cho hay, đơn vị đã lập dự án cải tạo mặt đường quốc lộ 5 từ Km 46 đến Km 76, tuy nhiên do vướng thủ tục đầu tư nên dự kiến đầu năm 2020 mới tiến hành sửa chữa.
Do vậy, trước mắt sẽ sửa chữa tạm những đoạn đường hư hỏng, rà soát để tổ chức lại giao thông trên quốc lộ 5, lắp đặt thêm gờ giảm tốc tại các nút giao cắt, đường ngang; đóng một số điểm mở không đảm bảo an toàn và thay thế bằng cầu vượt. Đồng thời, cắm thêm biển hạn chế tốc độ, tăng đèn tín hiệu giao thông tại một số đường ngang…
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Vidifi, Sở GTVT các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng kiểm tra, đưa vào dự án trùng tu QL5 việc nâng cấp điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông trên toàn tuyến, như: Tổ chức giao thông, cắm biển hạn chế tốc độ, làm gờ giảm tốc tại các vị trí điểm mở dải phân cách và qua các khu vực đông dân cư, xây dựng cầu vượt nhẹ…